Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dầu dự phòng toàn cầu bị xóa sạch sau vụ tấn công ở Saudi Arabia

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dầu dự phòng toàn cầu bị xóa sạch sau vụ tấn công ở Saudi Arabia

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Vụ tấn công nhằm vào nhà máy chế dầu Abqaiq và mỏ dầu Khurais ở miền đông Saudi Arabia hôm 14-9, làm gián đoạn công suất 5,7 triệu thùng dầu/ngày, tương đương hơn 50% sản lượng dầu của nước này và 5% nguồn cung dầu của thế giới.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc gần như tất cả công suất dầu dự phòng trên toàn cầu bị loại bỏ.

Giá dầu tăng dựng đứng sau vụ tấn công ở Saudi Arabia

Dầu dự phòng toàn cầu bị xóa sạch sau vụ tấn công ở Saudi Arabia
Lửa bốc cháy sau vụ tấn công nhà máy chế biến dầu Abqaiq ở miền đông Saudi Arabia hôm 14-9. Ảnh: News 1

Trao đổi với hãng tin CNBC hôm 16-9, Sarah Cottle, Giám đốc toàn cầu ở bộ phận thông tin chuyên sâu thị trường của Công ty S&P Global Platts, cho biết vụ tấn công ở Saudi Arabia trên thực tế loại bỏ tất cả công suất dầu dự phòng của thế giới.

Dù lực lượng phiến quân Hồi giáo Houthi ở Yemen tuyên bố trách nhiệm nhưng Mỹ nghi ngờ vụ tấn công khởi nguồn từ Iran và có thể bao gồm cả tên lửa hành trình, chứ không chỉ các máy bay không người lái.

Vụ tấn công với mức thiệt hại lớn đang gây khó cho Saudi Arabia về khả năng sử dụng công suất dầu dự phòng hơn 2 triệu thùng dầu/ngày vốn để dành cho những tình huống khẩn cấp. Trong nhiều năm qua, Saudi Arabia là cường quốc dầu mỏ duy nhất duy trì công suất dầu dự phòng lớn, có thể tăng sản lượng khai thác nhanh chóng, giúp bù đắp cho bất kỳ tình trạng thiếu hụt nguồn cung nào do chiến tranh hoặc thảm họa thiên nhiên.

Hầu hết các nước sản xuất dầu khác khoan những giếng dầu và lắp đặt cơ sở hạ tầng rồi để dự phòng cho những tình huống khẩn cấp, chứ không khai thác hàng ngày.

Trước khi vụ tấn công trên xảy ra, công suất dầu dự phòng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) là hơn 3,21 triệu thùng/ngày, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA). Saudi Arabia, nước nắm quyền OPEC trên thực tế, có công suất dầu dự phòng 2,27 triệu thùng/ngày. Kuwait và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nắm giữ phần lớn số công suất dầu dự phòng 940.000 thùng /ngày còn lại của OPEC.

Iraq và Angola, hai thành viên khác của OPEC, cũng có một ít công suất dầu dự phòng. Giờ đây, họ có thể đang khai thác công suất này để khỏa lấp cho vết lõm nguồn cung từ Saudi Arabia nhưng chắc chắn sẽ không đủ.

Trước vụ tấn công, OPEC và các đồng minh đang cắt giảm sản lượng dầu 1,2 triệu thùng/ngày để ngăn giá dầu suy sụp vì thị trường dư thừa nguồn cung. Tuy nhiên, Saudi Arabia là nước đảm nhận phần lớn sản lượng cắt giảm này và vụ tấn công nghiêm trọng hôm 14-9 khiến nước này khó có thể tăng sản lượng trở lại.

Các nước sản xuất dầu mỏ lớn ngoài OPEC như Nga đang khai thác dầu với công suất gần mức tối đa, do vậy, họ chỉ có thể tăng sản lượng thêm 100.000 -150.000 thùng/ngày.

Iran cũng đang nắm giữ một số công suất dầu dự phòng nhưng nước này không thể bán dầu ra thị trường quốc tế do đang bị Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt. Kể từ tháng 4, xuất khẩu dầu của Iran giảm hơn hai triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, Mỹ cáo buộc nước này đứng đằng sau vụ tấn công ở Saudi Arabia hôm 14-9, do vậy, ít có khả năng Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt để cho phép Iran bổ sung khoảng trống nguồn cung dầu do nước này tạo ra.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng tác động nặng nề đến ngành công nghiệp dầu mỏ Venezuela, một cường quốc dầu mỏ khác của OPEC. Sản lượng dầu của Venezuela sụt giảm nhanh chóng trong những năm qua một phần là do khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng ở nước này. Do vậy, tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) khó có khả năng tăng sản lượng cho dù được Mỹ nới lỏng trừng phạt.

Mỹ trở thành nước sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới nhờ sự trỗi dậy của sản lượng dầu đá phiến trong những năm qua. Phần lớn dầu đá phiến của Mỹ được khai thác từ các mỏ ở bang Texas. Các nhà sản xuất dầu đá phiến có thể nhanh chóng bơm dầu nhiều hơn khi giá dầu tăng và cũng có thể đưa các mỏ đang tạm ngưng khai thác hoạt động trở lại chỉ trong vòng vài tháng, nhanh hơn nhiều so với các mỏ dầu truyền thống.

Nếu sự cố gián đoạn nguồn cung dầu ở Saudi Arabia kéo dài và giá dầu tăng mạnh, lúc đó, các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ sẽ tăng sản lượng. Nhưng dù các nhà sản xuất dầu đá phiến bơm dầu nhiều hơn, Mỹ cũng khó đẩy mạnh xuất khẩu nhanh chóng vì các cảng xuất dầu hiện nay ở Mỹ đã hoạt đồng gần hết công suất.

Saudi Arabia, Mỹ và Trung Quốc đang nắm trong tay hàng trăm triệu thùng dầu trong các kho dự trữ chiến lược. Số dầu này được dự trữ để sử dụng trong các tình huống khẩn cấp giống như vụ tấn công ở Saudi Arabia để bù đắp cho nguồn cung bất ngờ thiếu hụt lớn.

Chính phủ của các nước này có thể lấy dầu từ các kho dự trữ chiến lược để đáp ứng nhu cầu và kìm hãm tác động tăng giá. Hôm 15-9, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo ông đã cho phép mở kho dự trữ chiến lược quốc gia Mỹ.

IEA khuyến cáo tất cả các nước thành viên duy trì lượng dầu dự trữ tương đương lượng dầu nhập khẩu ròng của họ trong 90 ngày. Dầu từ các kho dự trữ chắc chắn giúp thị trường được đáp ứng nguồn cung đầy đủ trong một thời gian nữa nhưng các thị trường dầu có thể sẽ biến động mạnh khi lượng dầu dự trữ cạn dần và nguy cơ nguồn cung suy kiệt tăng lên.

Khi mà công suất dầu dự trữ không còn trên toàn cầu, các sự cố gián đoạn nguồn cung trong tương lai sẽ khiến giá dầu tăng mạnh. Giá dầu tăng trong thời gian dài sẽ khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư và bơm dầu nhiều hơn, đồng thời, nhu cầu tiêu thụ dầu cũng sẽ giảm xuống.

Nguồn cung dầu của Libya và Nigeria, hai thành viên khác của OPEC rất dễ bị tổn thương trước các biến động an ninh. Libya, một thành viên của OPEC, vẫn đang trong tình trạng nội chiến. Một biến cố an ninh tại Libya có thể gây gián đoạn nguồn cung ở nước này, làm trầm trọng hơn vấn đề khan hiếm công suất dầu dự phòng trên toàn cầu. Xuất khẩu dầu của Nigeria từng bị sụt giảm mạnh vì những vụ tấn công phá hoại nhằm vào cơ sở hạ tầng dầu khí của nước này.

Theo Reuters

Vị trí đặt bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới