Thứ Ba, 14/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm tăng lương tối thiểu

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 1-6, các đại biểu Quốc hội đã đề nghị Chính phủ sớm tăng lương tối thiểu cho người lao động.

Bà Nguyễn Thị Xuân, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, cho rằng tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7-2022 là cần thiết. Ảnh: Quốc hội

Theo bà Nguyễn Thị Xuân, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, việc tăng lương hiện vẫn còn ý kiến khác nhau về phía người sử dụng lao động. Nhất là đối với nhóm doanh nghiệp thâm dụng nhiều lao động sẽ chịu tác động lớn khi điều chỉnh tiền lương vì chi phí đi kèm tăng lên không hề nhỏ. Tuy vậy, người lao động ủng hộ, đón chờ quyết định việc tăng lương tối thiểu từ ngày 1-7-2022.

“Theo thông lệ, việc tăng lương tối thiểu vùng được điều chỉnh từ ngày 1-1 hằng năm, tiền lương tối thiểu của người lao động thường được tăng mỗi năm từ 5% đến 7%. Tuy nhiên, trong 2 năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao, tiền lương tối thiểu vùng đã không tăng, thu nhập giảm, đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm này, người lao động cần được chia sẻ khó khăn sau thời gian kiệt quệ vì dịch bệnh và bão giá đang tăng”, bà Xuân nói.

Bà Xuân cho rằng trong bối cảnh đó, việc đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7-2022 là đúng đắn và cần thiết. Tuy doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tăng chi phí tiền lương. Nhưng việc tăng lương tối thiểu không chỉ cho người lao động mà chính là giúp doanh nghiệp có thêm động lực để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Bà Xuân cho rằng cho dù doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn ban đầu nhưng tăng lương sớm có ý nghĩa thiết thực để người lao động ổn định đời sống, giúp giữ chân lao động lại doanh nghiệp, động viên tinh thần đối với người lao động giúp tăng năng suất lao động, mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp.

Vì vậy, bà Xuân đề nghị Chính phủ quyết định tăng lương tối thiểu đối với người lao động theo hợp đồng kể từ ngày 1-7-2022 như tờ trình của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng như kiến nghị của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và theo nguyện vọng của hàng triệu lao động theo hợp đồng trên cả nước.

Ông Phạm Trọng Nghĩa, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia sớm thương lượng tăng lương tối thiểu năm 2023 để bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ như quy định của Bộ luật Lao động.

Thứ hai, Chính phủ cần nghiên cứu, giao cơ quan độc lập, có thể là cơ sở nghiên cứu để công bố, phản biện lại mức sống tối thiểu do cơ quan thống kê công bố, đảm bảo tính khách quan, khoa học. Đây cũng là kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới.

“Chính phủ cần nghiên cứu điều chỉnh mức lương tối thiểu giờ cao hơn hẳn so với mức trung bình thu nhập tháng”, ông Nghĩa nói.

1 BÌNH LUẬN

  1. Hiện nay một thợ nề xây dựng thu nhập bình quân hàng ngày ít nhất 300-400 ngàn đồng, nhưng vẫn không dễ tìm ra đủ người để làm. Trong khi lương tối thiểu của công nhân lao động trong các nhà máy thì cứ bàn tới bàn lui mãi, vẫn loanh quanh ở mức 4-5 triệu đồng. Lương công chức thì cũng chẳng khá hơn. Lương hưu trí thì càng bèo hơn nữa. Đáng buồn hơn, hiện tượng nhiều thẩm phán tòa án xin nghỉ việc vì thu nhập thấp, áp lực cao đang diễn ra phổ biến, nhân lực như vậy thì làm sao tăng cường năng lực nhà nước pháp quyền ? Tiến bộ kinh tế sẽ không còn duy trì động lực lâu dài một khi không bảo vệ được sự tiến bộ và công bằng trong thu nhập đời sống của người lao động. Đây là nút thắt của tư duy quản lý lạc hậu, nếu không giải tỏa được thì có tháo và gỡ cơ chế kiểu gì cũng sẽ không xong.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới