Thứ năm, 14/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần cách tiếp cận mới với chuỗi cung ứng

Hùng Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Bên cạnh nỗ lực cải tiến sản xuất và tăng năng lực, để tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế đòi hỏi doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước cần chủ động kết nối, hợp tác với nhau để phát triển chuỗi cung ứng cạnh tranh. Bởi các nhà sản xuất đầu cuối đang có xu hướng yêu cầu nhà cung ứng trong nước hoàn thiện cả chuỗi linh kiện đa chi tiết thay vì chỉ dừng lại ở những linh kiện riêng lẻ như trước đây.

Cơ hội cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt hiện được đánh giá là khá lớn. Ảnh minh hoạ: TTXVN.

Câu chuyện cũ về cạnh tranh giá

Trước làn sóng dịch chuyển đầu tư sản xuất mạnh mẽ và đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu của các công ty đa quốc gia, các chuyên gia đánh giá đây là cơ hội lớn cho các nhà cung cấp, doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Bởi lẽ nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục được chọn lựa là một trong những điểm đến ưu tiên để đầu tư và tìm nhà cung cấp của nhiều nhà sản xuất nước ngoài.

Căng thẳng về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng cùng những bất cập do chuỗi cung ứng quá phụ thuộc vào quốc gia châu Á này đang mở ra cơ hội cho Việt Nam thu hút đầu tư. Tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu luôn có nhiều thách thức, nhưng thời điểm này được xem là "điểm rơi" lý tưởng cho các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ của Việt Nam bước chân vào "cuộc chơi" chung.

Các chuyên gia đánh giá cơ hội đang đứng "trước thềm nhà" của các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nhưng để nắm lấy cơ hội này thì đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Nhiều nhà cung ứng của Việt Nam cũng cho biết, xu hướng các tập đoàn toàn cầu có mong muốn tìm kiếm đơn vị cung ứng trong nước đang tăng lên. Song, đi kèm với cơ hội là thách thức từ những yêu cầu kỹ thuật cao, khắt khe mà nhiều doanh nghiệp trong nước với phần lớn có quy mô nhỏ và vừa, khó có thể đáp ứng hoặc kiên trì đeo bám. Do đó, số lượng doanh nghiệp Việt trở thành nhà cung ứng cấp một, cấp hai và cấp ba còn hạn chế.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã đạt yêu cầu về chất lượng và chủng loại sản phẩm, nhiều doanh nghiệp Việt cũng thừa nhận rất khó cạnh tranh về giá so với các đối thủ ngoại, nhất là từ Trung Quốc với quy mô sản xuất lớn.

Bà Trương Thị Thu Trâm, Phó tổng giám đốc Công ty In ấn Minh Mẫn, cũng cho rằng năng lực cung ứng và kỹ thuật của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngày càng tốt lên. Tuy nhiên, do nguyên liệu sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu nên kém cạnh tranh. Có những đơn hàng mà dù doanh nghiệp nội địa chào bằng giá vốn cũng không cạnh tranh giá của các doanh nghiệp nước ngoài.

Chia sẻ với KTSG Online, lãnh đạo một doanh nghiệp cơ khí lớn ở TPHCM cho rằng, có những doanh nghiệp sản xuất của châu Âu, Nhật tại Việt Nam tìm đến để đặt hàng nhằm thay thế nguồn cung từ Trung Quốc. Về yêu cầu chất lượng, doanh nghiệp không e ngại nhưng về giá cả, sản phẩm của công ty vẫn chưa cạnh tranh với linh phụ kiện sản xuất tại Trung Quốc.

"Có những nguyên phụ liệu để sản xuất ra thành phẩm, chúng tôi còn phải nhập khẩu ở thị trường Trung Quốc nên giá thành bán ra khó thể cạnh tranh với những doanh nghiệp hoạt động cùng ngành tại quốc gia này. Họ có nguồn nguyên liệu tại chỗ để đáp ứng nhanh, không tốn nhiều chi phí vận chuyển", vị CEO doanh nghiệp chia sẻ.

Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng chỉ ra các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đáp ứng được yêu cầu của quốc tế là do chi phí sản xuất cao, phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.

Và thách thức mới

Doanh nghiệp hỗ trợ Việt đối diện thách thức mới phía trước.

Một vấn đề khác được xem là thách thức mới với các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước là yêu cầu cung ứng cụm linh kiện đa chi tiết hoặc tạo thành chuỗi từ nhà sản xuất đầu cuối. Điều này khác với trước đây khi chỉ dừng lại những linh kiện riêng lẻ của từng nhà cung cấp.

Tại các cuộc gặp gỡ các nhà cung cấp linh phụ kiện trong nước được tổ chức gần đây ở TPHCM, đại diện các nhà sản xuất FDI cũng nêu ra vấn đề này. Đây là xu hướng giúp nhà sản xuất kiểm soát được chất lượng, tiết giảm chi phí và có thể hỗ trợ nhà cung cấp về mặt công nghệ để phát triển.

Ông Kazutomi Miura, đại diện Công ty Takara Industry tại TPHCM cho biết, về cơ bản các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đáp ứng về tiêu chuẩn và chất lượng của doanh nghiệp Nhật Bản này. Tuy nhiên, mong muốn của công ty là các doanh nghiệp Việt cố gắng làm tới công đoạn lắp ráp những cấu kiện hoàn chỉnh để dễ kiểm soát chất lượng và giảm chi phí.

Tương tự, đại diện bộ phận mua hàng Công ty TTI Việt Nam – doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết bị điện cho biết, thời gian tới, TTI Việt Nam mong muốn tìm được những nhà cung cấp có thể khép kín quy trình sản xuất, tức họ sản xuất từ A-Z các cấu kiện. Điều này giúp công ty kiểm soát được về mặt chất lượng và có thể hỗ trợ nhà cung cấp về mặt công nghệ để phát triển.

Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ (Sở Công thương TPHCM) cũng cho biết, xu hướng gần đây cho thấy nhà sản xuất nước ngoài yêu cầu chuỗi cung cấp phải khép kín. Phần lớn đều dặt vấn đề về việc cung cấp từ A-Z các cấu kiện, thay vì một số chi tiết riêng lẻ như tiện, hàn… lâu nay.

Là người trực tiếp tham gia nhiều hoạt động kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước với doanh nghiệp FDI, bà Oanh nhận thấy số doanh nghiệp Việt có thể đáp ứng được yêu cầu này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trước yêu cầu này, rất cần sự hợp tác và liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với nhau để cùng tạo thành chuỗi, cụm chi tiết để có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Thế nhưng đây lại là vấn đề rất yếu của các doanh nghiệp trong nước. Thường doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ trong nước quy mô nhỏ và vừa, đi riêng lẻ, ít có sự kết nối tạo thành chuỗi cung ứng sản xuất hoặc hệ sinh thái hoàn chỉnh.

Sản xuất của một doanh nghiệp hỗ trợ VN. Ảnh: L.H

Thực tế này cũng được đại diện Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) thừa nhận. Trogn thời gian qua, nhận thấy yêu cầu nói trên của nhà mua hàng các công ty sản xuất đa quốc gia, VASI cũng đã đưa ra giải pháp “học chung, mua chung, bán chung” cho các hội viên.

Giải pháp này đã mang lại kết quả ban đầu khi VASI ở khu vực miền Bắc đã kết nối thành công dự án “bán chung” đầu tiên cho doanh nghiệp FDI. Cụ thể, các doanh nghiệp trong từng khối như khối khuôn, khối nhựa, khối cơ khí... làm việc với nhau để tạo ra sản phẩm đầu cuối, gửi báo giá cho khách hàng và đã được chấp nhận.

Tuy nhiên, đại diện VASI cho biết, việc thực hiện giải pháp này gặp khó khăn do năng lực của doanh nghiệp không đồng đều và sự thấu hiểu giữa các doanh nghiệp khi làm cùng nhau chưa cao. Bên cạnh đó, hiện chuỗi cung ứng kết nối chưa được hoàn thiện như tại VASI khu vực miền Nam đang thiếu một số mắt xích như xi mạ, nhiệt luyện, đúc… Các hội viên đầu tư chưa có định hướng, chưa có sự chuyên môn hóa sâu.

Trong khi đó, phía nhà cung cấp Trung Quốc thì đây lại là lợi thế. Ông Nguyễn Trọng Tài, Tổng giám đốc RX Tradex Việt Nam – đơn vị nhiều năm tư vấn và kết nối doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam chia sẻ, cách làm của doanh nghiệp Trung Quốc trong trường hợp khách hàng có nhu cầu về một cụm chi tiết đó chính là kết nối.

Khi có đơn hàng, doanh nghiệp nước này chủ động tìm đối tác có thể thực hiện các công đoạn, chi tiết trong cụm để có thể “bán chung”. Hệ sinh thái hoàn chỉnh cung cấp linh kiện và khả năng kết nối, tin tưởng lẫn nhau giữa các doanh nghiệp giúp sản phẩm đầu ra đảm bảo chất lượng, cạnh tranh giá.

Bà Trương Thị Thu Trâm cũng cho rằng, các công ty công nghiệp hỗ trợ ngoại có sự hợp tác liên kết khá mạnh mà doanh nghiệp Việt cần phải học hỏi. Bà dẫn chứng câu chuyện các đơn vị công nghiệp hỗ trợ trong nước thua ngay trên sân nhà khi thiếu sự chủ động, nối kết với nhau tạo thành chuỗi cung ứng từ A-Z cho nhà sản xuất.

Cụ thể, một tập đoàn công nghiệp lớn Việt Nam khi có ý định tham gia sản xuất đồ điện gia dụng thì lập tức những doanh nghiệp Trung Quốc đã chủ động tiếp cận và bàn giải pháp cung ứng trọn gói nguyên vật liệu, linh kiện sản xuất cho đơn vị này. "Họ đề nghị được cung ứng từ kim loại, vít, đến sơn, nhãn mác, in ấn… để cấu thành một sản phẩm cuối cùng, điều mà những nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa thực hiện được", bà Trâm nói.

Theo các chuyên gia, bản thân doanh nghiệp phải quyết tâm nỗ lực và cần thay đổi tư duy quản trị, cộng với sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước và sự đồng hành hỗ trợ của đơn vị mua hàng thì có thể cải thiện được.

Mặt khác, ngoài việc cần phát triển chuỗi, hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ tốt thì rất cần có những "con sếu" đầu đàn mạnh để dẫn dắt và hỗ trợ doanh nghiệp cùng phát triển.

Đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cũng mong Chính phủ cung cấp thêm nhiều khoản hỗ trợ cho nhà sản xuất nhỏ và vừa. Bởi các công ty này tuy rất nhỏ lẻ với vốn thấp nhưng lại là một phần thiết yếu của ngành công nghiệp hỗ trợ, đóng góp vào phát triển chuỗi cung ứng Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới