Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cận cảnh hạn mặn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cận cảnh hạn mặn

Đức Tâm

Cận cảnh hạn mặn
Tình trạng hạn mặn đã ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người dân, từ bà bán hàng rong cho đến nhà của Tổng giám đốc Công ty Cấp thoát nước – Ảnh: Đức Tâm

(TBKTSG Online) – Ở Bến Tre hiện nay bạn không cần ra biển để cảm nhận được vị mặn của nước; Chỉ cần nhấp một ngụm trà, bạn đã thấy vị mặn hiện diện ngay tại mỗi gia đình.

Tại tỉnh Bến Tre, năm nay hạn mặn đến nhanh ngay trước Tết âm lịch, sớm hơn năm trước chừng 2 – 3 tháng. Tình trạng nhiễm mặn nghiêm trọng đến nỗi ngay sau Tết, ngày 15-2, nhằm mùng 9 Tết, UBND tỉnh Bến Tre ký quyết định số 294/QĐ-UBND công bố tình trạng thiên tai xâm nhập mặn năm 2016, yêu cầu tất cả các cơ quan liên quan huy động mọi nguồn lực để phòng chống hạn mặn.

Có đến 155 trên tổng số 164 xã trên địa bàn tỉnh, tương ứng hơn 94%, chịu tác động của thiên tai này. Không chỉ tác động đến nông nghiệp, hạn mặn đã đi vào từng ngóc ngách cuộc sống của người dân.

Bà Ba là một người đã có 48 năm bán bánh bò tại chợ Bến Tre. Năm nay, ở tuổi 62, bà cho biết chưa bao giờ chứng kiến tình trạng nhiễm mặn nghiêm trọng như năm nay. Sự kiện này này khiến cuộc sống bà có nhiều thay đổi, từ bữa cơm cho đến việc buôn bán.

Bà kể, như mọi ngày, mỗi tối bà nấu 1,5 lon gạo cho cả nhà ăn, phần còn dư để dành ăn sáng thay vì ra ngoài tiệm. Thế nhưng gần đây bà chỉ dám nấu 1 lon để đủ ăn cho bữa tối, bởi nếu nấu nhiều hơn, với nguồn nước mặn hiện tại, phần cơm dư sẽ bị ôi thiu, chảy nhớt ngay vào buổi sáng.

Nếu như bữa cơm chỉ dùng cho gia đình, bà có thể du di nấu bằng nguồn nước nhiễm mặn được cấp từ nhà máy nước Sơn Đông – Nhà máy cấp nước sinh hoạt cho thành phố Bến Tre và một số huyện lân cận – có công suất 41.000 mét khối/ngày đêm, thì với nguồn nước để ngâm gạo, làm bánh, bà phải dùng nước đóng bình với giá 12.000 đồng/bình/19 lít. Mỗi ngày bà dùng 2 bình, tương ứng 24.000 đồng.

24.000 đồng có thể không phải là khoản tiền lớn với người dân thành phố, nhưng với bà Ba, bán mỗi chiếc bánh bò giá 1.000 đồng, mỗi ngày kiếm chừng 100.000 đồng mà phải chi ra 24.000 đồng cho nguồn nước là một con số không nhỏ. Không cần học về kinh tế, ai cũng thấy rõ ràng lợi nhuận gánh bánh bò của bà Ba đã bị giảm đáng kể.

Vậy sao bà không tăng giá bán lên một chút? Tôi hỏi và bà đáp: "Ở chợ quê, tăng giá khó lắm chú ơi. Mà có riêng gì mình gặp khó đâu, nhiều người cũng vậy mà."

Vâng, dĩ nhiên, hạn mặn không chỉ là câu chuyện riêng của bà Ba. Ngành nông nghiệp Bến Tre điêu đứng với hơn 10.000 héc ta lúa bị nhiễm mặn, nhiều người mất trắng vườn rau, có người chịu cảnh cá chết, tôm thì bị dịch bệnh nghiêm trọng. Khi nguồn nước bị nhiễm mặn nhanh, sâu và ở diện rộng như năm nay, theo ông Nguyễn Trúc Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bến Tre, không chỉ mỗi ngành nông nghiệp mà gần như tất cả các ngành kinh tế khác của tỉnh Bến Tre cũng chịu ảnh hưởng.

Cụ thể, các bệnh viện, đặc biệt là khoa thận và khoa dinh dưỡng khát nước ngọt; nhà hàng khách sạn du lịch khát nước ngọt; ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống khát nước ngọt, công nhân tại các khu công nghiệp cũng khát nước ngọt.

Vậy thực sự tình trạng hạn mặn hiện nay tại Bến Tre như thế nào khi nhìn dưới góc độ kỹ thuật?

Bà Nguyễn Thị Diễm Phượng, Tổng giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Bến Tre, cho biết hiện độ mặn nguồn nước đầu vào, từ sông Hàm Luông chảy vào nhà máy nước Sơn Đông, là 3 phần ngàn, tức trong một lít nước có 3.000 mg muối.

Công việc chính của nhà máy trong công đoạn xử lý chỉ là lắng, lọc và khử trùng. Do đó, độ mặn đầu ra gần như không thay đổi và dao động ở mức 3 phần ngàn, tương ứng trong một lít nước có 3.000 mg muối, vượt ngưỡng cho phép của nước sinh hoạt: 250 mg muối/lít là 12 lần.

Nếu cấp nước đầu ra có độ mặn 3 phần ngàn chắc chắn người dân sẽ không thể dùng được. Và giải pháp tạm thời được công ty sử dụng là bơm nước bằng hai cái bơm dã chiến từ con rạch Cái Cỏ, con rạch nối thượng nguồn sông Tiền và sông Hàm Luông, nơi có độ mặn dưới 0,5 phần ngàn, để về trộn lẫn với nguồn nước hiện có, và nhờ vậy, độ mặn đầu ra hiện nay dao động khoảng 1,2 – 1,3 phần ngàn, tức là vẫn còn cao hơn ngưỡng cho phép đến 5 lần.

Để dễ hình dung con số 1,2 – 1,3 phần ngàn có tác dụng như thế nào, bạn hãy thử uống một ly trà được pha từ nguồn này, nước trà vẫn mang màu vàng rất đẹp nhưng vị đắng thông thường ban đầu của trà sẽ được thay bằng vị mặn của muối. Cảm nhận thoảng qua, trà gần như không còn là trà nữa.

May mắn là tình trạng sẽ sớm được thay đổi một phần nào đó.

Trao đổi với người viết, bà Phượng cho biết sau khi công bố tình trạng thiên tai, UBND Tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo thi công xong đập thép ngăn dòng để giữ ngọt cho khu vực lấy nước của Trạm bơm Cái Cỏ, công ty CP Cấp thoát nước cũng đã gấp rút hoàn thành trạm bơm nước thô Cái Cỏ với công suất 47.000 mét khối/ngày đêm, và sẽ sớm được đưa vào vận hành trong tuần này.

Theo đó, người dân sẽ được dùng nước có độ mặn dưới 0,5 phần ngàn, bằng chính độ mặn của nước tại rạch Cái Cỏ mà không hề pha trộn như trước. Thông số này tuy vẫn còn cao hơn mức cho phép nhưng như vậy đã là một sự cải thiện đáng kể.

Với những đơn vị có nhu cầu đặc biệt như bệnh viện, Công ty Cấp thoát nước Bến Tre vẫn phải đều đặn đánh xe lên Trạm cấp nước Chợ Lách, nơi vẫn còn nguồn nước ngọt chưa bị nhiễm mặn, để lấy nước và phục vụ riêng.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu như phần thượng nguồn con sông Tiền trong địa phận tỉnh bị nhiễm mặn nghiêm trọng hơn, và thay vì 155 xã, tất cả 164 xã cùng bị nhiễm mặn?

Trả lời câu hỏi này, bà Phượng nhìn nhận cần có một dự án liên vùng do Nhà nước chủ trì thực hiện cho toàn khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, nơi nhà máy nước khổng lồ được đặt ở tỉnh đầu nguồn sông Mê Kông với hệ thống bơm và đường ống liên tỉnh được kéo dài đến các tỉnh khác nhau.

Bổ sung thêm ý kiến của bà Phượng, về phía tỉnh Bến Tre, ông Sơn cho biết tỉnh sẽ chủ động quy hoạch lại hệ thống cống đập để ngăn mặn, giữ ngọt; xây dựng các hồ chứa nước ngọt để dự trữ. Và quan trọng hơn, tỉnh sẽ phải nhìn lại cơ cấu kinh tế hiện nay để chuyển đổi cho phù hợp với tình hình và diễn biến sắp đến theo hướng tối ưu hóa hiệu quả kinh tế, ông Sơn nói.

Trong khi dự án liên vùng và câu chuyện chuyển đổi cơ cấu vẫn ở thì tương lai, thì hiện tại đã có những hộ nông dân mất trắng mùa màng và dẫu còn sức lực thì cũng đành bất lực khi nguồn nước ngọt, thứ quan trọng nhất trong ngành nông nghiệp đã không còn ngọt đúng nghĩa để sử dụng.

Không ít người đã di cư lên TPHCM để tìm việc mưu sinh và ai biết được con số này sẽ không tăng lên trong thời gian đến nếu tình hình hạn mặn tiếp tục kéo dài.

Dù sao thì cuộc sống vẫn tiếp diễn. Những ngôi chợ vẫn đầy rau xanh. Thậm chí, còn cả cả những chuyến xe chở rau xanh từ Ba Tri – Bến Tre lên TPHCM. Nước ngọt ở đâu đã mang lại màu xanh cho cây rau? Tại sao cùng một xã, người nông dân này có nước ngọt để trồng, người kia thì không?

Trong khi nhiều người dân không có nước để trồng trọt thì gia đình bác Nguyễn Văn Len tại huyện Ba Tri vẫn có nước tưới phơi phới cho những luống rau của mình nhờ lượng nước ngọt dự trữ từ mùa mưa năm trước – Ảnh: Mai Nhật Tân

Sự khác biệt nằm ở một mảnh vườn có cái ao nhỏ giữ nước ngọt khi trời mưa, nước mưa chảy xuống ao và thấm lan vào khu đất xung quanh tạo thành một nguồn nước ngầm dự trữ; trong khi một mảnh vườn khác khai thác hết công suất để trồng trọt và nước mưa theo đó không được giữ lại, chảy ra kênh rạch theo sông đổ ra biển.

Hẳn sẽ có người hỏi nếu dành một phần đất làm ao trữ nước ngọt, diện tích đất canh tác giảm, sản lượng thu hoạch giảm thì sao? Rõ ràng, sản lượng thu hoạch giảm còn hơn không có thu hoạch được sản lượng nào.

Hai người nông dân, hai lựa chọn, hai góc nhìn, ngắn hạn và dài hạn. Thật ra, câu chuyện tầm nhìn dài hạn luôn là một bài toán rất khó với ngay cả những người ở cấp quản lý, ở tầm lãnh đạo chứ huống gì là người nông dân.

Trò chuyện một lúc với vị Tổng giám đốc công ty cấp thoát nước, tôi bỗng cảm nhận được vị ngọt thanh của ly trà vừa uống. Ngạc nhiên thay, dù mặn hay đắng lúc đầu thì sau cùng trà vẫn ngọt hậu như đúng bản chất của nó. Dù lũ lụt hay hạn mặn, vẫn rất hi vọng Bến Tre cũng như các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có điều chỉnh để thích nghi như đã từng “sống chung với lũ” rất ổn bấy lâu nay.

Mời xem thêm:

ĐBSCL: Diện tích lúa bị thiệt hại tăng nhanh

Chuyên gia: Đánh giá tác động đập thủy điện phi thực tế

Hạn – mặn năm 2015-2016: Vẫn có cơ hội cho ĐBSCL

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới