Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Còn ngại nói không với túi ni lông!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Còn ngại nói không với túi ni lông!

Văn Nam

(TBKTSG Online) – Việc nói không với túi ni lông gây ô nhiễm môi trường tưởng chừng là chuyện nhỏ, dễ thực hiện nhưng cho đến nay các bà nội trợ khi bước chân ra chợ vẫn chưa thể từ bỏ được túi ni lông bởi túi thân thiện môi trường vẫn còn khan hiếm, nếu có thì giá bán túi thân thiện môi trường còn cao hơn túi ni lông và một khi túi ni lông khó phân hủy vẫn còn tràn ngập thị trường thì con người sẽ phải gánh chịu các tác hại từ "ô nhiễm trắng".

Còn ngại nói không với túi ni lông!
Túi ni lông vẫn còn là nguyên nhân gây ô nhiễm cho các tuyến kênh rạch tại TPHCM. Ảnh: Văn Nam

Từ lâu các nhà khoa học thường sử dụng cụm từ "ô nhiễm trắng" để gọi tên sự ô nhiễm môi trường do túi ni lông gây ra. Hệ lụy của nó không chỉ ảnh hưởng ở một hay hai thế hệ mà có thể tác động trong nhiều thế hệ bởi túi ni lông nếu chưa được sử dụng đúng cách, khi thải ra môi trường như sông suối, kênh rạch, biển hàng trăm năm vẫn còn nguyên nếu thiếu tác động của ánh sáng mặt trời.

Tại TPHCM, thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông và nếu không được thu gom, xử lý thì đây quả là mối nguy lớn cho môi trường.

Nếu túi ni lông bị vứt xuống ao, hồ, sông ngòi sẽ làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải và ngập úng dẫn đến sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh. 

Môi trường đất và nước bị ô nhiễm bởi túi ni lông sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người. Nhiều loại túi ni lông được làm từ dầu mỏ nguyên chất khi chôn lấp sẽ ảnh hưởng tới môi trường đất và nước, còn đốt chúng sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch…

Cách đây 4 năm, chính quyền TPHCM bắt đầu có những động thái quyết liệt nhằm hạn chế việc thải bỏ túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt. Mới đây, trong năm 2017 nhiều quận huyện như quận 1, 4, 6, 8, 9, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú, Củ Chi, Nhà Bè đã ban hành chương trình tuyên truyền giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Và hiện nay, chính quyền thành phố cũng đề ra mục tiêu sẽ thu gom, tái chế 50% túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt.

Để đạt được mục tiêu nói trên có thể sẽ không khó nếu biết cách khắc phục các bất cập còn tồn tại thời gian qua như người dân, các tiểu thương ở các chợ truyền thống còn chưa quen sử dụng túi thân thiện môi trường chỉ vì sự tiện lợi, bền rẻ của túi ni lông khó phân hủy.

Cũng có ý kiến cho rằng, căn cơ hơn vẫn là giải quyết giá bán của các loại túi. Một khi giá bán túi thân thiện môi trường còn cao hơn giá bán túi ni lông khó phân hủy thì việc kêu gọi người dân từ bỏ túi ni lông gây hại môi trường sẽ khó khả thi. Ở đây, đối với các nhà sản xuất túi thân thiện môi trường cần sớm được hỗ trợ đầu tư đa dạng mẫu mã túi, kích thước và chất lượng đi kèm với giá bán phù hợp. Nếu làm được thì chắc chắn túi thân thiện môi trường sẽ ngày càng gần gũi hơn với người dùng.  

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng bên cạnh giải pháp mạnh tay hơn như siết chặt các đơn vị sản xuất túi ni lông khó phân hủy bằng các biện pháp thuế môi trường, kiểm soát ô nhiễm tại các cơ sở thu mua phế liệu, tái chế chất thải hiện nay thì giải pháp căn cơ và lâu dài vẫn là lồng ghép các nội dung kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi ni lông khó phân hủy vào nhà trường, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường tại các trường học.

Nói tóm lại, trong bối cảnh ô nhiễm nguồn nước kênh rạch, nước ngầm, ô nhiễm không khí tại thành phố lớn như TPHCM cần được cải thiện theo xu hướng phát triển thành một đô thị thông minh thì buộc các cơ quan chức năng cần sớm ra tay ngăn chặn ô nhiễm môi trường do chất thải túi ni lông khó phân hủy.

Sáng nay (1-4), HĐND và UBND TPHCM phối hợp với Đài Truyền hình TPHCM tổ chức chương trình lắng nghe và trao đổi với chủ đề "đẩy mạnh chương trình phân loại rác tại nguồn trên địa bàn thành phố".

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tich UBND thành phố cho biết hiện nay mỗi ngày thành phố thải ra khoảng 8.000 tấn rác sinh hoạt và đến năm 2020 dự kiến sẽ tăng lên khoảng 11.000 tấn/ngày. Theo đó, chính quyền thành phố đang kêu gọi các nhà đầu tư tham gia dự án sản xuất điện từ rác thải, đi kèm với kêu gọi xử lý hai khu chôn lấp rác lớn tại thành phố hiện nay là khu Đông Thạnh (Hóc Môn) và khu Gò Cát (Bình Tân) để đảm bảo an toàn về môi trường trong tương lai và có thể sẽ phát triển các khu chôn rác này thành công viên phục vụ cộng đồng.

Đại diện Thành đoàn TPHCM trong chương trình sáng nay cũng cho biết Thành đoàn thành phố trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên trường cho giới trẻ hạn chế sử dụng túi khó phân hủy, thay thế bằng túi thân thiện môi trường để giảm ô nhiễm môi trường. 

Xem thêm:

>> “Ông Táo ghét túi nilon”

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới