Thứ Ba, 14/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cả bộ và EVN cùng kêu thiếu vốn phát triển ngành điện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cả bộ và EVN cùng kêu thiếu vốn phát triển ngành điện

Văn Nam

Cả bộ và EVN cùng kêu thiếu vốn phát triển ngành điện
Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và EVN cho rằng thiếu vốn là khó khăn lớn nhất khi triển khai Quy hoạch phát triển điện – Ảnh: HLa

(TBKTSG Online) – Theo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), thiếu vốn vẫn là khó khăn lớn nhất khi triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 (Quy hoạch điện VII), và một trong những giải pháp được đưa ra là thông qua chính sách giá điện.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến về triển khai Quy hoạch điện VII do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng nay (28-6), ông Dương Quang Thành, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, trong giai đoạn 2011 – 2015, EVN có nhu cầu đầu tư hơn 500.000 tỉ đồng, hiện đã thu xếp được hơn 315.000 tỉ đồng, còn thiếu khoảng 180.000 tỉ đồng.

Chủ yếu, khoản vốn thiếu hụt là dành cho các công trình chuẩn bị khởi công như dự án Mỹ Tân 4, Duyên Hải 3 mở rộng, Ô Môn 3, Ô Môn 4 …

Theo ông Thành, thiếu vốn sẽ ảnh hưởng đến tiện độ các công trình điện. Đặc biệt trong năm 2012, vốn còn thiếu rất lớn, trong đó có mấy công trình trọng điểm cung cấp điện cho miền Nam còn thiếu hơn 8.900 tỉ đồng.

Tương tự, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng khẳng định tại buổi tọa đàm rằng chắc chắn khi triển khai Quy hoạch điện VII, thiếu vốn chính là khó khăn lớn nhất, vấn đề thiếu vốn cũng không thể giải quyết một sớm một chiều và đương nhiên sẽ ảnh hưởng tới tiến độ các dự án.

Một giải pháp được ông Vượng đưa ra nhằm giải quyết chuyện thiếu vốn cho ngành điện là thông qua chính sách giá điện. Theo ông Vượng, một khi chính sách giá điện phù hợp thì các nhà đầu tư trong ngành điện đảm bảo được an ninh cung ứng điện cho đất nước.

Tháng 7/2011, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VII trong đó đề ra chỉ tiêu đến năm 2020, mỗi năm đưa vào vận hành 5.000 MW mới, xây dựng nhiều công trình trạm, đường dây với tổng vốn đầu tư từ nay tới năm 2020 là khoảng 5 tỉ đô la Mỹ/năm, từ năm 2020 đến 2030 là khoảng 60 tỉ đô la Mỹ.

Trong khi đó, ông Phan Ngọc Quang, Phó vụ trưởng Vụ Đầu tư thuộc Bộ Tài chính, cũng nói: “Ngay trong cân đối nguồn vốn hàng năm, chúng ta phải trông chờ vào nguồn vốn bên ngoài rất nhiều, phía Việt Nam chủ động giỏi lắm chỉ được khoảng 70-80%”.

Và do vậy, theo ông Quang, khi kinh tế thế giới gặp khó khăn, ảnh hưởng đến nguồn vốn bên ngoài thì chắc chắn sẽ xảy ra thiếu vốn cho ngành điện trong thời gian tới.

Tuy nhiên, qua trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online sáng nay (28-6), ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) lại cho rằng, hiện nay tổng công suất cả nước đạt khoảng 24.000 MW. Quy hoạch điện VII đề ra mục tiêu đến 2020 đạt 75.000 MW, vậy chỉ còn có 8 năm để phát triển hơn 50.000 MW là rất khó thành hiện thực.

Ông Ngãi cho biết, VEA đang chuẩn bị trình Chính phủ, Quốc hội tờ trình về xem xét lại tổng thể quy hoạch hệ thống năng lượng Việt Nam.

“Qua tính toán lại, chúng tôi thấy tổng nhu cầu vốn cho ngành điện đến 2020 cũng không tới con số được nêu trong Quy hoạch điện VII”, ông Ngãi cho hay. 

Theo đó, VEA cho rằng, cần xem xét điều chỉnh lại các mục tiêu sao cho hợp lý hơn. Bằng cách bỏ bớt thủy điện tích năng, bỏ bớt các dự án nhiệt điện than, chưa tính điện nguyên tử vào sản lượng điện năm 2020 … thì sẽ giảm bớt áp lực vốn đầu tư cho những dự án chưa thực sự cần thiết.

Ngược lại, VEA cũng sẽ kiến nghị tăng nguồn cung năng lượng tái tạo, chẳng hạn như Quy hoạch điện VII đề ra mục tiêu đến năm 2020 đạt 1.000 MW công suất điện gió, VEA đề xuất tăng lên 9.000 MW vào năm 2020.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới