Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Có cải thiện nhưng thiếu đột phá

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Có cải thiện nhưng thiếu đột phá

Tấn Đức

(TBKTSG) – Báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2011 (PCI 2011) cho thấy có sự cải thiện trong công tác điều hành của chính quyền các địa phương. Tuy nhiên, những lĩnh vực dễ cải cách đã cạn trong khi những vấn đề lớn chưa xoay chuyển được lại đòi hỏi cân bằng các nhóm lợi ích của địa phương như tính minh bạch và mối quan hệ cá nhân giữa doanh nghiệp và chính quyền.

Chưa thể đột phá

Chỉ số PCI 2011, là năm thứ bảy thực hiện khảo sát, được tổng hợp từ kết quả khảo sát trực tiếp 6.922 doanh nghiệp trong nước về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh tại 63 tỉnh, thành phố trong năm 2011.

Đây là dự án do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hợp tác với Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (VNCI) thực hiện dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID).

TBKTSG là nơi được chọn để chính thức công bố thông tin chỉ số PCI hàng năm.

Mặc dù năm qua nền kinh tế gặp nhiều khó khăn khiến chỉ số lạc quan của doanh nghiệp giảm, nhưng theo kết quả khảo sát, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đánh giá cao sự cải thiện trong công tác điều hành của chính quyền các địa phương. Điểm PCI 2011 có trọng số của tỉnh trung vị đạt 59,15 điểm, là điểm số cao nhất trong ba năm qua.

Xu hướng đáng chú ý là khoảng cách giữa nhóm đầu bảng và cuối bảng đã thu hẹp đáng kể. Ở nhóm cuối bảng, dù Cao Bằng không thể cải thiện vị trí của mình và là tỉnh có điểm số thấp nhất, nhưng điểm số của Cao Bằng đã tăng tới gần 5 điểm so với năm 2009. Trong khi đó, Lào Cai với số điểm ít hơn địa phương đứng đầu cách nay hai năm (2,5 điểm), nhưng cũng đủ để soán ngôi Đà Nẵng vươn lên vị trí dẫn đầu.

Kể từ khi chỉ số PCI được thực hiện vào năm 2005, đây là lần đầu tiên cả Bình Dương và Đà Nẵng đều không nằm ở vị trí cao nhất, thay vào đó là Lào Cai và Bắc Ninh. Sự tiến bộ vượt bậc, theo nhận xét của nhóm nghiên cứu, là Bình Phước và Hà Tĩnh, khi lọt vào nhóm 10 tỉnh dẫn đầu. Trong khi hai địa phương thường nằm trong tốp 10 địa phương dẫn đầu là Bình Định và Vĩnh Long, lại tiếp tục tụt dốc mạnh.

Xu hướng trên cho thấy, chính sách cải cách, trước đây được một số tỉnh áp dụng và tạo hiệu ứng tốt trong góc nhìn của doanh nghiệp, đã lan rộng trên cả nước. Trong đó, chủ yếu là những lĩnh vực dễ cải cách, không đòi hỏi thay đổi đáng kể về hệ thống thể chế hoặc cân bằng các nhóm lợi ích của địa phương. Điều này giúp cho một số địa phương bắt kịp các tỉnh có thứ hạng cao.

Trong khi đó, các tỉnh dẫn đầu các năm trước đã chững lại và ít có sáng kiến mới trong các lĩnh vực cải cách khó hơn. Báo cáo PCI 2011 ghi nhận: “Rất ít thấy những cải cách trong các lĩnh vực nhiều thử thách, chẳng hạn như cải thiện lòng tin vào hệ thống tư pháp, hoặc nâng cao chất lượng lao động địa phương. Dường như các tỉnh thành công từ những thời kỳ đầu cải cách của Việt Nam lại đang đối mặt với bẫy thu nhập trung bình trước các tỉnh bạn khác, những địa phương có thể tăng điểm nhờ những cải cách tương đối dễ”. Những địa phương từng được biết đến bởi các sáng kiến và giải pháp sáng tạo trong bối cảnh quy định của trung ương chưa đầy đủ, như Bình Dương, Đà Nẵng, Vĩnh Long, lại rớt hạng mạnh ở chỉ số năng động.

Kể từ khi chỉ số PCI được thực hiện vào năm 2005, đây là lần đầu tiên cả Bình Dương và Đà Nẵng đều không nằm ở vị trí cao nhất, thay vào đó là Lào Cai và Bắc Ninh.

Đi vào cụ thể, trong năm 2011, các tỉnh trung vị đã cải thiện đáng kể trong các chỉ số thành phần như chi phí gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; thiết chế pháp lý. Các tỉnh xếp hạng cao những năm trước có sự tăng điểm nhẹ ở các chỉ số chi phí gia nhập thị trường; chi phí không chính thức và thiết chế pháp lý, nhưng lại giảm điểm ở các chỉ số thành phần khác. Còn các tỉnh xếp hạng thấp trước đây có sự cải thiện đáng kể ở tất cả các chỉ số, trừ chỉ số về chính sách phát triển khối doanh nghiệp tư nhân.

Tham nhũng nhỏ – giảm, tham nhũng lớn – tăng

Theo kết quả khảo sát, dù doanh nghiệp ghi nhận tình trạng tham nhũng nhỏ, dưới dạng tiền lót tay cán bộ cơ quan hành chính địa phương, đã có cải thiện, nhưng tham nhũng ở quy mô lớn hơn (như hành vi lại quả khi ký kết hợp đồng mua sắm công hoặc các thỏa thuận đất đai béo bở) dường như lại gia tăng theo thời gian”. Đến 56% doanh nghiệp có hoạt động đấu thầu dự án của Nhà nước cho biết việc chi hoa hồng là phổ biến. Trong khi con số này trong năm trước đó chỉ là 41%. Báo cáo kết luận: “Xét cho cùng, tham nhũng lớn vẫn nguy hiểm hơn, bởi nó góp phần làm tăng sự bất công giữa một nhóm ít người có quan hệ tốt với chính quyền và phần còn lại của đất nước, đồng thời ảnh hưởng tới niềm tin vào bộ máy nhà nước”.

Có cải thiện nhưng thiếu đột phá

 

Cải cách hành chính chưa thành công

Theo kết quả khảo sát, năm 2011, chỉ còn 11% doanh nghiệp cho biết phải dành hơn 10% quỹ thời gian của mình để thực hiện thủ tục hành chính, giảm mạnh so với 21% năm 2006 và 23% của năm 2008.

Mặc dù thời gian doanh nghiệp phải bỏ ra để thực hiện thủ tục hành chính giảm đi, nhưng các lĩnh vực khác của cải cách hành chính công vẫn chưa được thực hiện thành công. Chỉ có 40% doanh nghiệp cho rằng, cán bộ lãnh đạo địa phương làm việc hiệu quả hơn trước, trong khi con số này của năm 2009 là 44%. Tương tự, số doanh nghiệp nói rằng phải đi lại ít hơn đến cơ quan hành chính của tỉnh cũng giảm 6 điểm phần trăm (so với năm 2009), và chỉ có 16,5% nhận thấy phí, lệ phí chính thức giảm khi đến làm việc với cơ quan hành chính.

Như vậy, cắt giảm thủ tục hành chính là yếu tố chính dẫn đến doanh nghiệp phải dành ít thời gian hơn cho nó, song vẫn còn nhiều việc cần phải làm để cải thiện hiệu quả công việc của cán bộ cấp tỉnh.

Điều rất đáng quan tâm từ kết quả PCI 2011 là sự sụt giảm mạnh của chỉ số tính năng động của lãnh đạo tỉnh, nhất là ở các tỉnh đứng đầu.

Năm 2006, 75% doanh nghiệp tham gia ở tỉnh trung vị cho rằng, quan chức tỉnh họ có hiểu biết về pháp luật đủ để tìm ra cách thức giải quyết vấn đề của doanh nghiệp. Con số này giảm đều đặn hàng năm và nay chỉ còn 65%. Tương tự, năm 2006, đến 62% doanh nghiệp cho biết lãnh đạo tỉnh họ rất sáng tạo trong khuôn khổ pháp luật để giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp, nhưng nay cũng tụt giảm mạnh.

Doanh nghiệp kém lạc quan

PCI 2011 ghi nhận mức độ lạc quan của doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh đã xuống đến mức kỷ lục, với chỉ 47,4% tỏ ra lạc quan về kế hoạch kinh doanh cho hai năm tới, trong khi con số này của năm 2006 là 76%.

Mức độ lạc quan của doanh nghiệp tư nhân, nhóm có quy mô nhỏ nhất, bị sụt giảm mạnh nhất, khi chỉ 35,69% cho biết có kế hoạch tăng quy mô kinh doanh. Khó khăn nhất họ gặp phải là do chi phí đầu vào tăng, khả năng tiếp cận tín dụng giảm.

Có một con số đáng lo ngại được nêu ra trong báo cáo PCI 2011. Theo số liệu của Tổng cục Thuế, trong 6.139 doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI năm 2006, chỉ còn 1.800 doanh nghiệp đến năm 2011 vẫn đang sử dụng mã số thuế gốc của mình. Sau khi sàng lọc thêm, nhóm nghiên cứu PCI 2011 xác định được 396 doanh nghiệp đã giải thể hoặc không xác định được vị trí. Nhóm nghiên cứu nhận định, các doanh nghiệp khác có thể đã đóng cửa, sáp nhập, chuyển sang các tỉnh khác hoặc có thay đổi lớn về sản phẩm hoặc dịch vụ cung cấp đến mức buộc phải đăng ký lại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới