Thứ Ba, 14/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chống lạm phát: phải tìm đúng bệnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chống lạm phát: phải tìm đúng bệnh

Chống lạm phát phải từ căn nguyên của chúng. Lạm phát ở đâu và lúc nào cũng là hiện tượng của tiền tệ

(TBKTSG Online) – Tiếp tục đề cập các giải pháp chống lạm phát, TBKTSG giới thiệu bài viết của PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Trang (Đại học Kinh tế TPHCM) xung quanh những bất lợi khi nâng giá tiền đồng và “đơn thuốc” cho căn bệnh lạm phát.

Gần đây có một số quan điểm từ các nhà hoạch định chính sách cho đến các chuyên gia kinh tế cho rằng phải để tiền đồng Việt Nam (VND) lên giá, thậm chí lên giá mạnh, như một mũi tên trúng hai đích: chống lạm phát và ngăn dòng vốn vào. Lý thuyết và nghiên cứu thực chứng ở các quốc gia, cũng như thực tế ở nước ta, đều không ủng hộ cho hai kết luận này.

Hiệu ứng từ tỷ giá sang giá hàng hóa nội địa và lạm phát là rất yếu

Về lý thuyết, muốn biết được sau khi đồng tiền được định giá cao (hay phá giá) có tác động như thế nào đến lạm phát thì phải tính toán được hiệu ứng truyền dẫn từ tỷ giá sang giá hàng nội địa và sau đó là tới lạm phát trong nước. Nếu tương quan này yếu, việc mong chờ vào tỷ giá để chống lạm phát sẽ rất khó khả thi.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS, Jonathan McCarthy, 1999) cho thấy có mối tương quan rất yếu giữa tỷ giá và giá hàng hóa nội địa, tức là khó có thể kết luận Việt Nam sẽ giảm được 64.000 tỉ đồng giá hàng hóa nếu như VND lên giá 5% (với kim ngạch xuất khẩu dự kiến là 80 tỉ đô la). Nói thêm về tính cạnh tranh thì một nghiên cứu của Corsetti và Dedola (2002) cho thấy hiệu ứng truyền dẫn là rất thấp ở các nước không có cạnh tranh hoàn toàn.

Đó là nói về các yếu tố để hình thành hiệu ứng truyền dẫn, còn điều kiện để có hiệu ứng truyền dẫn hoàn hảo thì sao? Hội thảo của Ngân hàng Trung ương Canada vào tháng 11-2002 cho rằng điều kiện để có hiệu ứng truyền dẫn hoàn hảo là giá cả hàng hóa trong nước phải thật linh hoạt.

Các nghiên cứu thực chứng này rất hữu ích cho quan điểm dùng tỷ giá như là một công cụ mạnh để chống lạm phát sẽ khó mang lại hiệu quả. Thực tế ở nước ta cho thấy chênh lệch giá cả trong nước và quốc tế của giá cước viễn thông (lúc còn độc quyền), giá xăng dầu, giá thuốc, giá sữa đã cao ngất ngưởng như thế nào.

Rủi ro giao dịch và kinh tế khi VND lên giá

Nếu chỉ đơn thuần phân tích các khoản doanh thu về xuất khẩu và nhập khẩu để xem tính chất bù trừ của hai giao dịch này và rồi kết luận là xuất khẩu thiệt hại không đáng kể là chỉ mới tính đến rủi ro giao dịch (transaction exposure). Hơn nữa, một phần trong rủi ro này có thể được các doanh nghiệp phòng ngừa bằng các công cụ phái sinh hiện có ở nước ta như option hay forward.

Cái mà họ ngại nhất và được nhắc đến nhiều nhất trong giáo khoa kinh tế học và được đề cập đến rất nhiều từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 là rủi ro kinh tế (economic exposure). Tổn thất này thường ít được nhận biết và khó đo lường, nhưng hậu quả thì khôn lường.

Rủi ro kinh tế cho thấy chẳng những doanh nghiệp có yếu tố kinh doanh quốc tế mà ngay cả các doanh nghiệp thuần túy kinh doanh nội địa cũng sống dở chết dở khi hàng hóa nội địa bị hàng hóa nước ngoài xâm lấn do giá trở nên đắt hơn. Thất nghiệp và bất ổn kinh tế và xã hội là những điều phải tính đến của rủi ro kinh tế do hệ lụy của VND lên giá. Bàn về VND lên giá mà không nói đến rủi ro kinh tế là thiếu sót lớn.

VND lên giá không làm giảm dòng vốn ngoại

Muốn biết dòng vốn có chảy vào hay chảy ra nền kinh tế cần phải tính đến tỷ suất sinh lợi có hiệu lực (effective interest rate), tức là nhà đầu tư nước ngoài phải cùng lúc xem xét hai yếu tố: lãi suất VND và mức tỷ lệ tăng giá kỳ vọng của VND, ở đây ta so sánh với đồng đô la Mỹ. Lãi suất VND hiện là 12%, nếu VND dự báo tăng 5% như kỳ vọng của một số tổ chức quốc tế (và mong muốn của một số hiệp hội trong nước?) thì nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam sẽ được hưởng một tỷ suất sinh lợi thực sự là (1+12%)(1+5%) – 1 = 17,6%.

Trong khi lãi suất Libor trên thị trường tiền tệ quốc tế chỉ khoảng 2,6%, cho dù chúng ta có mở rộng biên độ tỷ giá nhưng nếu như kiên quyết không cung ứng tiền đồng ra lưu thông để mua vào đô la Mỹ thì không khó để dự báo tỷ giá chỉ có giảm, như vậy bất cứ một nhà đầu tư nào đang nắm giữ đô la Mỹ cũng muốn đầu tư vào Việt Nam để hưởng một tỷ suất sinh lợi quá hời. Giảm tỷ giá chỉ làm cho dòng vốn chảy ra khi nào kỳ vọng VND mất giá vượt quá mức chênh lệch lãi suất trong nước và quốc tế (khoảng 10%).

Liệu có khả năng VND mất giá 10%? Xác suất này là vô cùng thấp nếu không muốn nói là chỉ có khi nào Việt Nam rơi vào khủng hoảng. Thực tế cho thấy, ngay từ cuối năm 2007, HSBC đã khuyên các khách hàng của mình nên bán bớt cổ phiếu và đầu tư vào kênh trái phiếu VND. Còn ngay sau khi Chính phủ chủ trương cho biên độ giao dịch tỷ giá được mở rộng ra ±2% thì một lượng rất lớn các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư ồ ạt vào trái phiếu nội tệ. Nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiên quyết không tung VND để hấp thụ lượng ngoại tệ chảy vào kênh trái phiếu ngày càng nhiều thì VND càng lên giá, và như thế là cái vòng luẩn quẩn nguy hiểm sẽ xảy ra.

Như vậy, với thực tế hiện nay thì VND tăng giá hầu như chỉ làm cho dòng vốn ngoại chảy vào ngày càng nhiều mà thôi và càng tạo áp lực lên lạm phát.

Mặt khác, việc ngăn chặn không cho dòng vốn vào trong lúc này là hoàn toàn bất lợi. Hiện nay, chúng ta đang dư thừa ngoại tệ thanh toán chứ không dư thừa ngoại tệ vốn và nền kinh tế hiện đang rất cần vốn để tăng trưởng. Các ngân hàng thương mại tuy không mua ngoại tệ nhưng vẫn thu hút vốn ngoại tệ rất lớn thông qua việc tăng lãi suất huy động đô la Mỹ. Nếu ngăn chặn dòng vốn ngoại thì tăng trưởng giảm là điều chắc chắn và môi trường đầu tư sẽ xấu đi đáng kể.

Phải làm gì?

Chống lạm phát phải từ căn nguyên của chúng. Lạm phát ở đâu và lúc nào cũng là hiện tượng của tiền tệ. Ở Việt Nam, gốc rễ của hiện tượng tiền tệ này nằm ở chính sách mở rộng tín dụng và tài khóa (chi tiêu công tràn lan và lãng phí) phục vụ cho tăng trưởng trong nhiều năm liền. Chống lạm phát là phải chống từ căn nguyên của chúng mà quan trọng nhất là thắt chặt chi tiêu công.

Quan điểm của chúng ta lâu nay thiên về chống lạm phát bằng chính sách “trọng cung” tỏ ra không hiệu quả. Trước đây là tính đến chuyện giảm thuế hàng nhập khẩu, nay ta lại tính đến việc tăng giá VND để cung hàng hóa thế giới tràn về thì không ổn. Trong một thế giới mà dòng tài chính lớn hơn gấp cả trăm lần dòng vốn thương mại, tác động rất lớn và ngay tức thời đến lạm phát, mà thiên về “trọng cung” thì như muối bỏ biển.

Muốn cho VND phản ảnh những tín hiệu của thị trường (chứ không phải theo quan hệ cung cầu vì tỷ giá của ta chưa đến lúc thả nổi) mà kiên quyết không mua vào ngoại tệ là không ổn. Đô la Mỹ thì cứ tràn vào mà ta kiên quyết không mua thì làm sao gọi là thị trường hay linh hoạt? Càng không mua thì tỷ giá càng giảm vì các ngân hàng mua vào chỉ có lỗ do biết chắc ngày mai này tỷ giá chỉ có giảm mà thôi.

Vấn đề chỉ được giải quyết bằng một trong hai giải pháp (hoặc cùng lúc) là (1) kiểm soát ngăn lại không cho vốn vào hoặc/và (2) phải đưa VND ra mua ngoại tệ.

Kiểm soát vốn thì hậu quả sẽ khó lường trong lúc này. Thậm chí ngay cả khi lựa chọn kiểm soát vốn, NHNN vẫn phải tăng cung VND mà trước mắt nên tìm ra cơ chế để ưu tiên mua đô la Mỹ cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Can thiệp này tuy vẫn không cưỡng lại được đà tăng giá của VND nhưng nó chuyển tải một thông điệp là NHNN sẵn sàng can thiệp bất kỳ lúc nào vào tỷ giá. Với biên độ rộng, nếu tỷ giá có lên có xuống hàng ngày thì các ngân hàng thương mại có thể mua vào ngoại tệ mà không sợ lỗ. Giải pháp này sẽ giải quyết tình trạng ứ đọng ngoại tệ trong nền kinh tế. Như vậy chúng ta phải chấp nhận lạm phát trong chừng mực nhất định nào đó cho tăng trưởng.

Chống lạm phát phải từ nội lực chứ không thể vay mượn các yếu tố ngoại sinh. Về lâu dài sẽ phải tính đến chuyện hấp thụ tốt nhất dòng vốn ngoại cho nền kinh tế để tránh khỏi phải lặp lại sai lầm trong thời gian qua khi ta đổ thừa cho lạm phát là do hấp thụ không hết dòng vốn ngoại. Con đường khả dĩ chỉ có thể là chuyển hướng đầu tư từ khu vực công sang cho khu vực tư đảm nhiệm.

Còn một cách chống lạm phát khác rất hiệu quả với cái giá phải trả rất thấp là cắt đứt cho bằng được khuynh hướng và kỳ vọng lạm phát. Nếu Chính phủ liên tục đưa ra thông điệp chống chi tiêu công lãng phí và thực hiện có hiệu quả thì khuynh hướng và kỳ vọng lạm phát sẽ giảm theo. Các công bố chỉ số lạm phát định kỳ của Chính phủ nếu có kèm theo diễn giải có bao nhiêu dự án đầu tư kém hiệu quả đã ngay lập tức được “đình lại” sẽ có tác động tâm lý rất lớn đến khuynh hướng và kỳ vọng lạm phát của người dân và toàn thị trường. Nhiều nước cũng đã làm vậy rồi và đã thành công.

NGUYỄN THỊ NGỌC TRANG 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới