Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuỗi cung ứng bớt căng thẳng nhưng áp lực lạm phát sẽ vẫn còn

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tình trạng căng thẳng của các chuỗi cung ứng trên thế giới lắng dịu nhưng áp lực về giá cả tăng sẽ không biến mất nhanh chóng. Giá cước vận tải containter theo các hợp đồng dài hạn vẫn cao hơn trước đại dịch Covid-19. Trong khi đó, chi phí vận tải đường bộ và kho bãi ở Mỹ gây sức ép dai dẳng lên các doanh nghiệp.

Hiện có khoảng 70% hàng hóa đóng container trên những con tàu khổng lồ được vận chuyển theo các hợp đồng giá cước dài hạn, chứ không phải giao ngay. Giá cước vận tải biển dài hạn vẫn đang ở mức cao hơn đáng kể so với trước đại dịch Covid-19. Ảnh: Bloomberg

Phần lớn phí vận chuyển container vẫn cao hơn trước đại dịch

Giá cước vận chuyển container giao ngay từ Trung Quốc đến Bờ Tây của Mỹ tăng sốc hơn 15 lần trong thời kỳ đại dịch Covid-19 và kể từ đó đã trở lại mức bình thường khi thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hạ nhiệt.

Nhưng đà giảm chi phí vận tải biển không đồng đều. Giá cước ngắn hạn cho các container đi từ châu Âu đến Bờ Đông của Mỹ vẫn cao hơn gấp đôi so với cuối năm 2019, theo dữ liệu từ Freightos. Hơn nữa, ước tính hiện có khoảng 70% hàng hóa container trên những con tàu khổng lồ được vận chuyển theo các hợp đồng giá cước dài hạn, chứ không phải giao ngay. Những hợp đồng này được thương lượng lại vào năm 2021 và 2022 với mức giá cước cao hơn nhiều trước đại dịch Covid-19. Các nhà bán lẻ và nhà sản xuất lớn chưa nhận thấy chi phí vận chuyển giảm đủ mạnh để họ có thể cắt giảm giá bán hàng hóa

Jason Miller, giáo sư về quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học bang Michigan, nói: “Chúng ta cần thận trọng khi xem xét giá cước giao ngay đối với hàng hóa vận chuyển bằng container. Hầu hết hàng hóa hiện nay vận chuyển theo hợp đồng vận tải biển có giá cước cao hơn nhiều so với mức trước Covid-19”.

Điều này có thể giải thích vì sao lạm phát ở một số khu vực vẫn duy trì ở mức cao. Chỉ số giá sản xuất ở Mỹ trong tháng 1 đã tăng trở lại và tăng cao hơn nhiều so với dự báo, cho thấy áp lực lạm phát dai dẳng. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân ở Mỹ, được Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) theo dõi chặt chẽ, cũng tăng mạnh hơn dự báo trong tháng 2. Tại khu vực đồng sử dụng đồng euro (eurozone), lạm phát cốt lõi đạt mức cao kỷ lục trong tháng đầu năm.

Một lý do khác khiến chi phí sinh hoạt giảm chậm hơn kỳ vọng là mọi người thường đánh giá thấp thời gian để lạm phát điều chỉnh thông qua các chuỗi cung ứng. Theo Chris Rogers, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chuỗi cung ứng tại S&P Global Market Intelligence, có thể mất phần lớn thời gian còn lại của năm nay để xu hướng cả hàng hóa nguyên liệu suy giảm tác động lan tỏa chi phí của nhà sản xuất hay giá cả đối với người tiêu dùng.

Hiện tại, nhiều công ty ở Mỹ đối mặt tình trạng chi phí lao động gia tăng kéo dài. Nicholas Sly, Phó chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang khu vực Kansas, cho biết tình trạng thiếu hụt nhân công đang ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp về chuỗi cung ứng.

Sly nói có một số bộ phận của lĩnh vực logistics cần sử dụng rất nhiều lao động như tài xế vận chuyển hàng hóa và nhân viên nhà kho. Việc đào tạo nhân viên mới tốn nhiều thời gian và chi phí. Chính điều đó khiến tình trạng suy giảm năng suất kéo dài, làm tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp.

Chi phí vận tải đường bộ và kho bãi chưa hạ nhiệt

Ngoài vấn đề tiền lương cao hơn, các chi phí kinh doanh cơ bản khác của doanh nghiệp Mỹ cũng tăng lên. Theo giáo sư Jason Miller, vận tải đường dài bằng đường bộ là một lĩnh vực chưa thể trở lại bình thường như trước đại dịch.

Ông cho biết chi phí cao hơn đối với dầu diesel, thiết bị công nghiệp và chi phí đầu tư lớn như xe tải mới và đã qua sử dụng vẫn là vấn đề phổ biến. Chẳng hạn, chi phí sản xuất rơ moóc và khung gầm xe tải vẫn đang ở mức cao Tiền lương của tài xế xe tải đã tăng lên đáng kể, và chi phí bảo dưỡng đối với tất cả các phương tiện vận chuyển hàng hóa cũng tăng.

Miller nói: “Khắp ngành vận tải đường bộ, chi phí hoạt động đang cao hơn, vì vậy, giá cước vận chuyển cũng cao hơn. Chúng ta có thể đã thấy chi phí vận tải biển giao ngay trở lại mức trước Covid-19 nhưng chưa thấy điều đó trong hoạt động vận chuyển bằng xe tải nội địa. Chúng ta cũng không thấy điều đó trong giá cước vận tải đường sắt nội địa”

Chi phí kho bãi lưu trữ hàng hóa cũng không trải qua bất kỳ sự sụt giảm kéo dài nào. WarehouseQuote dự báo chi phí kho lưu trữ tiếp tục tăng trong năm nay, do giá thuê bất động sản công nghiệp và chi phí lao động tăng, đồng thời do tỷ lệ trống nhà kho vẫn ở dưới mức trung bình trong lịch sử.

Dù vậy, xu hướng hạ nhiệt các căng thẳng trong chuỗi cung ứng có nghĩa là các vấn đề hậu cần đang góp phần gây ra lạm phát ít hơn nhiều so với dịch vụ, theo Phil Levy, nhà kinh tế trưởng của hãng môi giới giao nhận Flexport.

Tại Mỹ, trong tháng 1, dữ liệu lạm phát tiêu dùng, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, tăng 5,6 so với một năm trước đó. Nhưng lạm phát dịch vụ, không bao gồm dịch vụ năng lượng, tăng đến 7,2%.

Trong các báo thu nhập mới nhất, lãnh đạo của các công ty bán lẻ của Mỹ ghi nhận các áp lực trong chuỗi cung ứng đã lắng dịu nhưng áp lực  giá cả chưa kết thúc.

Giám đốc tài chính John David Rainey của Tập đoàn bán lẻ Walmart, nói: “Dù các vấn đề về chuỗi cung ứng phần lớn đã giảm bớt nhưng giá cả vẫn còn cao và người tiêu dùng vẫn chịu áp lực đáng kể”.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới