Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Công nghiệp điện tử VN – Khó khăn và cơ hội

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Công nghiệp điện tử VN – Khó khăn và cơ hội

Cũng như đối với xe máy, ô-tô, chính sách nội địa hóa ngành điện tử đã không thành công.

(TBVTSG) – Sony Vietnam quyết định ngưng sản xuất và tuyên bố sẽ tiếp tục đầu tư vào thị trường Việt Nam thông qua một công ty mới 100% vốn nước ngoài là Sony Electronics Vietnam Co Ltd., hoạt động với vai trò là một công ty thương mại và nhắm vào lĩnh vực phát triển phần mềm.

Từ “sự cố” này, các doanh nghiệp điện tử Việt Nam nhận định thế nào về ngành công nghiệp được xác định là mũi nhọn này, sau hơn 15 năm phát triển?

Lý do Sony rút khỏi hoạt động sản xuất là các dự án đầu tư sản xuất ti-vi bóng đèn hình gặp khó khăn vì nhu cầu của thị trường giảm. Không chỉ Sony, các liên doanh điện tử khác gần đây cũng đã thay đổi mô hình hoạt động. Panasonic đã chuyển đổi thành tập đoàn nhiều chức năng, gắn liền sản xuất với thương mại.

Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, việc bị áp đặt phải sản xuất nội địa không còn nữa, các liên doanh chọn quyền kinh doanh trực tiếp, hoặc sẽ cơ cấu lại nhà máy theo hướng chuyên sâu, thay vì sản xuất “tất cả trong một”.

Xét ở khía cạnh nội địa hóa, nhiều năm qua, với chủ trương “phải sản xuất nội địa” các nhà cung cấp nội địa vẫn chưa trưởng thành. Trong chiếc ti-vi bóng đèn hình, giá trị của bóng đèn hình chiếm khoảng 30-50% giá trị của bộ linh kiện, nhưng hiện nhiều nhà sản xuất trong nước vẫn không cung cấp được bộ phận này.

Các liên doanh vẫn chủ yếu sử dụng linh kiện của những nhà đầu tư nước ngoài khác tại Việt Nam. Những công ty “vang bóng một thời” như Hanel, Điện tử Biên Hòa, Viettronics Tân Bình… hiện hoặc phá sản, chuyển hướng hoạt động, hoặc còn hoạt động nhưng hết sức mờ nhạt trên thị trường.  

Ông Ngô Văn Vị, Giám đốc Viettronics Tân Bình: Việt Nam vẫn ở xuất phát điểm thấp

Ngành công nghiệp điện tử – một ngành mũi nhọn được ưu tiên phát triển – vẫn giẫm chân tại chỗ sau 15 năm qua.

Nhiều quốc gia khác trong khu vực đã thành công khi lấy ngành này làm đòn bẩy để hiện đại hóa. Khi nhà đầu tư nước ngoài rút đi, Hàn Quốc còn có Samsung, LG ; Thái Lan, Malaysia có nền công nghiệp phụ trợ lớn mạnh ; Trung Quốc kết hợp được cả hai loại này. Còn Việt Nam vẫn ở xuất phát điểm thấp.

Công bằng mà nói, liên doanh Sony đã tạo ra được nhiều doanh nhân nổi bật trong ngành điện tử. Chúng tôi đã học hỏi được tư duy kinh doanh, thay đổi cách sản xuất – kinh doanh của cơ chế cũ, nâng cao dịch vụ hậu mãi và hệ thống quản trị cũ kỹ của mình. Nhưng thành quả lẽ ra phải cao hơn nếu có một chính sách chung giúp doanh nghiệp đột phá.  

Ông Lê Văn Chính, Cố vấn kỹ thuật của Công ty Soncamedia: Tỉnh táo hơn để có quyết sách đúng

Sony đem đến Việt Nam công nghệ lắp ráp thô sơ, việc họ ra đi cũng không làm cho Việt Nam thụt lùi trên bản đồ công nghệ thế giới, trái lại, sẽ làm cho các nhà xây dựng chính sách tỉnh táo hơn để đề ra những quyết sách đúng đắn hơn.

Nhìn lại quá trình phát triển 15 năm qua, các doanh nghiệp trong ngành cho rằng “thực sự chưa có nền công nghiệp điện tử trong nước”. Và giả sử các nhà đầu tư như Sony có ra đi thì ngành này vẫn chẳng thay đổi. Vậy chính sách của Việt Nam chưa phù hợp ở điểm nào? Nhược điểm lớn nhất của chính sách vĩ mô là đã không giúp tăng “hàm lượng Việt Nam” trong sản phẩm. Cũng như đối với xe máy, ô-tô, chính sách nội địa hóa ngành điện tử đã không thành công.

Thứ nhất, nền công nghiệp sản xuất thế giới đã phân công lao động rất sâu nên không thể xây dựng và phát triển nền công nghiệp phụ trợ một cách duy ý chí. Thứ hai, việc thực thi chính sách nội địa hóa còn rất lỏng lẻo. Vì thế đừng lo lắng rằng Sony đóng cửa nhà máy rồi chuyển qua nhập khẩu sẽ gia tăng nhập siêu. Nếu duy trì nhà máy, giá trị tăng thêm cũng rất thấp bởi họ chỉ lắp ráp đơn thuần và nhập siêu vẫn lớn.  

Ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc Samsung Vina: Vẫn phát triển ở mức cao hơn

Chính sách thuế đối với hàng nhập khẩu được đưa ra vào những năm 1990 là “rào cản kỹ thuật” để các liên doanh vào thị trường phải tham gia sản xuất. Điều này đã gây không ít khó khăn cho các nhà đầu tư giai đoạn đó. Thực ra, để một ngành công nghiệp phát triển, bước đi đầu tiên vẫn là lắp ráp thô sơ.

Trong quá trình đó, Nhà nước đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật và đầu tư trực tiếp cho nghiên cứu và phát triển để vừa khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài vào cuộc vừa tạo ra những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao. Thời gian qua, Nhà nước đã không tạo sức ép để các doanh nghiệp dùng lợi nhuận từ liên doanh đầu tư gia tăng giá trị và các khoản đầu tư đối trọng.

Hiện làn sóng đầu tư thứ hai vào Việt Nam đã khác. Doanh nghiệp đầu tư theo mong muốn của họ, có quy mô và tầm vóc lớn hơn và không chịu sức ép của các hàng rào kỹ thuật như trước đây. Họ nhìn Việt Nam như một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bức tranh trở nên sinh động hơn với các nhà máy lớn của Intel, Foxconn, Compal, Canon, Samsung…

Và việc phát triển ngành công nghiệp điện tử trong nước vẫn sẽ phải tiếp tục nhưng được đòi hỏi ở mức cao hơn, thực tế hơn. Dù khó khăn hơn nhiều nhưng cơ hội vẫn lớn nếu đúc rút được kinh nghiệm từ chặng đường đã qua và có các bước đầu tư nghiên cứu và phát triển thực sự.

TUYẾT ÂN

“Dấu chân” của những liên doanh điện tử

 

Sony Vietnam

Liên doanh giữa Sony và Công ty cổ phần Điện tử Tân Bình (Viettronics Tân Bình) có thời hạn 10 năm, bắt đầu từ năm 1994. Tổng số vốn đầu tư cho đến nay là khoảng 16,6 triệu đô-la Mỹ, trong đó Sony chiếm 70%. Hai bên đã thống nhất gia hạn hoạt động của liên doanh đến năm 2010.

Tuy nhiên, ngày 24-7-2008, Sony Vietnam chính thức công bố ngưng sản xuất và tập trung vào hoạt động thương mại. Đồng thời Sony cũng đầu tư vào Việt Nam thông qua công ty mới 100% vốn Sony Electronics Vietnam Co Ltd.

JVC Vietnam

Đây là liên doanh giữa Viettronics Tân Bình (30%) và Victor Company of Japan Limited (70%), có tổng vốn 10 triệu đô-la Mỹ để sản xuất, lắp ráp và cung cấp các sản phẩm điện tử nhãn hiệu JVC. Thời hạn hoạt động của liên doanh này là 10 năm kể từ năm 1997, vừa qua hai bên đã gia hạn đến năm 2010.

 

LG Electronics Vietnam

Năm 1995, LG thành lập công ty 100% vốn nước ngoài LG Electronics Việt Nam (LGEVN) và mở nhà máy tại Hưng Yên với vốn đầu tư 13 triệu đô-la Mỹ cho dây chuyền sản xuất 550.000 sản phẩm/năm. Năm 2003, LGEVN lắp đặt thêm hai dây chuyền công suất 450.000 sản phẩm/năm.

Các sản phẩm chủ yếu của LGEVN là màn hình cho ti-vi, máy tính, máy chiếu, đầu DVD, điện thoại di động… Năm 1997, LG Electronics liên doanh với Mecanimex thành lập Công ty LG MECA Electronics với tỷ lệ vốn góp là 70% trong tổng vốn đầu tư 7,7 triệu đô-la Mỹ, thời hạn 10 năm. Nhà máy của liên doanh này đã hoạt động từ năm 1999.

Năm 2005, LG mua lại phần hùn của đối tác Mecanimex và sáp nhập hai công ty LGEVN và LG MECA Electronics thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (20,2 triệu đô-la Mỹ). LG Electronics Việt Nam sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thiết bị điện tử, điện lạnh, điện gia dụng.

Samsung Vina

Liên doanh này thành lập vào năm 1996 giữa tập đoàn Samsung và Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Điện – Điện tử quận 10 (TIE) có tổng vốn đầu tư là 36,5 triệu đô-la Mỹ, trong đó Samsung góp 70%. Liên doanh có thời hạn hoạt động 20 năm. Các sản phẩm chính là ti-vi, đầu video, máy giặt, tủ lạnh. Năm 2006, kỷ niệm 10 năm thành lập, Samsung Vina công bố doanh thu tại thị trường Việt Nam vượt cột mốc 300 triệu đô-la Mỹ, và đề ra mục tiêu đạt 1 tỷ đô-la Mỹ vào năm 2010.

Tháng 4-2008, tập đoàn Samsung công bố đầu tư trực tiếp 670 triệu đô-la Mỹ cho nhà máy sản xuất điện thoại đi động tại khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh, có công suất 100 triệu điện thoại/năm, trong đó 90% cho xuất khẩu. Theo kế hoạch, nhà máy  sẽ hoạt động vào năm 2009.

Toshiba Việt Nam

Khởi đầu là liên doanh với Công ty cổ phần Điện tử Thủ Đức (Viettronics Thủ Đức) từ năm 1996 với thời hạn mười năm, tổng số vốn đầu tư là 6,66 triệu đô-la Mỹ. Toshiba Singapore đã mua lại phần vốn góp của đối tác và chuyển đổi thành 100% vốn nước ngoài. Toshiba Việt Nam hiện hoạt động với hai công ty: Công ty sản phẩm tiêu dùng Toshiba Việt Nam, chuyên sản xuất ti-vi màu và linh kiện với nhà máy đặt tại Thủ Đức, TPHCM; và Công ty Hàng gia dụng Toshiba Việt Nam, thành lập năm 2001 với nhà máy đặt tại Bình Dương chuyên sản xuất máy giặt và tủ lạnh.

Panasonic Vietnam

Hiện là công ty 100% vốn nước ngoài đầu tiên hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con tại Việt Nam với năm công ty thành viên.

Panasonic AVC Networks Việt Nam (PAVCV) là liên doanh đầu tiên được thành lập giữa Viettronics Thủ Đức và Panasonic từ năm 1996 chuyên sản xuất và kinh doanh sản phẩm nghe-nhìn. Năm 2003, Matsushita Home Appliances Vietnam đầu tư 100% vốn với 23 triệu đô-la Mỹ cho nhà máy tại Khu Công nghiệp Thăng Long, Hà Nội để sản xuất đồ điện gia dụng. Trước năm 1975, Matsushita đã có mặt tại Việt Nam với thương hiệu National.  

Năm 2006, tập đoàn Matsushita đã công bố sáp nhập hai công ty sản xuất và kinh doanh độc lập tại Việt Nam thành công ty Panasonic Vietnam 100% vốn nước ngoài, chính thức hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con.

Cũng năm 2006, hai công ty con khác ra đời gồm Panasonic Electric Devices Việt Nam có vốn đầu tư 50 triệu đô-la Mỹ với nhà máy sản xuất và gia công linh kiện điện tử; và Panasonic Communication Việt Nam có vốn đầu tư 76 triệu đô-la Mỹ, sản xuất máy móc, thiết bị xử lý dữ liệu. Cả hai công ty hoạt động tại Khu Công nghiệp Thăng Long. Công ty TNHH Panasonic Nghiên cứu và Phát triển Việt Nam ra đời tại Hà Nội năm 2007 với số vốn đầu tư 500.000 đô-la Mỹ.

Daewoo-Hanel Electronics

Đây là liên doanh giữa Daewoo của Hàn Quốc và Công ty Điện tử Hà Nội (Hanel) với nhà máy đặt tại Khu công nghiệp Sài Đồng B, Hà Nội. Liên doanh được cấp giấy phép đầu tư năm 1994 với tổng số vốn 52 triệu đô-la Mỹ, sản xuất hàng điện tử gia dụng, trong đó có đầu tư một dây chuyền sản xuất linh kiện cuộn lái tia 1 triệu chiếc/năm phục vụ cho việc lắp ráp máy thu hình.

Orion-Hanel

Liên doanh giữa Hanel và Orion được cấp giấy phép đầu tư từ năm 1993 với tổng số vốn đăng ký là 200 triệu đô-la Mỹ, sản xuất đèn hình và phụ kiện đèn hình. Tuy nhiên, với xu thế ngưng sản xuất ti-vi bóng đèn hình trên toàn cầu, hoạt động của Orion-Hanel xem như phá sản và nhà đầu tư có thể rút khỏi thị trường do làm ăn thua lỗ. Hanel đang đề xuất với UBND thành phố Hà Nội phương án “bơm” vốn để cứu Orion-Hanel hoặc chấm dứt hoạt động theo Luật phá sản.

Sanyo

Năm 1996, Sanyo thành lập Công ty TNHH Sanyo Home Appliance, sản xuất các thiết bị điện tử gia dụng như máy rửa chén, tủ lạnh với vốn đầu tư 40 triệu đô-la Mỹ. Năm 2005, Sanyo tiếp tục đầu tư cho nhà máy sản xuất máy ảnh kỹ thuật số 13 triệu đô-la Mỹ tại Khu Công nghiệp Biên Hòa II, Đồng Nai.

Năm 2008, Sanyo công bố đầu tư 95 triệu đô-la Mỹ vào nhà máy liên doanh giữa Sanyo và Công ty cổ phần Khu Công nghiệp Sài Gòn-Bắc Giang thuộc Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI) để sản xuất các linh kiện quang truyền dẫn điện tử. Nhà máy đã được khởi công trong năm nay và giai đoạn đầu đầu tư 40 triệu đô-la Mỹ.

Tiền thân của Công ty cổ phần Điện tử Biên Hòa (Viettronics Biên Hòa) ngày nay là Sanyo Industries Vietnam, một công ty liên doanh giữa Sanyo Electric và Công ty Việt Nam năm 1971 sản xuất hàng điện tử gia dụng. Năm 1978, Sanyo Industries Vietnam được quốc hữu hóa thành Xí nghiệp Sanyo và năm 1983 đổi tên thành Viettronics Biên Hòa.

HOÀNG MY tổng hợp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới