Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cậu bé bán vé số ba lần nhận học bổng toàn phần

Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Có được cơ hội để nuôi dưỡng niềm đam mê cháy bỏng, cậu bé bán vé số ngày nào đã nỗ lực biến ước mơ thành sự thật. Cậu vẫn về thăm mái ấm ngày xưa và đến lượt mình, cậu cũng giúp những người yếu thế có một cơ hội học nghề để mưu sinh. Những đáp đền được tiếp nối.

Trần Văn Kha đam mê đặc biệt với nghề nấu bếp và làm bánh. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Một cậu bé phải đi bán vé số phụ giúp gia đình sau giờ học và rồi phải nghỉ học vào giữa năm lớp 11 để tìm sự trợ giúp nơi cơ sở bảo trợ xã hội. Một cậu bé sống trong gia cảnh quanh năm rau cháo nhưng lại có niềm đam mê đặc biệt với nghề nấu ăn. Cậu đã vượt mọi chông gai trong cuộc đời để nuôi dưỡng, phát triển niềm đam mê. Xa hơn nữa, cậu mong muốn góp phần giúp các trẻ em nghèo thay đổi số phận như mình.

Đó là câu chuyện của đầu bếp Trần Văn Kha.

Gia cảnh nghèo khó

Trần Văn Kha sinh năm 1991 trong một gia đình rất nghèo ở ấp 5A, xã Ba Trinh, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Hàng ngày, ba Kha phải đi vác lúa cho nhà máy sấy lúa, công việc rất lao lực mà chỉ kiếm được 20.000-30.000 đồng tùy thuộc số lượng tấn lúa vác được từ ghe vào máy sấy. Mẹ Kha sức khỏe yếu nên không làm được việc nặng. Là con lớn nên mỗi ngày sau giờ học, Kha lại đi bán vé số phụ giúp ba mẹ. Chỉ có vài giờ bán dạo nên Kha chỉ bán được 40-50 vé số, kiếm được 10.000-20.000 đồng. Vé số vào thời điểm đó chỉ có giá 2.000 đồng/tờ, rồi lên 5.000 đồng/tờ. Năm 2006, khi Kha học lớp 10, vé số mới lên giá 10.000 đồng/tờ, Kha mới kiếm được nhiều hơn. Tuy nhiên đến giữa năm lớp 11, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên Kha buộc phải nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình.

Năm 2009, Kha tìm đến Cơ sở bảo trợ xã hội Thiên Ân (Mái ấm Thiên Ân) ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ với hy vọng được học nghề. Thấy Kha có niềm đam mê đặc biệt với việc nấu ăn và làm bánh nên bà Trần Bạch Yến (Bá Yến), Giám đốc Cơ sở bảo trợ xã hội Thiên Ân, đăng ký cho Kha học khóa nấu ăn ngắn hạn. Kết thúc khóa học, Kha bắt đầu làm việc tại các quán nhậu ở thành phố Cần Thơ. Kha chia sẻ rằng vào thời điểm đó, anh chỉ nhận được 900.000 đồng mỗi tháng và công việc chủ yếu là rửa chén, làm gà và làm cá, chứ không được nấu nướng.

“Có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ mà tôi không bao giờ quên, ví dụ như khi làm ở quán nhậu Hương Đồng, có một lần tôi mở cửa chuồng gà bắt gà làm thịt, vô tình gà sổng. Tôi không bắt lại được và bị chủ trừ lương. Lần thứ hai thì máy sục oxy bị tắt, tôm nuôi trong hồ chết, và tôi bị chủ đuổi việc. Lúc đó, tôi khóc quá trời và lang thang trên đường phố ở Cần Thơ để tìm công việc khác”.

Cháy bỏng đam mê với bếp và bánh

Nhận thấy niềm đam mê và quyết tâm của Kha, Bá Yến đã nộp đơn xin khóa học tại Trung tâm dạy nghề KOTO Saigon cho anh. Năm 2010, lần đầu tiên, Kha nhận được học bổng toàn phần (không công bố trị giá - NV) hai năm học bếp tại KOTO. KOTO, viết tắt của cụm từ Know One Teach One (Biết một dạy một), là nơi đào tạo chuyên ngành nhà hàng khách sạn cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, cấp chứng chỉ của Học viện Box Hill Melbourne, Úc. Khi học ở KOTO rồi thì mọi chuyện hoàn toàn khác, Kha được làm trong môi trường chuyên nghiệp nên giảm đi nhiều những áp lực về tính chất công việc, không phải nhổ lông gà hay làm thịt rắn như ở quán nhậu.

Sau khi hoàn tất chương trình học tại KOTO - Box Hill vào năm 2012, Kha tự tin làm việc tại các khách sạn và nhà hàng chuyên nghiệp, như khách sạn The Reverie Saigon, Windsor Plaza, nhà hàng 1960 Club.

Trong suốt quá trình đi làm nghề bếp, Kha luôn bị dày vò mỗi khi làm hỏng một cái bánh hoặc thành quả không như mong muốn, cứ làm đi làm lại cho đến khi được thành quả như mong muốn mới thôi.

Thời điểm làm việc ở khách sạn The Reverie Saigon, do hiểu lầm trong công việc mà Kha và bếp trưởng đã có những cãi vã không mong muốn. Hậu quả là bếp trưởng tổng phải chuyển anh sang bộ phận làm bánh pizza. Cũng may, từ đó anh mới thông thạo phong cách nướng pizza kiểu Ý.

Có những khó khăn khác trong cuộc sống như lúc mới ra trường phải đi làm bằng xe đạp vì chưa có tiền để mua xe máy, trên quãng đường từ chỗ ở tại quận 7 đến nơi làm việc ở quận 3 (TPHCM), có những ngày trời mưa rất lớn khiến anh ướt như chuột lột và tủi thân đến khóc trong mưa luôn. Thật may mắn, chủ nhà hàng đã hỗ trợ ứng trước lương giúp Kha có tiền mua xe máy để đi lại thuận tiện hơn.

Vào năm 2016, sau những năm rèn luyện bản thân, phát triền nghề nghiệp và tự nâng cao khả năng tiếng Anh, Kha đã thu hoạch được trái ngọt. Anh được nhận học bổng toàn phần hai năm của Học viện Box Hill để học nghề làm bánh tại Úc, giá trị học bổng lên đến 40.000 đô la Úc. Lúc vừa đặt chân tới Úc lần đầu tiên, Kha có rất nhiều bỡ ngỡ về cuộc sống, sinh hoạt cũng như văn hóa. Tập trung cao độ vừa học vừa làm nên anh rất căng thẳng. Ngẫm lại, Kha vẫn cho rằng cuộc sống tại Úc mang lại cho anh nhiều trải nghiệm quý báu.

Kha vừa học vừa đi làm tại một trong những nhà hàng hàng đầu của Úc là Meat and Wine Co ở Hawthorn và làm cố vấn về món tráng miệng cho nhà hàng. Năm 2018, sau khi hoàn tất chương trình học tại Úc, Kha trở về TPHCM và thăng tiến đáng kể trong sự nghiệp. Anh trải qua các vị trí từ bếp phó điều hành chuỗi nhà hàng Pasteur Street Brewing, giám đốc chương trình đào tạo của trường Việt Úc, đến giảng viên chuyên ngành bếp và làm bánh, và tư vấn định hướng nghề bếp/làm bánh cho sinh viên. Kha cũng giúp đỡ nhiều em có hoàn cảnh khó khăn theo học nghề bếp và làm bánh tại trường Việt Úc với chương trình Jamie Kitchen (Nhà bếp Jamie, Jamie là tên tiếng Anh của Kha).

Và Kha nghĩ tới một ngôi trường dành cho trẻ em nghèo.

Tháng 1-2024, Kha đã nộp đơn xin học bổng của chính quyền bang Nam Úc. Kha trình bày nguyện vọng của bản thân đã ấp ủ mở trung tâm dạy nghề cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, nhận thấy bản thân mình còn thiếu nhiều kiến thức trong ngành cũng như chuyên môn để vận hành mô hình này, cho nên việc đi học tiếp đã thôi thúc bản thân nộp hồ sơ xin học bổng.

Bốn tháng sau, Kha nhận được kết quả được chọn là một trong 20 suất học bổng toàn phần dành cho sinh viên quốc tế. Giá trị học bổng là 45.000 đô la Úc, với ba năm học miễn phí khóa học Bacheloer In Hospitality, Tourism and Event Management. Trong khóa học này, Kha sẽ học được nhiều kiến thức bao gồm quản trị nhân sự, quản lý tài chính, và đặt biệt về quản lý mô hình kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng khách sạn và quản lý sự kiện. Ngày 19-07 vừa rồi, Trần Văn Kha đã lên đường trở lại Úc lần thứ hai để học tập.

Kha chia sẻ: Bí quyết nhận được học bổng lần này không phải là bản thân mình nổi trội hơn các ứng viên khác, mà chính là vì mình thể hiện được niềm đam mê và giữ vững được công việc và nghề nghiệp mình đang làm và phát triển nó ở hiện tại và tương lai.

Kha cũng mong muốn lan tỏa niềm đam mê nghề bếp đến với các bạn trẻ. Anh nói: “Theo đuổi nghề bếp thật sự khó khăn và gian nan. Nhưng nếu yêu nghề, chịu khó học hỏi, thì thành công sẽ đến. Cái khó giúp mình nhận ra những điểm yếu để khắc phục và sửa đổi. Ước mơ sẽ giúp chúng ta nuôi dưỡng động lực và từng ngày đạt được mục tiêu”.

Bản thân Kha cũng đang cố gắng để biến ước mơ mở trường cho trẻ nghèo thành hiện thực. “Know One Teach One” (Biết một dạy một), Kha tin rằng khi mình giúp đỡ được một người, họ sẽ có cơ hội đứng vững trên đôi chân của mình như lời dạy của Jimmy Phạm, người đã trao cho Kha cơ hội to lớn nhất để thay đổi bản thân.

Nguyễn Hà Phương, Giám đốc Phát triển kinh doanh, trường Việt Úc, nhận xét về Kha như “một giảng viên đáng quý, một đồng nghiệp tuyệt vời và là một người bạn vô cùng dễ mến, đáng yêu”. Chị nói: “Về chuyên môn, Trần Văn Kha đã chứng tỏ khả năng chuyên môn vượt trội thông qua việc nhận học bổng du học Úc trước đó và thời gian làm việc tại trường Việt Úc. Kha có sự hiểu biết sâu sắc và kỹ năng đáng kể trong lĩnh vực nấu ăn mà mình theo đuổi”.

Anh cũng được đánh giá cao về khả năng giao tiếp và hòa nhập với mọi người. Để có ngày hôm nay, Trần Văn Kha luôn nhớ đến bà Bá Yến của mái ấm Thiên Ân, người đã hai lần giúp đỡ anh theo đuổi niềm đam mê. Đến lượt mình, anh vẫn thường xuyên quay trở lại mái ấm để chia sẻ, trợ giúp những em có hoàn cảnh như mình ngày xưa. Khi biết Kha đang nỗ lực từng ngày để mở một trung tâm dạy nghề cho trẻ em khó khăn, Bá Yến cười mãn nguyện. Những đáp đền được tiếp nối.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới