Săn tác phẩm hội họa trên mạng
Minh Nguyên tổng hợp
![]() |
Một tác phẩm trong loạt tranh Flowers của họa sĩ Andy Warhol đã được đấu giá trực tuyến vào tháng 7-2011 và đạt giá kỷ lục là 1,3 triệu đô la Mỹ. |
(TBVTSG) - Ngày nay, với sự phổ cập của Internet và sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghệ thiết bị số, hoạt động kinh doanh các tác phẩm hội họa ngày càng trở nên sôi động khi mà các cuộc đấu giá trực tuyến đang bắt đầu cạnh tranh với các cuộc đấu giá truyền thống trong việc thu hút các nhà sưu tầm. Vào năm 1999, công ty ArtNet đã tiến hành đấu giá trực tuyến một số tranh của các danh họa nổi tiếng thế giới nhưng thất bại. Tuy nhiên, tình thế nay đã thay đổi.
Hồi tháng 7 năm ngoái, một tác phẩm trong loạt tranh Flowers của Andy Warhol (1928-1987) – một họa sĩ người Mỹ gốc Rusyn nổi tiếng về nghệ thuật đại chúng (Pop Art) – ước tính trị giá hơn 1,1 triệu đô la Mỹ, đã được đem đấu giá. Điều đặc biệt là người mua không phải tới London hay New York để ra giá mà thay vào đó chỉ cần ngồi trước máy tính, truy cập vào trang web artnet.com và tham gia đấu giá chỉ bằng những cú nhấp chuột.
ArtNet cho biết bức tranh sau đó đã được bán với giá 1,3 triệu đô la cho một nhà sưu tập giấu tên, và được xem là bức tranh đắt giá nhất được bán trực tuyến trên trang này tính đến thời điểm đó.
Một ngành kinh doanh hái ra tiền
Ở Việt Nam hiện có nhiều phòng trưng bày (gallery) lập trang web để bán tranh qua mạng như www.vietnamartist.com (gallery này còn có tên miền khác là www.particulargallery.com), www.thaisongallery.com, www.binhstudio.com, www.tudogallery.com… Theo nhận định của giới chuyên môn, các trang web bán tranh ở Việt Nam cũng đi theo xu hướng cung cấp sự tiện ích cho khách hàng, nhằm rút ngắn thời gian và tiết kiệm bớt chi phí trong giao dịch giữa người mua và người bán. Tuy nhiên, vấn nạn tranh giả, tranh chép trôi nổi trên thị trường đã phần nào gây ra tâm lý e ngại nơi khách hàng (cả trong và ngoài nước) khi họ tiếp cận với các tác phẩm qua mạng. |
Những dẫn chứng trong thực tế đã cho thấy sự bùng nổ của Internet và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin không chỉ đẩy nền kinh doanh báo in vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt và đầy khó khăn với báo điện tử mà còn tác động lên cả ngành kinh doanh các tác phẩm nghệ thuật. Việc đấu giá tác phẩm hội họa – một ngành kinh doanh vốn mang tính truyền thống và độc lập cao – đang rơi vào xu thế phải cạnh tranh với sự nổi lên của trào lưu đấu giá nghệ thuật trực tuyến.
Những công ty giống như ArtNet có hình thức hoạt động tương tự eBay, họ cung cấp một diễn đàn giao dịch và sau mỗi lần một tác phẩm được đấu giá thành công thì nó sẽ được chuyển giao trực tiếp đến người mua. Tuy nhiên, ông Hans Neuendorf, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của ArtNet, nói rằng nếu eBay chỉ đơn thuần liên kết người bán với người mua, thì công ty của ông còn tư vấn cho khách hàng của mình và mời chuyên gia để thẩm định và định giá các tác phẩm được rao bán. Vì đây là một lĩnh vực kinh doanh khá đặc thù nên những việc nói trên là nhằm bảo đảm chất lượng của tác phẩm và sự an toàn trong giao dịch cho khách hàng.
ArtNet cho biết hình thức đấu giá trực tuyến giúp đẩy nhanh các giao dịch trên thị trường nghệ thuật và giảm được chi phí cho các bên liên quan. Cụ thể, công ty có thể tiết kiệm được khá nhiều khoản tiền do không cần phải thuê không gian trưng bày tác phẩm và giảm thiểu chi phí vận chuyển.
Trung bình, công ty chỉ lấy một nửa tiền hoa hồng của khách hàng so với các hãng đấu giá truyền thống khác. Một cuộc đấu giá thường được hoàn tất trong vòng năm tuần, bao gồm cả khâu vận chuyển. Trong khi đó, các hãng đấu giá truyền thống phải mất 5-6 tháng cho việc này, ông Neuendorf phân tích.
Theo ArtNet, công ty ngày càng thu hút được nhiều khách hàng mới, trung bình cứ năm khách hàng thì có một khách là người mới. Phần lớn tác phẩm được bán qua mạng không phải là những kiệt tác nổi tiếng, mà là những bức họa bậc trung với giá bán khoảng 7.000 đô la cho mỗi bức. Hoạt động kinh doanh của công ty đang có mức tăng trưởng tốt, chỉ trong năm 2010 đã tăng 140%.
Trước khi lập sàn đấu giá trực tuyến, ArtNet – có trụ sở đặt ở Berlin (Đức) – vốn đã có kinh nghiệm và xây dựng được thương hiệu trong lĩnh vực cung cấp dữ liệu về giá cả của các tác phẩm nghệ thuật. Đây được xem là trung tâm tư liệu lớn của thế giới về các tác phẩm được đấu giá, nhờ vậy mà các nhà sưu tầm có thể có được thông tin của khoảng 500 hãng đấu giá từ năm 1985 trở lại đây. Bên cạnh đó, ArtNet còn điều hành một mạng lưới phòng trưng bày thông qua việc liên kết với hơn 2.000 phòng trưng bày nghệ thuật và lên danh sách khoảng 166.000 tác phẩm nghệ thuật.
Cũng nhờ vào các sàn đấu giá trực tuyến như ArtNet mà hoạt động kinh doanh các tác phẩm nghệ thuật ngày càng trở nên sôi động và nhộn nhịp, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Qua quá trình nghiên cứu và đánh giá thị trường, ArtNet cho rằng việc đầu tư vào các tác phẩm hội họa có giá trị có thể thu lợi nhiều hơn là đầu tư vào chứng khoán.
Công ty này đưa ra dẫn chứng từ trường hợp của họa sĩ người Mỹ Andy Warhol kể trên và họa sĩ người Anh Damien Hirst (sinh năm 1965). Tranh của hai họa sĩ này trong vòng 10 năm qua đã lên giá nhanh hơn cả chỉ số cổ phiếu Standard&Poor’ 500 (bao gồm cổ phiếu của 500 công ty lớn của Mỹ) và lên giá nhanh nhất trong số 50 họa sĩ có tranh bán được nhiều nhất.
Theo thống kê, từ năm 2002 đến 2007, tác phẩm của Damien Hirst lên giá gấp ba lần và sau đó năm năm liên tục có giảm giá chút ít. Mặc dù vậy, trong vòng 10 năm qua, giá trung bình khi đấu giá một bức họa của Damien Hirst tăng 901.000 đô la. Trong khi đó, từ năm 2001 đến 2011, tranh của Andy Warhol tăng giá gấp bốn lần. Vào năm 2007, tranh của họa sĩ này đạt giá cao nhất và sau đó cũng giảm chút ít, tuy thế, đến năm 2011 lại đạt giá cao như trước đây.
Trong khoảng thời gian này, việc đầu tư vào cổ phiếu của các công ty thuộc Standard&Poor’ 500 thu lợi nhuận thấp hơn rất nhiều lần so với đầu tư vào các bức tranh. Trong vòng 10 năm qua, Standard&Poor’ 500 chỉ tăng có 7%.
Vẫn tiềm ẩn tính rủi ro cao
Việc mua bán tranh và các tác phẩm nghệ thuật qua mạng hiện nay đang trở nên phổ biến. Không chỉ có những cái tên mới mà những nhà đấu giá truyền thống tên tuổi như Christie’s, Sotheby’s, Borobudur, Larasati, Mainichi… hay các nhà sưu tập lừng lẫy như Charles Saatchi, Marc Jacobson đều có nhiều hoạt động quảng bá, mua bán các tác phẩm hội họa qua mạng một cách rôm rả. Từ năm 2006, Charles Saatchi đã khai trương một trang web dành riêng cho các sinh viên nghệ thuật để họ bán tác phẩm qua mạng. Trang web này hiện thu hút khoảng vài chục ngàn sinh viên mỹ thuật và cả các nghệ sĩ nghiệp dư, độc lập trên toàn thế giới tham gia, với lượng truy cập có ngày lên đến 6-7 triệu lượt.
Theo các nhà đấu giá, việc giới thiệu các tác phẩm lên mạng cũng là một giải pháp tiện ích phục vụ khách hàng. Vì theo phương thức đấu giá truyền thống, nhiều nhà sưu tập khi bận rộn hoặc không muốn lộ mặt đã phải nhận catalogue ở nhà và ra giá qua điện thoại. Với tiện ích kể trên, họ có thể nhìn thấy tác phẩm mà mình muốn mua một cách cụ thể và sinh động hơn qua màn hình máy tính hoặc qua các thiết bị di động cá nhân.
Tuy nhiên, không phải nhà sưu tập nào cũng quan tâm đến việc đấu giá tác phẩm nghệ thuật trên mạng. Các chuyên gia nghệ thuật cho rằng việc đấu giá trực tuyến vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng. Vì khi đó, dù rất quan tâm đến một bức tranh nào đó nhưng khách hàng chỉ được nhìn hình ảnh của tác phẩm mà họ đang muốn mua chứ không được tận mắt ngắm nó.
Khác với các nhà đấu giá trực tuyến, các nhà đấu giá truyền thống thường trưng bày các đồ vật trong một khoảng thời gian nhất định trước khi chúng được đấu giá. Theo giới chuyên gia thì điều này rất quan trọng bởi qua đó, khách hàng quan tâm có thể ghé phòng trưng bày để nhìn ngắm, đánh giá và thẩm định được tính xác thực của món hàng.
Khách hàng có thể tới hãng đấu giá cùng với một chuyên gia thẩm định. Họ có thể xem bức tranh một cách kỹ lưỡng, thậm chí yêu cầu nhân viên phòng trưng bày tháo nó ra khỏi tường rồi sử dụng thiết bị đặc biệt như đèn quartz iodine để soi kỹ bức tranh trước khi quyết định tham gia đấu giá. Do đó, việc chỉ được nhìn hình ảnh (dù là hình ảnh bốn chiều đi chăng nữa) thì khó có thể làm cho khách thực sự hài lòng vì có thể họ sẽ phải bỏ ra hàng trăm ngàn, thậm chí là cả triệu đô la để mua một tác phẩm hội họa.
Như vậy, có thể nói hình thức đấu giá trực tuyến hiện chỉ mới phổ biến đối với những khách hàng yêu thích sự tiện lợi do công nghệ mang lại và có sự am tường về tác phẩm mà bản thân muốn mua. Bên cạnh đó, giải pháp kinh doanh này dường như phù hợp với các bức hội họa bậc trung hơn là các tác phẩm của các danh họa.
Phương thức tồn tại trong suy thoái kinh tế Sự suy giảm kinh tế toàn cầu đã khiến tình trạng đóng cửa ngừng kinh doanh của các cửa hiệu ở Anh trong hai tháng đầu năm nay tăng lên đến 14%. Tuy nhiên, có một điều khá ngạc nhiên là doanh số bán lẻ trong cùng thời điểm này ở Anh vẫn tăng. Lý giải cho vấn đề này là ngày càng có nhiều doanh nghiệp Anh chọn hình thức buôn bán qua mạng. Thay cho việc rót tiền vào các cửa hàng cửa hiệu, nhiều doanh nghiệp ở Anh bây giờ chuyển sang kinh doanh trực tuyến và chỉ giữ cửa hàng như một đại sứ của thương hiệu. Các chợ trực tuyến ở Anh đang được xem như là một giải pháp khả thi để tồn tại trong bối cảnh kinh tế suy thoái. Đây cũng là lý do mà những con phố buôn bán nổi tiếng tại trung tâm thủ đô London đang dần vắng bóng những thương hiệu nổi tiếng và quen thuộc như Woolworth’s, Zavi, Peacocks, Borders hay Habitat… Tương tự, chuỗi cửa hàng kinh doanh trò chơi điện tử lâu đời Game cũng đang cắt giảm sự hiện diện của mình trên toàn nước Anh. Giới chuyên gia kinh tế đã dự báo rằng, những con phố buôn bán một thời là biểu tượng cho sự sầm uất của nước Anh sẽ không còn trong tương lai, và thay vào đó là những khu phố thương mại trên Internet. Theo các chuyên gia, với hình thức buôn bán mới này, nhà bán lẻ cũng không cần duy trì cửa hiệu của mình tại đâu đó quá lâu. Các cửa hiệu có thể chuyển địa điểm sau mỗi sáu tháng và làm nhiệm vụ truyền bá thương hiệu của mình tới một miền đất mới. Theo một bản báo cáo mới đây của hãng tư vấn Boston, người dân Anh là những người mua sắm trên mạng Internet nhiều nhất trong khối G20. Việc này đã giúp Anh trở thành nền kinh tế trực tuyến lớn nhất trong khối này. Bản báo cáo cho biết, giá trị của các giao dịch kinh tế qua Internet ở Anh đáng giá tới 121 tỉ bảng Anh, chiếm 8,3% nền kinh tế nước này. Nếu các giao dịch trực tuyến ở Anh được đánh giá là một ngành kinh tế, giá trị của nó có thể lớn hơn cả các ngành y tế , xây dựng và giáo dục. S. Nguyên (Theo Reuters) |