Thứ Hai, 29/05/2023, 20:00
28 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Cần một thị trường rộng lớn hơn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần một thị trường rộng lớn hơn

Thu Hiền

Để ngành CNTT phát triển thì Nhà nước và bản thân doanh nghiệp phải quan tâm nhiều hơn đến dịch vụ thuê ngoài. Ảnh: Lê Toàn.

(TBVTSG) – Thị trường công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng cao song chưa tương xứng với tiềm năng và nội lực của nó do còn tồn tại một số lực cản từ chất lượng nguồn nhân lực, quy mô thị trường còn nhỏ và nhiều chính sách ưu đãi của nhà nước còn chưa sát với thực tế…

Cần mở rộng thị trường dịch vụ

Theo bản báo cáo nghiên cứu về toàn cảnh doanh nghiệp phần mềm, dịch vụ và sản phẩm phần mềm tại TP.HCM do Hội Tin học TP.HCM (HCA) thực hiện với 162 doanh nghiệp trong ba năm trở lại đây ngành gia công phần mềm và sản xuất phần mềm đã chững lại, tốc độ tăng trưởng khoảng 25% so với con số tăng trưởng luôn trên mức 30% đến 40% những năm trước đó.

Nguyên nhân là ảnh hưởng từ cuộc suy thoái kinh tế vừa qua khiến các đơn hàng giảm đi nhanh chóng, đặc biệt là các đơn đặt hàng từ thị trường Nhật Bản và thị trường châu Mỹ.

Bản báo cáo của HCA còn cho thấy năm 2009 ngành phần mềm cả nước đạt khoảng 600 triệu đô-la Mỹ, trong đó 255 triệu đô-la từ phần mềm dịch vụ nội địa và 130 triệu đô-la là từ xuất khẩu phần mềm. Số còn lại là từ các nội dung số, đào tạo, tích hợp hệ thống và dịch vụ giá trị gia tăng. HCA cho hay số doanh thu này vẫn chưa phản ánh được tiềm năng thực sự của các doanh nghiệp và cũng phản ánh xu hướng thị trường CNTT đang dịch chuyển về sân nhà, nơi mà các dự án của Chính phủ và doanh nghiệp sản xuất là “bầu sữa” cho doanh nghiệp CNTT phát triển.

Để mở rộng thị trường trong nước phải thúc đẩy các doanh nghiệp và tổ chức đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của mình nhằm nâng cao năng lực sản xuất của bản thân doanh nghiệp và góp phần mở rộng quy mô thị trường, tăng lượng khách hàng cho chính các doanh nghiệp CNTT.

Tại cuộc tọa đàm “Làm gì để hỗ trợ ngành công nghiệp CNTT phát triển và trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn” do Thời báo Vi tính Sài Gòn và Câu lạc bộ Công nghệ thông tin và Viễn thông (ICT Partnership) tổ chức hôm 21-9, nhiều doanh nghiệp đã cho rằng để phát triển ngành CNTT thành một ngành mũi nhọn các doanh nghiệp cần đi theo hướng đầu tư có chiều sâu vào dịch vụ CNTT cho cơ quan chính phủ và doanh nghiệp sản xuất.

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc điều hành Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena, cho rằng để phát triển ngành CNTT thành một ngành mũi nhọn cần có hai yếu tố chính, đó là công nghệ và thị trường, mà trong đó thị trường là yếu tố quyết định.

Theo ông Thắng, khi thị trường phát triển lên một mức cao, có sự phân công cho từng ngành chuyên biệt nó sẽ đồng thời giải quyết luôn bài toán công nghệ. Bên cạnh đó, nên khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức đẩy mạnh việc thuê ngoài dịch vụ CNTT.

Cùng quan điểm với ông Thắng, ông Nguyễn Hoàng Ly, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến Cộng đồng Việt (VietUnion Corp.), cho rằng để ngành CNTT phát triển thì Nhà nước và bản thân doanh nghiệp phải quan tâm nhiều hơn đến dịch vụ thuê ngoài như điện toán đám mây (cloud computing) nhằm tạo điều kiện thúc đẩy thị trường dịch vụ phát triển. “Ngành CNTT không thể mãi đi bán phần cứng mà phải phát triển nhiều hơn các dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn cho các tổ chức và doanh nghiệp và khuyến khích họ sử dụng dịch vụ thuê ngoài nhiều hơn. Chính điều đó sẽ là một lực đẩy mạnh để ngành CNTT phát triển nhanh hơn và có chiều sâu hơn trong tương lai”, ông Ly nói.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc dự án kinh doanh của Công ty Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung, cho rằng thị trường trong nước là một thị trường lớn nhưng hiện tại chưa phát triển đúng với “nội lực” của nó. Để mở rộng đúng tầm phải thúc đẩy các doanh nghiệp và tổ chức đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của mình nhằm nâng cao năng lực sản xuất của bản thân doanh nghiệp và góp phần mở rộng quy mô thị trường, tăng lượng khách hàng cho chính các doanh nghiệp CNTT.

Tìm cơ hội từ dự án của Chính phủ

Cùng với ý kiến phải mở rộng quy mô của thị trường trong nước, nhiều doanh nghiệp đều cho rằng dự án của Chính phủ đang và cần là “bầu sữa” nuôi các doanh nghiệp CNTT. Những dự án của Chính phủ đã và đang góp phần không nhỏ trong tổng doanh thu từ mảng dịch vụ CNTT của doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông TP.HCM, thì dự án CNTT của Chính phủ đang đóng vai trò then chốt trong việc phát triển ngành CNTT với doanh thu từ đây chiếm 68% tổng doanh thu của ngành, phần còn lại đến từ phần cứng, phần mềm và các dịch vụ cho khách hàng cá nhân. Cũng theo ông Tuấn thì khoảng năm năm trước đây, các dự án của Chính phủ chủ yếu tập trung cho việc ứng dụng CNTT trong việc quản lý hành chính. Hiện tại, Chính phủ đang tập trung cho việc ứng dụng CNTT để nâng cao năng lực quản lý và sản xuất công nghiệp. Vì vậy, đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp CNTT tham gia vào thị trường này. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là thiếu các doanh nghiệp tư vấn đủ tầm để chuẩn bị thực hiện các dự án loại này tốt hơn.

“TP.HCM không thiếu tiền và không thiếu quyền trong việc triển khai các dự án CNTT của Chính phủ. Song, khó khăn là thiếu các doanh nghiệp CNTT đủ tầm để tư vấn dự án và nhiều doanh nghiệp khi tham gia vào dự án lại thiếu sự chuẩn bị cần thiết”, ông Tuấn nói.

Chia sẻ kinh nghiệm về điều này, ông Tuấn đã nhắc lại bài học Đề án 112 về tin học hóa hành chính nhà nước đã thất bại do khâu chuẩn bị không được tốt. Dự án này mất ba năm để lập dự án đầu tư nhưng chỉ có hai năm thực hiện, gấp gáp như vậy nên đã vấp phải những sai lầm dẫn đến sự đổ vỡ của dự án. “Hiện, TP.HCM mỗi năm chi từ ngân sách khoảng 100 tỷ đồng cho các dự án CNTT của Chính phủ nhưng chưa năm nào sử dụng hết nguồn ngân sách này vì hầu như các dự án đều triển khai chậm mà nguyên nhân chủ yếu là năng lực chuẩn bị dự án và công tác tư vấn của doanh nghiệp còn yếu”, ông Tuấn cho biết. Do đó, để giúp đỡ các doanh nghiệp có cơ hội tham gia sâu hơn vào các dự án của Chính phủ, Sở Thông tin-Truyền thông TP.HCM đã đưa ra cấu hình tham khảo cho mỗi dự án, đưa ra nhiều giải pháp công nghệ, các phần mềm tham khảo. Những thông tin đó được cập nhật trên trang web của sở khoảng ba tháng một lần.

Bên cạnh đó, tới đây sở sẽ đẩy nhanh tiến độ lập kế hoạch ngân sách cho các dự án CNTT của cơ quan ban ngành và sẽ đưa ra kế hoạch này vào khoảng cuối năm. Cụ thể, ngân sách đầu tư cho CNTT năm 2011 phải sớm được đưa ra vào cuối tháng 11 tới. Điều đó sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị lập dự án và tham gia đấu thầu. Ngoài ra, phía cơ quan chính phủ cũng sẽ giải quyết các vướng mắc về thủ tục đấu thầu cho doanh nghiệp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới