Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Biến đổi khí hậu là ‘con dao hai lưỡi’ đối với ngành than của Úc

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chỉ trong 7 tháng đầu năm nay, Úc thu về hơn 53 tỉ đô la Mỹ từ xuất khẩu than, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh tác động của cuộc xung đột ở Ukraine, những đợt mưa lớn và lũ lụt cản trở hoạt động khai thác than của Úc trong năm nay, đã dẫn đến sản lượng suy giảm, giúp giá tăng vọt. Nhưng giá than quá cao cũng sẽ khiến khách hàng quay lưng với nhiên liệu hóa thạch này trong dài hạn. Vì vậy, các biến cố thời tiết, đang xảy ra thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu, là ‘con dao hai lưỡi’ đối với ngành than của Úc, nước xuất khẩu than lớn nhất thế giới.

Than nhiệt lượng cao tập kết ở cảng Newcastle, Úc. Ảnh: AAP

Úc đang kiếm bộn tiền nhờ xuất khẩu từ than, nhờ cả căng thẳng địa chính trị lẫn thời tiết tiết xấu. Cuộc chiến ở Ukraine là một yếu tố chính thúc đẩy giá than chuẩn ở châu Á, vốn đạt mức cao kỷ lục mới trong thời gian gần đây. Nhưng một số sự kiện thời tiết bất thường đang làm đóng cửa các mỏ và nhiều tuyến giao thông ở Úc.

Trong ngắn hạn, Úc và các công ty khai thác than hàng đầu thế giới như Glencore (Thụy Sĩ) sẽ được hưởng lợi nhờ giá bán than duy trì ở mức cao ngất ngưỡng.

Nhưng theo lý thuyết kinh tế, giá cao duy trì trong thời gian dài hoặc biên độ giao động giá lớn sẽ làm sụp đổ nhu cầu khi các khách hàng quay lưng trong dài hạn, đặc biệt là khi họ có các sản phẩm năng lượng thay thế với giá cả phải chăng. Nếu các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra thường xuyên hơn, điều mà các nhà khí hậu học đã dự báo, thì điều đó đồng nghĩa với việc giá cả các mặt hàng có sản lượng phụ thuộc vào thời tiết như than sẽ biến động nhiều hơn.

Úc là nơi có các điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhưng cũng như hầu hết các nước khác trên thế giới, năm 2022 được xem là năm thời tiết đặc biệt bất thường. Trong khi các đợt nắng nóng kỷ lục và hạn hán xảy ra ở châu Âu và Trung Quốc, thì ở Úc, thời tiết lại mưa quá nhiều. Tại bang New South Wales, một trong những khu vực sản xuất than chính của Úc, trạm thời tiết Centennial Park ghi nhận lượng mưa trung bình 1.568 mm trong sáu tháng tính đến tháng 8 năm nay so với 736 mm ở kỳ năm ngoái. Lượng mưa kỷ lục hồi đầu năm nay ở Úc đã khiến hàng chục ngàn người dân phải sơ tán và gây thiệt hại tài sản hơn 1 tỉ đô la Mỹ.

Giá than kỳ hạn xuất từ cảng Newcastle của Úc tăng từ khoảng 155 đô la Mỹ/tấn vào đầu năm lên 439 đô la Mỹ/ tấn vào hôm 19-9. Ảnh: WSJ

Những trận mưa lớn cũng ảnh hưởng đến sản lượng than. Ví dụ, trong kết quả kinh doanh quý 2, Công ty khai thác than Yancoal Australia cho biết mưa lớn và lũ lụt là yếu tố chính làm giảm sản lượng của công ty. Theo dữ liệu của S&P, trong 7 tháng đầu năm 2022, tổng lượng than xuất khẩu của Úc ở mức 199,1 triệu tấn, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng than nhiệt lượng cao giảm 7% và sản lượng than luyện kim giảm 6%. Giá than kỳ hạn xuất từ cảng Newcastle của Úc (giá than chuẩn của châu Á), đã tăng từ khoảng 155 đô la Mỹ / tấn vào đầu năm lên 439 đô la Mỹ / tấn vào hôm 19-9.

Một yếu tố nữa là sự xuất hiện trở lại của hiện tượng thời tiết La Niña ở Úc lần thứ ba trong 3 năm liên tiếp, một điều rất bất thường. La Niña là hiện tượng nhiệt độ trên bề mặt đại dương giảm, đi kèm với gió và mưa.

La Niña có thể không phải là hậu quả trực tiếp của biến đổi khí hậu thay đổi. Nhưng một số nhà nghiên cứu thời tiết  tin rằng biến đổi khí hậu có thể làm tăng đáng kể tần suất của các sự kiện La Niña cực đoan, đặc biệt là ở các vĩ độ xa ở phía nam địa cầu như Úc.

Giá than tăng vọt, giúp Úc thu về một nguồn tiền khổng lồ. Theo dữ liệu của CEIC, kim ngạch xuất khẩu than của Úc trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt 80 tỉ đô la Úc, tương đương 53,61 tỉ đô la Mỹ, cao hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Và các công ty khai thác than như Glencore và Whitehaven cũng ghi nhận lợi nhuận kỷ lục trong năm nay.

Ngược lại, chi phí nhập khẩu than tăng cao ở các nước đang phát triển nhạy cảm với giá cả như Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước đang xây dựng phần lớn nhà máy nhiệt điện than mới trên thế giới. Cả hai nước này cũng đang đầu tư rất nhiều vào năng lượng tái tạo. Thời tiết xấu có thể là ‘con dao hai lưỡi’ đối với các nhà sản xuất than của Úc. Sản lượng than thấp hơn vì tác động của thời tiết giúp giá than duy trì ở mức cao. Nhưng triển vọng dài hạn đối với họ có thể rất ảm đạm nếu nhu cầu của khách hàng giảm mạnh khi họ nhận thấy rằng giá than mất kiểm soát sẽ trở thành điều bình thường trong những năm tới.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới