Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính phủ, phiên bản 2.0

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chính phủ, phiên bản 2.0

Trang chủ website của tòa Bạch Ốc, dưới nhiệm kỳ của tổng thống Bush.

(TBVTSG) – Barack Obama là chính trị gia đầu tiên trên thế giới sử dụng thành công sức mạnh của Internet để vận động tranh cử và thắng cử. Nhưng khi đã là tổng thống Mỹ, ông sẽ sử dụng sức mạnh đó như thế nào?  

Ông Barack Obama không chỉ dùng Internet để vận động một khối lượng tiền bạc kỷ lục góp vào cuộc tranh cử mà còn xây dựng cả một “đội quân ảo” hàng chục triệu người, phần lớn là giới trẻ – những người gắn bó với mạng thông tin toàn cầu như một phần tất yếu của cuộc sống.

Giờ đây, đội quân ủng hộ viên ấy sẽ giúp ông lãnh đạo nước Mỹ, nhưng bằng cách nào? Thiết lập những trang web trên đó người dân thường có thể đưa ra những ý tưởng về chính sách, bỏ phiếu bình chọn ngay trên mạng? Xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin của chính phủ để người dân có thể theo dõi những hoạt động đang tiến hành trong chính quyền cấp cao, kể cả dòng chảy ngân sách và tiến trình lựa chọn những quyết định quan trọng?

Don Tapscott, chuyên gia nghiên cứu hành vi của giới trẻ trên mạng Internet, cho rằng: “Cuộc bầu cử vừa qua là một phong trào xã hội. Chúng ta đang bước vào giai đoạn đầu tiên của một sự thay đổi căn bản trong bản chất của nền dân chủ.” Và ông gọi đó là “Chính phủ, phiên bản 2.0”.  

Thay vì là một hệ thống một chiều trong đó chính phủ ban hành luật lệ xuống cho người dân thực hiện, tại sao không sử dụng Internet để mọi công dân, doanh nghiệp và tổ chức xã hội cùng làm việc với những đại diện dân cử để phát triển các chính sách, luật lệ, tìm kiếm các giải pháp?

Một sự cộng tác theo kiểu nguồn mở như vậy từ lâu đã là khát vọng của những chuyên gia công nghệ từ Thung lũng Silicon – những người đang cố vấn cho ông Obama.

Tuần trước, ông Eric Schmidt, Tổng giám đốc điều hành tập đoàn Google và là một trong những cố vấn cao cấp của ông Obama, nói trước một cuộc hội nghị những người hoạch định chính sách ở Washington thảo luận về vai trò của công nghệ trong công việc của chính phủ rằng, “Một hệ thống mở có nghĩa là có nhiều tiếng nói; có nhiều tiếng nói nghĩa là có nhiều cuộc thảo luận, dẫn tới những quyết định tốt hơn. Một cộng đồng bao giờ cũng đưa ra những quyết định tốt hơn nhiều so với một cá nhân”. Theo một nguồn tin trên báo Time, vị trí sắp tới của ông Eric Schmidt có thể không còn ở Google mà ở Tòa Bạch ốc.  

Ngay trong thời kỳ chuyển giao quyền lực, đội ngũ cố vấn của tổng thống mới được bầu Barack Obama đã thành lập một tổ chức để tiếp tục những nỗ lực sử dụng Internet mà họ đã khởi sự trong thời gian tranh cử. Ông Obama hứa sẽ bổ nhiệm một quan chức công nghệ, có thể là một quan chức cao cấp, hàm bộ trưởng trong guồng máy hành pháp; thậm chí ông cũng đã vạch kế hoạch để quan chức này làm cho hoạt động của chính phủ trở nên minh bạch hơn và hiệu quả hơn. Ví dụ, ông Obama đã hứa sẽ cho truyền trực tiếp một số cuộc họp nội các lên mạng Internet để người dân có thể theo dõi.

Công nghệ thông tin đã được khai thác hữu hiệu trong chiến dịch tranh cử của ông Barack Obama.

Chỉ hai tuần sau ngày trúng cử, ông đọc bài diễn văn “phát thanh” đầu tiên, nhưng khác với những vị tổng thống tiền nhiệm, việc đọc diễn văn được thu hình và phát ngay sau đó trên mạng YouTube.com – mạng chia sẻ video trực tuyến lớn nhất hiện nay.

Một điểm cải cách nữa của ông Obama là buộc mọi ứng viên muốn xin vào làm việc trong chính quyền đều phải nộp hồ sơ trên mạng để nhiều người nghiên cứu chứ không chỉ những quan chức ở Washington.  

Tuy nhiên, tiếp tục khai thác thành công trên Internet của thời gian tranh cử cũng đặt ra nhiều vấn đề về mặt pháp lý. Một thách thức lớn là phải hình dung ra cách sử dụng dữ liệu cá nhân của hơn 10 triệu tình nguyện viên đã giúp ông Obama tranh cử.

Luật bầu cử của Mỹ cấm Tổng thống Obama giao thiệp với ủng hộ viên theo kiểu mà ứng cử viên Obama từng làm. Khi đã trở thành tổng thống của mọi người dân Mỹ, theo luật, ông Obama sẽ không được tiếp xúc riêng với những người đã bỏ phiếu cho ông. Cũng như các tổng thống Mỹ tiền nhiệm trong thời gian gần đây, ông Obama phải sử dụng trang web WhiteHouse.gov để bảo đảm rằng mọi người đều truy cập được mà không được phép tạo ra trang web riêng của mình.  

Các cố vấn của ông Obama đang tìm cách “lách” những luật lệ này. Theo ông Steve Hildebrand, nguyên Phó trưởng ban vận động bầu cử của ông Obama, họ đang xem xét thành lập một tổ chức phi lợi nhuận sẽ mua lại danh sách những người ủng hộ ông Obama (họ tên, số điện thoại, địa chỉ e-mail) từ ban vận động bầu cử.

Tổ chức phi lợi nhuận này sẽ đóng vai trò một đường dẫn, giúp cho chính quyền giữ liên hệ gián tiếp với người ủng hộ, khích lệ những người này gây áp lực với các nhà lập pháp về những vấn đề chính sách, chẳng hạn như làm tràn ngập văn phòng các thượng nghị sĩ bằng vô số cuộc điện thoại và e-mail, sắp xếp những cuộc “biểu tình ảo” trên mạng Facebook để thúc đẩy chương trình cải cách y tế phổ quát…  

Luật liên bang cũng giới hạn sự tham gia của Tổng thống Obama vào hoạt động Internet. Luật quy định rằng mọi thư từ giao dịch chính thức của tổng thống đều là tài sản quốc gia chứ không phải của những cá nhân nói đến trong các văn thư đó. Luật này được ban hành vào thời mà phương tiện truyền thông duy nhất của tổng thống là thư từ đánh máy trên giấy. Nhưng ngày nay, thư điện tử và tin nhắn trực tuyến là phương tiện thông tin chủ yếu, vô số tin nhắn gửi tới và gửi đi từ ông Obama cũng trở thành tài sản công và được công khai cho dân chúng tiếp cận theo Luật về Tự do thông tin.

Các quan chức an ninh cũng lo ngại việc ông Obama sử dụng chiếc điện thoại BlackBerry yêu thích của ông vào công việc quốc gia vì qua nó các hacker có thể chiếm quyền tiếp cận và điều khiển các hệ thống máy tính nội bộ của chính phủ Mỹ. Những trở ngại này vô hình trung đã hạn chế ý tưởng sử dụng Internet để điều hành đất nước của tân Tổng thống Barack Obama.  

Nhưng ông Obama là người khuyến khích sự cởi mở. Ông Ellen Miller, Giám đốc Tổ chức Ánh nắng, đấu tranh cho sự trong sáng của chính quyền, kỳ vọng rằng công nghệ trong chính quyền của ông Obama sẽ có hai thành phần : minh bạch và nối kết. Minh bạch có nghĩa là sử dụng công nghệ để mở cánh cửa của chính phủ, cho phép mọi công dân Mỹ dùng máy tính để giám sát các quan chức mà họ bầu lên, từ Tổng thống Obama trở xuống.

Còn sự nối kết, theo ông Miller, là cho phép mọi người dân có một vai trò lớn hơn trong việc soạn thảo chính sách, chẳng hạn đưa lên mạng những dự luật vừa được quốc hội thông qua để công chúng bình luận công khai trước khi tổng thống ký phê chuẩn thành luật.  

Trong thời gian tranh cử, bộ tham mưu của ông Obama đã xây dựng và điều hành một trang web có nội dung “hành động xã hội”, gọi là change.org (thay đổi). Mỗi ý tưởng được đưa lên trang web này cho phép người sử dụng đề xuất những ý kiến khác rồi người đọc sẽ bỏ phiếu để chọn ra những ý tưởng tốt nhất. Vấn đề của ông Obama hiện thời là làm sao dẫn dắt phong trào “hành động xã hội” ấy chứ không phải là theo đuôi nó.

Dù sao, vị tổng thống mới được bầu đã nói rõ rằng, ông muốn tất cả mọi tiếng nói đều được thể hiện, muốn một kiểu chính quyền xây dựng từ cơ sở mà không phải lúc nào cũng đồng ý với ông. Điều đó có nghĩa là sẽ có hàng chục triệu tiếng nói, thể hiện những tư tưởng khác nhau, những điều ưu tiên khác nhau cạnh tranh với nhau để lọt vào tai ông tổng thống. Khi ấy, vấn đề sẽ là ông tổng thống và đội ngũ cố vấn của ông có đủ thời gian và tâm thế để chọn ra những ý kiến đúng đắn nhất hay không.

HUỲNH HOA (Newsweek)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới