Thứ Bảy, 11/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm về kết quả phòng chống dịch tả lợn châu Phi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm về kết quả phòng chống dịch tả lợn châu Phi

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Trước nguy cơ lây lan nhanh và còn diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần có biện pháp mạnh và phải thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng phó dịch.

Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm về kết quả phòng chống dịch tả lợn châu Phi
Thủ tướng yêu cầu cần có giải pháp mạnh và đồng bộ trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Trong ảnh là người dân vận chuyển lợn đi tiêu thụ. Ảnh: Trung Chánh.

Báo cáo tại hội nghị trực tuyến “Triển khai các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả lợn châu Phi” diễn ra hôm nay, 4-3, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ ngày 1-2-2019 đến 3-3-2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 202 hộ ở 64 thôn của 33 xã thuộc 14 huyện của 7 tỉnh/thành trong cả nước, gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương.

Theo đó, tính đến ngày 3-3-2019, cả nước đã có 4.231 con lợn bị dịch với tổng khối lượng thịt buộc phải tiêu hủy tương đương 297 tấn.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đặc điểm chăn nuôi của Việt Nam rất khác với các nước, mà cụ thể cả nước có đến 2,5 triệu hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ và hơn 10.000 trang trại, cung cấp chiếm đến hơn 70% (năm 2018 sản lượng thịt lợn cả nước đạt 3,82 triệu tấn) sản lượng thịt các loại cả nước.

“Đây là vấn đề hết sức nan giải, nếu chúng ta không có những giải pháp mạnh, đồng bộ, thì nguy cơ lây lan dịch bệnh sẽ rất lớn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thực tế, theo Thủ tướng, thời gian qua, dù các bộ, ngành và địa phương đã rất quyết liệt trong phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhưng với đặc điểm ngành chăn nuôi của Việt Nam là nhỏ lẻ, cho nên, vẫn bùng phát và nguy cơ tiếp tục bùng phát là rất cao.

“Chúng ta ngăn chặn được không?”, Thủ tướng nêu câu hỏi và yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương trong cả nước phải làm quyết liệt hơn nữa.

Cụ thể, tại hội nghị này, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người chăn nuôi nghiêm túc thực hiện hiệu quả chỉ thị 04 ngày 20-2-2019 về triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế dịch bệnh có hiệu quả.

“Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Thủ tướng về kết quả phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại địa phương mình quản lý”, Thủ tướng cho biết và nói rằng đây không phải là việc đơn thuần của chi cục thú y, của ngành nông nghiệp, mà từng địa phương phải cùng ra tay mới có hiệu quả.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, đối với Bộ Tài chính, cần có hướng dẫn kịp thời các địa phương trong việc thanh, quyết toán chi phí hỗ trợ phòng, chống dịch; Bộ Thông tin và Truyền thông phải tuyên truyền mạnh vấn đề này theo hướng không để vì tình trạng dịch tả lợn châu Phi mà ngành chăn nuôi bị ứ đọng, ảnh hưởng đến đời sống người dân…

Trong khi đó, đối với Bộ Giao thông Vận tải, cần chỉ đạo hạn chế không vận chuyển lợn đường dài từ Bắc vào Nam, nhất là từ khu vục xảy ra dịch bệnh.

Trước đó, tại hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, mức giá hỗ trợ hộ chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định hiện nay 38.000 đồng/kg hơi là thấp hơn giá thị trường, thậm chí nhiều nơi chỉ hỗ trợ 27.000 đồng/kg. Điều này, đã dẫn đến tình trạng người dân giấu dịch, lén lút vận chuyển lợn bệnh đi tiêu thụ.

Chính vì vậy, ông Tiến đề nghị Chính phủ cho phép hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con và lợn thịt và tăng gấp 1,5-1,8 lần đối với lợn nái và lợn đực giống buộc phải tiêu hủy vì dịch bệnh.

Theo ông, cần siết chặt tình trạng buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn. Đồng thời, sẵn sàng tham gia ứng phó, hỗ trợ việc xử lý ổ dịch, tiêu hủy lợn khi dịch bệnh lây lan diện rộng, tiêu hủy số lượng lớn.

Trong khi đó, các địa phương cần sớm có kịch bản cho các tình huống dịch bệnh xuất hiện ở quy mô và phạm vi khác nhau tại địa phương để tổ chức thực hiện.

Đối với việc hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch, Thủ tướng đồng ý giao cho các địa phương, mà cụ thể là chủ tịch UBND các tỉnh/thành toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm trước Chính phủ. “Việc triển khai thực hiện phải nêu cao tính công khai minh bạch, chống tiêu cực”, ông nhấn mạnh.

Đối với người dân, Thủ tướng yêu cầu thực hiện 5 không trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, đó là không giấu dịch; không mua bán lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường và không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý để phục vụ chăn nuôi.

Mời xem thêm:

“Thủ phủ” nuôi heo ra sao trước dịch tả châu Phi?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới