Thứ sáu, 29/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bộ Giao thông Vận tải đề xuất kéo dài ‘tuổi thọ’ đầu máy, toa xe đường sắt

N.Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo dự thảo nghị định mới liên quan đến quy định về niên hạn đầu máy toa xe đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất cho phép các phương tiện đường sắt hết niên hạn được sử dụng tiếp đến hết hết năm 2030.

Nếu không được tăng niên hạn sử dụng, đến đầu năm 2026 sẽ có 114 đầu máy, 1.472 toa xe hàng và 168 toa xe khách phải ngừng hoạt động. Ảnh minh hoạ: Minh Hoàng.

TTXVN đưa tin Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến dự thảo nghị định mới liên quan đến quy định về niên hạn đầu máy toa xe đường sắt, trong đó đề xuất cho phép các phương tiện đường sắt hết niên hạn sử dụng đến hết ngày 31-12-2030.

Theo Nghị định số 65/2018, đầu máy và toa xe chở khách có niên hạn sử dụng là 40 năm, toa xe chở hàng là 45 năm và lộ trình thực hiện, bắt đầu thực hiện từ năm 2020.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động vận tải đường sắt bị đình trệ, tình hình sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/2022 điều chỉnh lộ trình niên hạn của phương tiện đường sắt bắt đầu áp dụng từ ngày 31-12-2020 được kéo dài đến ngày 31-12-2023.

Theo báo cáo của VNR, hiện ngành đường sắt có khoảng 140 đầu máy có thời gian sử dụng trên dưới 40 năm gồm 31 đầu máy D9E của Mỹ sản xuất năm 1963, 16 đầu máy D18E của Bỉ sản xuất năm 1983, 30 đầu máy D10H do Trung Quốc sản xuất từ năm 1978-1984.

Về toa xe, VNR có hơn 1.400 toa xe hàng và 168 toa xe khách đã khai thác hơn 40 năm và khoảng 590 toa xe hàng, 100 toa xe khách đã khai thác từ 30-40 năm.

Nếu triển khai quy định về lộ trình thực hiện niên hạn toa xe khách và đầu máy là 40 năm, toa xe hàng là 45 năm, phía VNR cho rằng đến ngày 31-12-2025, các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đường sắt sẽ phải dừng hoạt động khoảng 114 đầu máy, 1.472 toa xe hàng và 168 toa xe khách.

Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam, các cơ quan liên quan tập trung xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 65/2018/NĐ-CP và Nghị định số 01/2022/NP-CP, theo hướng phân cấp thủ tục hành chính từ bộ về Cục Đường sắt Việt Nam.

Nội dung sửa đổi bao gồm việc kéo dài niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt dự kiến đến năm 2027 hoặc 2030 nhằm tận dụng các phương tiện giao thông đường sắt tuy hết niên hạn sử dụng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, điều kiện khai thác an toàn.

Đề xuất kéo dài niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt đến 2030 khi Luật Đường sắt (sửa đổi) có hiệu lực thi hành được ba năm để doanh nghiệp kinh doanh đường sắt có thời gian thích ứng với quy định mới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới