Thứ Ba, 14/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cải cách hành chính và chống tham nhũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cải cách hành chính và chống tham nhũng

Các đại biểu dự Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà đầu tư đi thăm các dự án hỗ trợ phát triển với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á, DANIDA(Đan Mạch)… tại các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: TTXVN

(TBKTSG) – LTS: Một trong những nội dung nổi bật của Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam năm nay là chuyện phòng chống tham nhũng để nâng cao hiệu quả của nền kinh tế nói chung và việc sử dụng vốn ODA nói riêng. Dịp này, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam cũng công bố sáu công trình nghiên cứu về cải cách hành chính, trong đó có công trình “Tham nhũng, Hành chính công và Phát triển: thách thức và cơ hội” của các tác giả Martin Gainsborough, Đặng Ngọc Dinh và Trần Thanh Phương. TBKTSG trích giới thiệu tóm tắt sau đây.

…Để giải quyết tham nhũng và sự yếu kém đi liền của nền hành chính công, cần phải hiểu nguyên nhân. Ở Việt Nam, chúng ta thường nghe tham nhũng tồn tại bởi còn quá nhiều khoảng trống cho các quan chức tùy nghi hành xử; hay tham nhũng là kết quả của lối sống thiếu đạo đức, kể cả việc nhấn mạnh chuẩn mực đạo đức đã ngày càng suy giảm trong thời kỳ đổi mới. Những lý giải khác cho nạn tham nhũng ở Việt Nam xem nó như hậu quả của việc cải cách không đầy đủ; lương thấp; tàn dư của thời kỳ bao cấp nhà nước, đặc biệt là cơ chế “xin – cho”; và việc thực thi yếu kém hệ thống luật lệ của đất nước.

Hiểu tham nhũng như một vấn đề mang tính hệ thống giúp dễ thấy rằng lương thấp không phải là nguyên nhân cơ bản của tham nhũng và chỉ cố gắng làm rõ luật lệ sẽ không thay đổi hành vi.

Mặc dù cách phân tích như thế là có lý nhưng nó tập trung quá nhiều vào sự hư hỏng của cá nhân và vào các quy định không rõ ràng cũng như việc thực thi yếu kém. Cho dù những yếu tố này là có liên quan, đặt chúng làm trọng tâm của việc phân tích là hiểu sai về cơ bản vấn đề tham nhũng. Nói một cách đơn giản, tham nhũng ở Việt Nam là một vấn đề mang tính hệ thống.

Có thể hiểu vì sao nói tham nhũng là một vấn đề mang tính hệ thống nếu liên hệ đến ba xu hướng tại Việt Nam: (i) xem chức vụ công như một phương tiện làm giàu cho cá nhân; (ii) chủ tâm phục vụ cho mạng lưới ô dù bảo trợ hơn là làm việc với tinh thần vì lợi ích công cộng; và (iii) sử dụng sự không rõ ràng và thiếu minh bạch liên quan đến luật lệ làm công cụ quản lý.

…Một khi đã hiểu hệ thống hoạt động như thế, một số vấn đề quan trọng đã trở nên rõ ràng hơn, là những vấn đề liên quan nhiều đến nỗ lực thực thi hữu hiệu một chiến lược chống tham nhũng và cải cách hành chính công.

Đầu tiên, rõ ràng nhiều lý do lý giải cho sự tồn tại của tham nhũng ở Việt Nam là nguyên nhân thứ cấp, không đi vào tâm điểm của vấn đề. Ví dụ, tham nhũng ở Việt Nam không phải chủ yếu là vấn đề đạo đức: hầu hết mọi người ở Việt Nam hoàn toàn là người ngay thẳng nhưng lại hoạt động trong một hệ thống đòi hỏi họ phải có một số hành vi thế nào đó để có thể tồn tại, để nuôi sống gia đình và để được việc.

Hiểu tham nhũng như một vấn đề mang tính hệ thống cũng giúp dễ thấy rằng lương thấp không phải là nguyên nhân cơ bản của tham nhũng và chỉ cố gắng làm rõ luật lệ sẽ không thay đổi hành vi. Như từng thấy trong hơn một thập kỷ cải cách hành chính, điều này là hầu như bất khả thi, không phải vì cá nhân thiếu năng lực mà vì chính hệ thống cản trở cải cách.

Nhận thức được tính hệ thống của tham nhũng, rõ ràng là cần có một cách tiếp cận tổng hợp giải quyết tham nhũng, chú ý đặc biệt đến việc nâng cao tính minh bạch và cải cách việc thực thi. Mục tiêu chính yếu về lâu về dài là làm cho hệ thống có tính giải trình và tăng chi phí tham nhũng. Củng cố vai trò xã hội dân sự và báo chí trong cuộc chiến chống tham nhũng là thiết yếu vì cùng với tính minh bạch và thực thi, điều này sẽ buộc hệ thống có tính giải trình hơn.

…Cụ thể trong ngắn hạn, một số khuyến nghị liên quan đến việc thực thi bao gồm:

– Thiết lập một cơ quan giám sát nhằm xem xét công việc của các tổ chức phòng chống tham nhũng nói chung, bao gồm việc xuất bản một báo cáo hàng năm để Quốc hội thảo luận.

– Giải quyết vấn đề xung đội lợi ích với các cơ quan thanh tra địa phương bằng cách bảo đảm rằng trưởng cơ quan thanh tra địa phương duy trì sự độc lập đầy đủ với chủ tịch UBND.

– Thiết lập một ủy ban khiếu nại độc lập để công chúng nộp khiếu nại (với đầy đủ phương tiện cho ủy ban này có thể hoạt động).

P.V lược dịch

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới