Thứ Ba, 14/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ba ba đổi Toyota  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ba ba đổi Toyota  

Anh Lương Ngọc Văn với con ba ba hơn 1 năm tuổi bên hồ nuôi ba ba của mình -Ảnh: TRỌNG BÌNH

(TBKTSG Online) – Có một nông dân khăn gói lên Bình Dương lập nghiệp bằng con ba ba và giờ đây, anh phát triển nghề nuôi ba ba có hiệu quả cao cho cả nông dân Bình Dương và nhiều nơi khác.  

Ở xã An Tây, huyện Bến Cát, Bình Dương, tận dụng vùng đất nhiễn phèn ven sông, anh Lương Ngọc Văn đã phát triển thành công trang trại nuôi ba ba mang tên Trường Thọ. Ông chủ trẻ này đã biến mảng đất sình của mình từ trồng lúa không đủ để… nuôi chuột thành cơ ngơi tiền tỉ.

Từ nước máy qua nước sông

Về xã An Tây công tác, tôi có dịp ghé qua thăm cơ sở thủy sản Trường Thọ ở ấp Lồ Ồ, nơi mà nhiều cán bộ nông nghiệp khen ngợi về mô hình nuôi ba ba hiệu quả cao của anh Lương Ngọc Văn. Tiếp tôi, giọng chân chất đậm nét miền Tây, anh Văn cho biết từ Tết đến giờ giá rất tốt, thời điểm này bán tại ao 300.000 đồng/kg ba ba loại 1 nhưng vẫn không đủ ba ba để bán. Anh Văn chỉ luôn vào chiếc Toyota Corolla còn mới tinh và khoe: “Kết quả thu hoạch vài hồ ba ba vừa qua đó”.  

Anh Văn không quên nhắc lại một thời vượt khó của mình. Sinh ra ở quê hương sông nước Cà Mau, năm 1989 anh Văn đưa vợ con lên Bình Dương để lập nghiệp. 46 tuổi đời, anh đã dành đến hơn 1/3 thời gian đó cho con ba ba. Lúc lên Bình Dương, công việc chính của anh là chạy xe máy bỏ mối cà phê, thấy người ta nuôi ba ba anh mê đến “phát ốm” nhưng không biết làm cách nào để nuôi.  

Năm 1990, ba ba xuất hiện trên thị trường và có giá nên phong trào nuôi ba ba diễn ra sôi động. Ngay tại thị xã Thủ Dầu Một, nhiều người đã xây hồ nuôi ba ba bằng nước máy, trong đó có cái tên Lương Ngọc Văn. Kết quả là chưa tới ngày thu hoạch, ba ba chết gần hết.  

Trong khi nhiều người bỏ cuộc, anh Văn cho rằng, nuôi ba ba rất có tiềm năng kinh tế vì giá ba ba luôn cao và thị trường cung không đủ cầu. Việc nuôi thất bại là do điều kiện và cách nuôi chưa phù hợp. Nghĩ vậy, anh giã từ việc nuôi ba ba bằng nước máy, gom vốn liếng đi nuôi ba ba bằng nước sông.

Khởi đầu, anh thuê đất tại xã Chánh Mỹ gần đó, nơi đất phèn ven sông để nuôi. Gần mười năm nuôi theo môi trường tự nhiên, hiệu quả mang lại từ ba ba cho anh Văn có “của ăn của để” nên anh quyết định tính tới chuyện mở rộng quy mô.

Năm 2002, anh Văn chuyển về xã An Tây mua đất mở trang trại vừa nuôi ba ba thịt vừa cung cấp giống cho thị trường. Anh Văn kể, lúc mới về An Tây, đất thì màu mỡ nhưng thực tình chẳng làm được gì. Ngày anh dốc vốn liếng đổ xuống bùn làm trang trại nuôi ba ba, bạn bè và người thân ngờ vực nhìn anh thở dài và cho rằng anh uống thuốc liều, cũng có không ít người bảo anh “hâm”.

Nên đào ao hình chữ nhật, dùng vật liệu nhẹ bảo vệ bờ hồ xung quanh không cho lở đất để ngăn ba ba bò ra ngoài nhưng đáy ao phải giữ đất bùn.

Nếu nước trong hồ có độ sâu 0,6 – 1 mét thì có thể nuôi 6-8 con/m2 loại ba ba 4 tháng tuổi đến khi xuất bán. Đối với ba ba nhỏ hơn, có thể nuôi nhiều hơn. Ngoài ra, hồ nuôi ba ba có thể nuôi ếch, nuôi cá trê để tận dụng thức ăn thừa của con ba ba.

Trong hồ nuôi cần bỏ lục bình khoảng 10% diện tích mặt nước nhằm giải nhiệt mùa nóng. Nuôi đúng kỹ thuật khoảng 14 tháng tuổi là ba ba đạt loại 1.

Còn đầu ra cho ba ba, nhiều năm qua giá cả rất tốt vì cung không đủ cầu và dễ bán, nếu có ba ba, thương lái sẽ tự đến nhà mua ngay. Hiện nay, giá ba ba thịt bán tại ao loại 1 (trên 1,4 kg/con) giá 300.000 đồng/kg, loại 2 (1,2-1,4 kg/con) giá 250.000 đồng/kg, loại 3 (dưới 1,2 kg/con) giá 200.000 đồng/kg.

Trời không phụ lòng người, lứa ba ba đầu tiên ở vùng đất mới thành công hơn mong đợi với lợi nhuận hơn 200 triệu đồng, vượt gấp 3 lần dự kiến của anh Văn. Thế là “lấy nó nuôi nó”, sau mỗi lần thu hoạch ba ba, anh tiếp tục tái đầu tư mở rộng ao nuôi. Đến nay, trang trại ba ba của anh Văn đã mở rộng lên hơn gần 2 héc ta với 25 hồ nuôi, diện tích mỗi hồ 300m2. Anh Văn cho biết, sau 14 tháng nuôi, mỗi hồ cho thu hoạch khoảng 1 tấn ba ba thịt là chuyện… nhỏ.  

Mô hình đang nhân rộng    

Tiếng lành đồn xa, hiện nay trại ba ba của anh Văn ngoài việc cung cấp ba ba thịt cho thị trường, mỗi ngày còn cung cấp hơn 500 con giống cho bà con nông dân đến từ nhiều nơi như miền Tây, miền Đông Nam bộ, Tây nguyên, miền Trung với giá 4.000 đồng/con ba ba 4 tuần tuổi. Bà con có nhu cầu nuôi phải đặt trước một tháng mới có giống.  

Không chỉ cung cấp giống, anh luôn hỗ trợ về kỹ thuật nuôi, cách chăm sóc, đào ao… sao cho có hiệu quả. Nếu ở xa cần giúp đỡ trong việc nuôi ba ba, bà con có thể trao đổi với anh qua điện thoại, còn ở gần anh có thể đến tận nơi hướng dẫn những kinh nghiệm mà anh học hỏi và đúc kết từ thực tiễn qua nhiều năm.

Theo nhận xét của anh Văn, đối với nông dân ở những vùng đất nhiễm phèn, kênh rạch nhiều, đều có thể phát triển mô hình nuôi ba ba. Hơn nữa, ba ba rất dễ nuôi và khả năng chịu đựng tốt, không cần thuốc ngừa và chữa bệnh nên không tốn chi phí cho khoản này. Về thức ăn, ba ba ăn tạp các loại như cá, ốc, nên nếu tận dụng được lao động nhàn rỗi, có thể tự tìm thức ăn cho ba ba thì lợi nhuận còn cao hơn.

Tuy nhiên để nuôi có lợi nhuận, ít nhất cũng phải nuôi 1.000 con trở lên, với số lượng này cũng không tốn công nhiều mà chỉ cần một lao động là đủ.

TRỌNG BÌNH

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới