Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần điều chỉnh lại các khái niệm “đầu tư”, “vốn đầu tư”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần điều chỉnh lại các khái niệm “đầu tư”, “vốn đầu tư”

Vũ Quang Việt

(TBKTSG) – Bài “Đằng sau những con số” của ông Tô Văn Trường (TBKTSG, số ra ngày 20-5-2010) đã chỉ ra khái niệm “vốn đầu tư” không giống ai của Việt Nam. Sự không giống ai này phản ánh qua sự khác biệt quá lớn giữa hai con số vốn đầu tư và đầu tư, mới đây đã lên tới trên 50% (bảng 1). Nhân dịp này, tôi thấy cũng nên làm sáng tỏ thêm vấn đề.

Thế nào là đầu tư?

Đầu tiên cũng nên giải thích cho rõ hơn thế nào là “đầu tư” theo quan điểm của quốc tế. Từ ngữ quốc tế chính xác là gross capital formation, có thể dịch là “tích lũy tài sản cố định gộp”.

Thế nào là tích lũy tài sản cố định gộp? Đó là sự tăng/giảm về tài sản cố định (có thể là do đầu tư, có thể do người khác cho, có thể là giảm đi do đem bán) do kết quả của quá trình sản xuất. Việc giảm do tai nạn cháy nhà, phá hủy để xây mới không được tính vào đây vì đây là các hành động không nằm trong diện giao dịch trong sản xuất.

Gọi là “gộp” vì chưa tính phần mất mát vì tuổi thọ giảm và vì năng suất giảm của tài sản cố định theo thời gian cũng như sự lạc hậu của tài sản. Phần mất mát này có thể gọi tạm là khấu hao tài sản cố định, nhưng về mặt kinh tế nó hoàn toàn khác ý niệm dùng trong hạch toán doanh nghiệp vì nó phải phản ảnh sự mất mát liên quan đến tuổi thọ và năng suất, do đó phải được các nhà thống kê tính toán.

Ở kế toán doanh nghiệp, có nhiều cách tính, nhưng hầu hết các cách tính chỉ dựa chủ yếu vào giá lúc mua vào, thí dụ nếu giá một tài sản cố định lúc mua vào là 10 thì mỗi năm khấu hao là 2 nếu tuổi thọ là năm năm, bất chấp giá tài sản đó tăng giảm như thế nào trên thị trường.

Chữ đầu tư hoàn toàn không chính xác vì việc mua trái phiếu, cổ phiếu, bỏ tiền vào ngân hàng kiếm lãi cũng là đầu tư.

Đánh giá năng suất nền kinh tế và thông tin cần thiết

Muốn đánh giá hiệu quả kinh tế trong sản xuất thì các nhà kinh tế cần biết tổng giá trị tài sản cố định hiện có; nó không phải là tổng giá trị “gộp” mà là tổng giá trị “thuần” (net) của các tài sản cố định, tức là nó phải phản ánh giá trị của chúng trên thị trường, và tất nhiên giá trị trên thị trường phản ánh tuổi thọ, năng suất của tài sản. (Xem bảng đề nghị thông tin cần có bên dưới – bảng 2).

Các nhà thống kê có thể mở một cuộc điều tra về giá trị của từng loại xe cộ, từng loại máy móc, nhà xưởng, đường sá… đã được mua hoặc xây dựng từ trước đến nay và cộng lại để có giá trị thuần của chúng. Nhưng đây không phải là cách làm, vì vừa tốn kém, vừa không chính xác.

Cách tính được quốc tế thừa nhận đều dựa trên thuật toán kinh tế; thuật toán đòi hỏi thông tin về giá trị tích lũy tài sản cố định hàng năm về từng loại tài sản, chỉ số giá và tuổi thọ trung bình. Tất cả các thông tin này tôi đã đề nghị Tổng cục Thống kê (TCTK) thu thập nhưng cho đến nay vẫn chưa được làm. TCTK có thu thập thống kê giá trị tích lũy tài sản cố định hàng năm (hiện được gọi không chính xác là đầu tư).

Việc đánh giá năng suất cũng không thể nói chung chung mà là năng suất của ai, hoạt động trong ngành nào. Do đó ta cần biết tổng giá trị tài sản thuần của các loại doanh nghiệp như nhà nước, tư nhân, đầu tư nước ngoài vào các hoạt động sản xuất khác nhau như sản xuất ô tô, công nghiệp thực phẩm, may mặc, xây dựng… Để tính được tổng giá trị tài sản thuần của từng loại doanh nghiệp ở từng ngành, ta phải có tích lũy về từng loại tài sản của từng loại doanh nghiệp ở từng ngành. Điều này TCTK cũng chưa làm.

Cái gọi là vốn đầu tư có nghĩa gì?

Trước khi đi vào tìm hiểu thêm, ta hãy biết qua về vốn đầu tư thường được trình bày trong báo cáo của Nhà nước như thế nào. Thường là như thế này:

2009 Tỷ lệ %Vốn đầu tư thuộc ngân sách 25,4Vốn trái phiếu chính phủ 6,5Vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước 5,0Vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước 7,6Vốn đầu tư của dân cư và doanh nghiệp tư nhân 33,2Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 21,2Các nguồn khác 1,1TỔNG 100,0

Vốn đầu tư và đầu tư trong bảng của ông Tô Văn Trường ghi ra cho năm 2007 là 306,1 và 199 ngàn tỉ đồng. Vốn đầu tư lớn hơn đầu tư 54%. Vậy sự khác biệt đó là gì? Theo giải thích của TCTK thì đó là chi phí đền bù. Tại sao đền bù lớn thế thì khó lòng giải thích.

Theo nguyên tắc, “đầu tư” hay tích lũy tài sản cố định gộp phải bằng giá trị tài sản cố định trên thị trường (vào lúc tài sản được hoàn thành và chuyển giao cho sở hữu chủ), như vậy phải bao gồm tất cả các giá trị làm nên tài sản đó, từ chi phí sản xuất, chi phí giao dịch, thuế giao dịch, nhưng không thể gồm chi phí đền bù, vì chi phí đền bù chỉ biến loại tài sản kiểu này thành một loại tài sản kiểu khác, tức là không liên quan gì đến hành động sản xuất.

huyển mục đích sử dụng đất, làm tăng giá trị tài sản, thí dụ đất ruộng khoán chuyển sang sử dụng vào mục đích khác làm tăng giá trị đất, nhưng phần tăng giá này không phải từ sản xuất mà ra nên không được tính vào đầu tư hay tích lũy, mà phải tính vào mục do các thay đổi khác (cột 4, bảng 2).

Nhưng nếu ai sử dụng đất đó, sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng, để sản xuất thì đất đó phải tính theo giá mới của tài sản cố định. Do đó cần hiểu là giá trị tài sản cố định vừa là do tích lũy, vừa là do các yếu tố phi sản xuất khác tạo ra (thay đổi giá, thay đổi lượng do tai họa).

Nếu chỉ lấy chi phí đền bù ra để giải thích thì có lẽ không thể giải thích được. Quan trọng nhất là “của trời cho” mà người có quyền sử dụng được hưởng, từ việc lên giá đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng. Làm giàu vì được hưởng cái quyền trời cho này là quá rõ ràng, chắc chắn là từ quan hệ thân hữu.

Tất nhiên nếu vốn đầu tư chỉ là con số dự báo, hoặc trong kế hoạch thì đó là con số vô nghĩa, và ta phải đặt vấn đề với cách làm thống kê hiện nay. Mục đích của việc làm thống kê là ghi số thực hiện; sự khác biệt giữa số thực hiện và số đã nhận được thì phải ghi là “trả/nhận trước” một hình thức nợ của người nhận. Với việc ghi đúng cách ta có thể biết được thực chi là bao nhiêu.

Nếu mà hiểu và dùng ý niệm vốn đầu tư để giải thích nguồn vốn thì cũng không phù hợp. Thí dụ vốn đầu tư thuộc ngân sách. Vốn này cơ bản là từ đâu? Nếu lấy từ ngân sách thì tại sao lại có mục vốn trái phiếu chính phủ? Vậy thì tiền thu từ trái phiếu chính phủ không vào ngân sách à? Rồi lại còn tín dụng phát triển đầu tư của Nhà nước? Đây là những ý niệm rối beng, lẫn lộn giữa hành động đầu tư và nguồn vốn.

Tất nhiên Nhà nước chi thường xuyên và chi cho đầu tư. Nếu thiếu hụt ngân sách thì phải có nguồn tài chính cho thiếu hụt trên. Nguồn đó có thể là phát hành trái phiếu ở trong nước và ở nước ngoài, vay mượn ngân hàng trong nước và ngoài nước, hoặc bán tài sản cố định của mình như đất đai (thu qua chuyển quyền sử dụng đất là một hình thức bán tài sản).

Vốn đầu tư của doanh nghiệp và của tư nhân cũng thế. Cũng với những ý niệm lộn tùng phèo. Có thể đơn giản hiểu vốn đầu tư doanh nghiệp là đầu tư của doanh nghiệp, nhưng vốn thì có thể là vốn tự có của họ hoặc do đi vay, vay ngân hàng hoặc bán trái phiếu có hoặc không có sự bảo trợ của Nhà nước.

Có lẽ đến lúc TCTK và Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch – Đầu tư nên xem xét lại cách làm và sử dụng thống kê của mình, theo chuẩn mực quốc tế nhằm giúp các nhà kinh tế làm phân tích theo đúng chuẩn mực khoa học. Ý niệm ICOR không chính xác, và do đó các nhà kinh tế chỉ tạm dùng khi không có gì khác tốt hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới