Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần gỡ “xin-cho” trong hợp tác đối tác công-tư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần gỡ “xin-cho” trong hợp tác đối tác công-tư

Văn Nam

Cần gỡ “xin-cho” trong hợp tác đối tác công-tư
Ông Trần Anh Tuấn, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM phát biểu tại tọa đàm sáng nay – Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – Thu hút vốn xã hội bằng hình thức hợp tác đối tác công-tư (PPP) được xem là bài toán tối ưu trong điều kiện vốn ngân sách khó khăn. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cho rằng cần phải có khung pháp lý cụ thể, rõ ràng hơn để cân bằng lợi ích giữa nhà đầu tư và nhà nước, giảm gánh nặng “xin – cho” trong tiếp cận dự án.

Phát biểu tại tọa đàm về thu hút đầu tư tại TPHCM theo hình thức PPP do Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM tổ chức sáng nay, 26-1, ông Trần Văn Thi, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, cho biết hình thức đối tác công – tư theo lẽ tự nhiên thì hai bên phải là những đối tác sòng phẳng, làm sao để nhà đầu tư được đối xử sòng phẳng chứ không phải cơ chế “xin – cho”.

“Một dự án theo hình thức PPP thường kéo dài đến vài chục năm, được ví như cuộc hôn nhân dài lâu, hai bên tin tưởng lẫn nhau mới kỳ vọng đạt hiệu quả. Chứ nếu nhà đầu tư còn cảm giác đến nhà nước xin dự án thì không thể được. Muốn sòng phẳng trong thu hút đầu tư hình thức PPP thì cần thay đổi cách tiếp cận từ phía cơ quan nhà nước, mọi thông tin về dự án cần phải minh bạch hơn, cụ thể hơn để mời gọi nhà đầu tư, coi nhà đầu tư là đối tác sòng phẳng”, ông Thi nêu đề xuất tại buổi tọa đàm.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, cho biết viện này đang cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố soạn thảo để trình UBND thành phố ban hành khung chính sách “thoáng” hơn để thu hút đầu tư các dự án hạ tầng theo hình thức PPP.

Theo đó, trong điều kiện vốn ngân sách khó khăn như hiện nay thì việc thu hút vốn xã hội thông qua hình thức đối tác công tư là chuyện tất yếu. Yêu cầu này đòi hỏi phải sớm hóa giải tư duy “xin – cho”, quan điểm không đồng hành cùng nhà đầu tư là sẽ không ổn.

Khung pháp lý thu hút hợp tác đối tác công tư tại thành phố sắp tới sẽ theo hướng mở, chẳng hạn công khai minh bạch tất cả các thông tin dự án, phương án đầu tư từng hợp phần, hạng mục với nhiều phương án khác nhau để nhà đầu tư cùng thương lượng sòng phẳng, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, không đẩy phần rủi ro cho nhà đầu tư.

Ông Lê Quốc Đạt, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO, đặt vấn đề tại sao vẫn chưa nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, tham gia vào dự án hạ tầng theo hình thức PPP tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung? Cần nói thẳng là cơ chế chính sách thời gian qua vẫn còn theo kiểu “xin – cho”.

“Tôi đơn cử trường hợp dự án BOT giao thông: khi đàm phán hợp đồng thì UBND thành phố giao Sở Giao thông Vận tải đại diện cơ quan nhà nước đàm phán, ký kết hợp đồng BOT với nhà đầu tư. Người quyết định chốt dự án BOT giao thông là UBND thành phố, nhưng yếu tố quan trọng nhất để nhà đầu tư hoàn vốn là lộ trình tăng mức phí hoàn vốn đầu tư lại thuộc về thẩm quyền HĐND thành phố. Nếu trong trường hợp HĐND thành phố không thông qua lộ trình tăng phí thì doanh thu không đủ hoàn vốn, nhà đầu tư cũng đã vay vốn ngân hàng rồi, khi đó xem như nhà đầu tư dự án sẽ bị vỡ trận!”, ông Đạt nói.

Rào cản nói trên cũng là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài không dám mạo hiểm khi tham gia các dự án hạ tầng theo hình thức PPP tại Việt Nam, ông Đạt nói thêm.

Hiện IDICO mà ông Đạt đại diện đang quản lý hạ tầng giao thông Quốc lộ 1 đoạn An Sương – An Lạc và đây là dự án đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao) bắt đầu khai thác vào năm 2005. Đến nay, IDICO đã đầu tư thêm một số cầu vượt trên tuyến đường này và kéo dài thêm thời gian thu phí hoàn vốn đến năm 2033.

Không chỉ riêng các dự án hạ tầng giao thông, hiện TPHCM cũng đang kêu gọi đầu tư hàng loạt dự án nhà máy xử lý nước thải theo hình thức PPP. Tuy nhiên, cũng theo nhiều doanh nghiệp thì khung pháp lý để đảm bảo nhà đầu tư hoàn vốn đầu tư còn khá yếu.

Một dự án nhà máy xử lý nước thải đô thị cần vốn lớn để xây dựng nhà máy, hệ thống cống dẫn nước thải về nhà máy nhưng mức thu để hoàn vốn (theo hình thức BOT) chỉ dựa vào khoản thu phí môi trường 10% trong giá nước sạch và đây là mức khá thấp.

Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, trong việc thu hút đầu tư dự án xử lý nước thải theo hình thức PPP tại thành phố, trong đó có hình thức BT, lâu nay việc thanh toán lại cho nhà đầu tư vẫn thường được thực hiện bằng quỹ đất. Tuy nhiên, quỹ đất sạch tại TPHCM đang dần trở nên hạn hẹp.

Về khung pháp lý mới nhất, vào tháng 2-2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư được kỳ vọng phần nào tháo gỡ những vướng mắc khi thực hiện dự án PPP ở Việt Nam. Nghị định 15 quy định rõ hình thức đầu tư và phân loại dự án được áp dụng hình thức PPP.

Bên cạnh các dự án về cơ sở hạ tầng vật chất như cầu, đường, các công trình xây dựng…, các công trình về thương mại, khoa học, công nghệ, khí tượng thủy văn, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung; ứng dụng công nghệ thông tin cũng được đưa vào danh mục các dự án được áp dụng hình thức PPP.

Xem thêm:

>> Nghị định hợp tác công – tư (PPP), có gì đáng chú ý?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới