Thứ Ba, 14/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bỏ ưu đãi mới có cạnh tranh lành mạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bỏ ưu đãi mới có cạnh tranh lành mạnh

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

(TBKTSG) – Không phải tự nhiên mà các nước, kể cả nước chủ nhà là Mỹ đang tìm mọi cách để khống chế các “ông lớn” công nghệ như Google, Facebook, Amazon… để họ khỏi lạm dụng vị thế độc quyền trên thị trường, bóp nghẹt cạnh tranh.

Bỏ ưu đãi mới có cạnh tranh lành mạnh
“Bộ tứ công nghệ” Mỹ đã từng phải ra điều trần ở Mỹ với cùng cáo buộc độc quyền.

Nhiều người lập luận, châu Âu siết lại hoạt động của Google tại châu Âu thì còn có lý vì Google là công ty của Mỹ, không siết lại thì các công ty công nghệ châu Âu làm sao lớn mạnh. Thế nhưng Mỹ, lẽ ra phải ưu ái cho các con đẻ của mình đang làm bá chủ trên nhiều lĩnh vực khắp thế giới, đằng này hàng chục tiểu bang và nhiều cơ quan liên bang đang đâm đơn kiện các công ty này vì chúng quá thành công!

Đó là bởi một khi các công ty công nghệ dùng vị thế độc quyền của mình để hoặc mua lại đối thủ hoặc dồn ép đối thủ vào chỗ phá sản, đóng cửa, thị trường không còn cạnh tranh thì cuối cùng người tiêu dùng chính là nạn nhân bị thua thiệt. Cách đây 20 năm, cũng nhờ Chính phủ Mỹ kiện Microsoft về cáo buộc độc quyền mà Google hay các công ty công nghệ khác mới có khoảng trống phát triển.

Bài học ở đây là để duy trì một thị trường lành mạnh, cạnh tranh để vươn lên, nhà nước không thể ưu ái bất kỳ một doanh nghiệp nào. Nhiều địa phương trong từng thời kỳ khác nhau đã dành những đặc quyền hiếm có cho một số doanh nghiệp của địa phương – cho rằng phải ưu tiên cho các doanh nghiệp này thì kinh tế địa phương mới có đà phát triển.

Có những câu chuyện cụ thể địa phương này địa phương kia yêu cầu chỉ tiêu thụ sản phẩm do doanh nghiệp của địa phương mình làm ra, không được mua sản phẩm của doanh nghiệp địa phương khác. Suy nghĩ của lãnh đạo địa phương cũng đơn giản như lập luận ở trên – ưu tiên cho doanh nghiệp của chính địa phương là đương nhiên.

Tuy nhiên, một khi không có áp lực cạnh tranh để luôn phải tự hoàn thiện sản phẩm hay dịch vụ, doanh nghiệp sẽ đi vào chỗ bế tắc, không thể phát triển lên một tầng cao hơn. Rào cản thị trường lớn, ngăn không cho doanh nghiệp khác ra đời sẽ bóp nghẹt sáng tạo, đổi mới; thị trường lao động sẽ bị méo mó, tài năng sẽ không được trọng dụng và tinh thần khởi nghiệp sẽ bị thui chột.

Trên bình diện cả nước cũng vậy, đừng vì cho rằng phải xây dựng một số tập đoàn lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh với khu vực và thế giới mà dành ưu đãi cho một số doanh nghiệp, gián tiếp gây khó cho các doanh nghiệp khác. Các nguồn lực như vốn, đất đai, tài nguyên… là tài sản chung, cần phân bổ công bằng cho tất cả mọi thành phần kinh tế tham gia vào thị trường; vừa không phân biệt quốc doanh hay dân doanh mà cũng không phân biệt tư nhân này với tư nhân khác.

Với cả nền kinh tế, những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nói chung cũng dễ dẫn đến bất bình đẳng trong thu nhập và từ đó tác động xấu lên tăng trưởng kinh tế. Thậm chí một nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng bằng cách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tận dụng các kỹ thuật như dùng đòn bẩy tài chính, cấp tín dụng tràn lan, nới lỏng quy định trên thị trường tài chính dễ dẫn đến khủng hoảng tài chính – tất cả đều là hệ quả của chính sách ưu ái một bên nào đó, dù là doanh nghiệp này so với doanh nghiệp khác hay cả một thành phần kinh tế này so với thành phần kinh tế hay bộ phận dân cư khác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới