Thứ Bảy, 11/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các cảng ở châu Phi nguy cơ quá tải vì tàu container chuyển hướng từ Biển Đỏ

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Để tránh đi qua Biển Đỏ, nơi lực lượng Houthi phát động một loạt tấn công nhằm vào các tàu thương mại trong những tuần qua, các hãng vận tải biển đã điều hướng hàng trăm tàu container đi vòng xuống Mũi Hảo Vọng của Nam Phi. Tuy nhiên,  sự thay đổi lộ trình này khiến họ đối mặt với sự lựa chọn khó khăn về nơi tiếp nhiên liệu và nhu yếu phẩm cho thủy thủ đoàn khi các cảng ở châu Phi có thủ tục kiểm tra hành chính rườm rà, tình trạng tắc nghẽn và cơ sở hạ tầng yếu kém.

Cảng Durban của Nam Phi là cảng hiện đại và lớn nhất ở châu Phi, nhưng nằm trong danh sách các cảng hoạt động kém hiệu quả nhất thế giới do Ngân hàng Thế giới xếp hạng. Ảnh: Pixabay

Trước khi lực lượng Houthi ở Yemen áp đặt mối đe dọa, lộ trình thông thường của các tàu container vận chuyển hàng từ châu Á là đi qua Biển Đỏ để đến kênh đào Suez ở Ai Cập trước khi ghé các cảng ở châu Âu. Lộ trình đi vòng qua Mũi Hảo Vọng, phía nam châu Phi, sẽ kéo dài thời gian di chuyển thêm 10-14 ngày so với lộ trình thông thường.

Các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Houthi kể từ sau cuộc xung đột Israel-Hamas đã làm gián đoạn thương mại quốc tế thông qua kênh đào Suez, tuyến đường vận chuyển ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á, chiếm khoảng 1/6 lưu lượng vận tải thương mại hàng hải toàn cầu.

Một chỉ số của Ngân hàng Thế giới công bố hồi tháng 5 cho thấy các cảng lớn của Nam Phi, bao gồm Durban, Cape Town và Ngqura, nằm trong số những cảng hoạt động kém nhất trên toàn cầu.

“Ngay cả với tình trạng kém hiệu quả của cảng Durban hiện nay, đây vẫn là cảng hiện đại nhất và lớn nhất ở châu Phi, vì vậy, việc các tàu container định tuyến lại để đi vòng quanh lục địa này có rất ít lựa chọn về việc ghé cảng nào để tiếp tế nhiên liệu và nhu yếu phẩm”, Alessio Lencioni, nhà tư vấn chuỗi cung ứng và hậu cần nói với Reuters.

Lencioni cho biết, các cảng nước sâu lớn khác của châu Phi nằm dọc theo tuyến hàng hải đi qua Mũi Hảo Vọng, chẳng hạn cảng Mombasa ở Kenya và cảng Dar es Salaam ở Tanzania không được trang bị đầy đủ để đáp ứng lưu lượng tàu ghé vào dự kiến tăng mạnh trong vài tuần tới. Hãng vận tải biển Maersk của Đan Mạch cho biết, các tàu di chuyển xuống Mũi Hảo Vọng sẽ cố gắng tiếp nhiên liệu ở gần điểm xuất phát hoặc điểm đến.

“Trong trường hợp cần phải tiếp nhiên liệu trên đường đi, việc này sẽ được quyết định tùy từng trường hợp, với vịnh Walvis ở Namibia hoặc cảng Port Louis ở Mauritius là những lựa chọn hàng đầu”, người phát ngôn của Maersk nói.

Thời tiết khắc nghiệt thường xảy ra ở vùng biển Mũi Hảo Vọng, hay còn được gọi là ‘Mũi bão’, cũng như eo biển Mozambique, nơi cũng thường xuyên xảy ra bão, đồng nghĩa với việc các tàu có thể đốt hết nhiên liệu nhanh hơn, khiến dịch vụ tiếp nhiên liệu trở nên quan trọng.

“Tại Singapore, chúng tôi đang cung cấp khối lượng nhiên liệu lớn hơn cho các tàu có hành trình dài hơn”, người phát ngôn của TFG Marine, một đơn vị của Công ty kinh doanh năng lượng Trafigura, nói.

Thủ tục kiểm tra hành chính rườm rà ở các cảng của châu Phi là một mối lo ngại khác. Hồi tháng 9, cơ quan thuế quốc gia của Nam Phi đã bắt giữ 5 tàu tiếp tế dầu của BP, Trafigura và Mercuria ở vịnh Algoa vì nghi ngờ vi phạm Đạo luật Hải quan và thuế tiêu thụ đặc biệt. Tất cả các tàu này đều bị đình chỉ hoạt động chờ kiểm toán. Kể từ dịch vụ tiếp tế nhiên liệu từ tàu này qua tàu khác ở ngoài khơi đầu tiên của Nam Phi bắt đầu hoạt động ở vịnh Algoa vào năm 2016, khối lượng nhiên liệu tiếp tế và số tàu sử dụng nhiên liệu này đã tăng mạnh.

Người phát ngôn của Heron Marine, chi nhánh của TFG Marine hoạt động tại vịnh Algoa, tiết lộ, công ty đang làm việc với khách hàng để quản lý các yêu cầu về nhiên liệu của họ. Các nhà phân tích dự báo nhập khẩu dầu nhiên liệu của Nam Phi sẽ tăng lên mức 230.000 tấn trong tháng 12. Younes Azzouzi, nhà phân tích thị trường của hãng nghiên cứu Kpler, nói: “Nam Phi dự kiến nhập khẩu dầu nhiên liệu cao kỷ lục trong tháng 12 do nhu cầu tiếp nhiên liệu liên quan đến cuộc khủng hoảng hàng hải ở Biển Đỏ”.

Hãng vận tải biển Maersk dự đoán tình trạng gián đoạn hàng hải ở Biển Đỏ sẽ kéo dài nhiều tháng. Maersk cũng vừa thông báo về các khoản phụ phí đối với các chủ hàng gồm phụ phí gián đoạn vận chuyển tức thời (TDS) để trang trải các chi phí bổ sung liên quan đến hành trình dài hơn, cũng như phụ phí mùa cao điểm (PSS) do gián đoạn hoạt động nghiêm trọng kể từ ngày 1-1-2024.

Maersk cho biết một container 20 feet (TEU) đi từ Trung Quốc đến Bắc Âu sẽ đối mặt với khoản phụ phí 700 đô la Mỹ, bao gồm 200 đô la cho phụ phí TDS và 500 đô la cho phụ phí PSS. Các container 20 feet đi từ Trung Quốc đến Bờ Đông của Mỹ sẽ bị tính phí phụ phí TDS và PSS tổng cộng 500 đô la/TEU. Hãng vận tải biển CMA CGM của Pháp cũng công bố phụ phí, bao gồm thêm 325 đô la Mỹ/TEU trên tuyến Bắc Âu đến châu Á. CMA CGM cho biết khoản phụ phí này là một phần trong kế hoạch dự phòng nhằm định tuyến lại các tàu quanh Mũi Hảo Vọng.

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM), hôm 23-12, lực lượng Houthi đã tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào tàu chở dầu M/V Saibaba treo cờ Ấn Độ, và tàu chở dầu M/V Blaamanen treo cờ Na Uy ở Biển Đỏ, đánh dấu vụ tấn công thứ 14 và 15 của lực lượng nhằm vào các tàu thương mại kể từ ngày 17-10. Hai vụ tấn công mới nhất không gây thiệt hại cho các tàu.

Theo Reuters, CNBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới