Thứ hai, 4/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nguồn cung bạch kim thiếu hụt lớn nhất trong một thập niên

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nguồn cung kim loại thuộc nhóm bạch kim (gồm platinum, palladium và rhodium) trong năm 2024 dự kiến thiếu hụt lớn nhất trong 10 năm. Bạch kim được sử dụng phổ biến trong các bộ chuyển đổi xúc tác ở xe động cơ đốt trong để giảm khí thải độc hại.

Các thỏi bạch kim (platinum) nguyên chất 99,98% tại nhà máy tinh luyện kim loại quí Krastsvetmet ở thành phố Krasnoyarsk, Nga. Ảnh: Reuters

Theo báo cáo mới đây của Johnson Matthey, nhà cung cấp công nghệ bền vững của Anh, trong năm nay, nguồn cung bạch kim sơ cấp (nguồn cung trực tiếp từ các nhà sản xuất) dự kiến giảm 2% so với năm ngoái, xuống còn khoảng 5,68 triệu ounce. Trong khi đó, nhu cầu bạch kim dự kiến vẫn ổn định ở tất cả các lĩnh vực.

Nguồn cung giảm sẽ dẫn đến mức thiếu hụt khoảng 600.000 ounce so với nhu cầu, đánh dấu mức thiếu hụt lớn nhất trong 10 năm. Sự thiếu hụt này diễn ra bất chấp sản lượng xe động cơ đốt trong hạng nhẹ trên toàn cầu được dự báo giảm trong năm nay và doanh số xuất khẩu bạch kim của Nga tăng lên.

Rupen Raithatha, Giám đốc nghiên cứu thị trường của Johnson Matthey, cho biết mức độ phục hồi sản xuất bạch kim sơ cấp và thứ cấp không đạt kỳ vọng trong năm 2023. Điều này là do hoạt động bảo trì và tình trạng thiếu điện tại các nhà máy luyện và tinh chế bạch kim ở Nam Phi cũng như ít xe cộ hết hạn sử dụng gia nhập thị trường phế liệu.

Mặt khác, nhu cầu từ ngành công nghiệp ô tô, nơi bạch kim được sử dụng để giảm lượng khí thải của động cơ đốt trong, tăng 8% trong năm 2023, đạt khoảng 13,1 triệu ounce, mức cao nhất kể từ năm 2019. Đồng thời, tốc độ phổ cập xe điện diễn ra chậm hơn so với dự báo trước đây của các nhà phân tích trước đây.

Năm nay, nhu cầu bạch kim của ngành công nghiệp ô tô dự kiến giảm nhẹ do doanh số xe điện tiếp tục tăng. Tuy nhiên, quá trình điện hóa xe cộ vẫn đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm thiếu hạ tầng trạm sạc và giá cả nói chung còn đắt đối với người tiêu dùng. Do đó, nhu cầu bạch kim của xe động cơ đốt trong vẫn ở mức lớn.

Tiêu thụ bạch kim của các ngành công nghiệp khác cũng ổn định ở mức khoảng 2,8 triệu ounce mỗi năm trong 3 năm qua, gần với mức cao trong lịch sử. Nhu cầu bạch kim từ ngành hóa chất và thủy tinh của Trung Quốc đặc biệt mạnh mẽ.

Tất cả 3 nhà sản xuất bạch kim lớn của Nam Phi là Sibanye-Stillwater, Anglo American Platinum và Impala Platinum đều đã công bố chương trình tái cơ cấu để ứng phó với tình trạng giá cả suy yếu. Báo cáo của Johnson Matthey cho biết, động thái cắt giảm chi tiêu vốn của các nhà sản xuất này chắc chắn sẽ làm suy giảm năng lực sản xuất trong dài hạn. Ngoài ra, tình trạng gián đoạn nguồn cung bạch kim sơ cấp có thể xảy ra do tình hình kinh tế và chính trị bất ổn ở Nam Phi, nơi cung cấp khoảng 69% nguồn cung bạch kim của thế giới.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt bạch kim chưa được phản ánh trong biến động giá cả. Platinum tăng giá 3,2% trong tuần qua và đang giao dịch ở mức gần 1.000 đô la/ounce nhưng vẫn thấp khoảng 9,35% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài các ứng dụng công nghiệp, platinum còn sử dụng để chế tác trang sức và đầu tư. Palladium đang giao dịch ở mức 990 đô la/ounce, và giá của rhodium đang ở mức quanh 4.700 đô la/ounce, giảm khoảng 84% so so với mức cao nhất mọi thời đại thiết lập vào vào tháng 3-2021.

Theo lý giải của Rupen Raithatha, giá kim loại nhóm bạch kim không tăng là do các khách hành trong ngành ô tô và các công nghiệp khác đã mua dự trữ quá mức trong giai đoạn 2020-2022 để đề phòng rủi ro tăng giá và gián đoạn nguồn cung.

Với việc giá vàng tăng lên mức cao kỷ lục, Tim Schlick, CEO của Platinum Guild International (PGI), công ty tiếp thị bạch kim có trụ sở Hồng Kông, nhìn thấy cơ hội lớn trên thị trường bạch kim platinum. “Chúng tôi tin rằng đây là thời điểm thích hợp để đầu tư vào bạch kim”, Schlick nói.

Trước đây, vàng được coi ít hiếm hơn, do đó có giá trị thấp hơn platinum. Nhưng trong phần lớn thập niên qua, hai kim loại này đã hoán đổi vị thế. Giá vàng hiện đang cao hơn gấp đôi giá bạch kim. Schlick cho biết, điều đó không ảnh hưởng đến nhận thức của người tiêu dùng về giá trị của bạch kim. Bạch kim từng đạt đỉnh cao nhất lịch sử 2.290 đô la/ounce vào tháng 3-2008. Giá vàng trung bình trong năm đó chỉ là 872 đô la/ounce.

“Trong lịch sử, bạch kim thường đắt hơn vàng do tính khan hiếm cũng như những đặc tính độc đáo của kim loại này. Tuy nhiên, giá bạch kim có thể biến động mạnh do sự thay đổi của các điều kiện thị trường”, John Bergquist, chủ tịch của Elysium Financial, nói.

Ngành công nghiệp ô tô tạo ra nhu cầu cao nhất về bạch kim. Ngoài ra, bạch kim còn được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp khác để tạo ra các sản phẩm y tế, axit nitric và thủy tinh. Khi nhu cầu về những sản phẩm này tăng lên, giá bạch kim cũng tăng theo.

Bạch kim dự kiến đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển của công nghệ nhiên liệu sạch hydrogen sạch. Bạch kim được sử dụng trong thiết bị điện phân để sản xuất hydrgen không chứa carbon từ năng lượng tái tạo.

“Nếu nhu cầu năng lượng dựa trên hydrogen đáp ứng được kỳ vọng trong thập niên tới, nhu cầu bạch kim sẽ tăng lên đáng kể”, Stash Graham, CEO của Graham Capital Wealth Management, nhận định.

Theo WSJ, USA Today

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới