Thứ Ba, 14/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Dây trói” ngân hàng được nới lỏng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Dây trói” ngân hàng được nới lỏng

Việc NHNN bãi bỏ lãi suất trần huy động vốn cũng kéo theo mối e ngại về một cuộc đua mới về lãi suất giữa các ngân hàng – Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG Online) – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ thực hiện cơ chế điều hành lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam từ 19-5-2008 mà theo đó, mức trần lãi suất huy động 12/%/năm sẽ bị bãi bỏ.

“Cởi trói” cho lãi suất

Trong cuộc họp báo sáng 17-5 tại Hà Nội, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu đã công bố Quyết định 16/2008/QĐ-NHNN về cơ chế điều hành lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam. Theo đó, cơ chế điều hành lãi suất từ cơ chế thỏa thuận đã áp dụng từ ngày 1-6-2002 đến nay sẽ chuyển sang cơ chế điều hành lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam.

Cụ thể, các tổ chức tín dụng tại Việt Nam từ ngày 19-5-2008 sẽ phải ấn định lãi suất kinh doanh (gồm lãi suất huy động và lãi suất cho vay) bằng đồng Việt Nam không vượt quá 150% của lãi suất cơ bản mà Ngân hàng Nhà nước công bố áp dụng cho từng thời kỳ. Định kỳ hàng tháng, cơ quan này sẽ công bố lãi suất cơ bản và trong trường hợp cần thiết sẽ công bố điều chỉnh kịp thời lãi suất cơ bản này.

Đồng thời với thay đổi trên, mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố trong Quyết định 1099 ký hôm 16-5 đã nâng mức lãi suất cơ bản lên 12%/năm thay vì mức 8,75% như hiện tại. Mức lãi suất này cũng có hiệu lực từ 19-5-2008.

Một quyết định khác (Quyết định 1098) ký cùng ngày cũng nâng mức lãi suất tái cấp vốn từ 7,5% lên mức 13%/năm và lãi suất chiết khấu từ 6% hiện nay lên mức 11%/năm.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, cơ chế lãi suất mới sẽ không gây nên những xáo trộn trên thị trường tiền tệ – Ảnh: Nguyên Phong

“Cơ chế này tạo nên hành lang giữa lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu (chênh lệch 2%), có tác dụng góp phần điều tiết lãi suất thị trường liên ngân hàng. Trong đó, lãi suất cơ bản và lãi suất nghiệp vụ thị trường mở sẽ dao động trong hành lang này. Khi điều kiện thị trường tiền tệ thay đổi, NHNN sẽ xem xét, điều chỉnh các mức lãi suất biến động theo một biên độ nhất định, phù hợp với mục tiêu và giải pháp điều hành chính sách tiền tệ”, ông Giàu nói.

Với các thay đổi trên, lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng thương mại tối đa sẽ là 18%/năm. Theo Thống đốc Giàu, đây là mức lãi suất được cho là tương đối phù hợp với thị trường hiện nay và không gây nên những xáo trộn trên thị trường tiền tệ, tín dụng.

Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, lãi suất cho vay trên thị trường hiện nay thấp nhất là 12-14%/năm, phổ biến là 15-18%/năm.

Cũng theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, lãi suất cơ bản do NHNN công bố là công cụ để điều hành chính sách tiền tệ, và được sử dụng làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh. Ngoài ra, lãi suất cơ bản còn giúp định hướng và điều tiết lãi suất thị trường nội tệ liên ngân hàng.

“Theo đó, lãi suất cơ bản được xác định dựa trên cơ sở lãi suất thị trường nội tệ liên ngân hàng, lãi suất nghiệp vụ thị trường mở của NHNN, lãi suất huy động đầu vào của tổ chức tín dụng và xu hướng biến động cung-cầu vốn, mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ trong ngắn hạn”, ông Giàu giải thích.

Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Nguyễn Ngọc Bảo phân tích thêm: “Lãi suất cơ bản trên sẽ vừa phản ánh thực tế lãi suất thị trường, vừa đóng vai trò là lãi suất điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Điều này góp phần tạo nên mặt bằng lãi suất huy động và cho vay hợp lý và đảm bảo hài hoà lợi ích giữa người gửi tiền, tổ chức tín dụng và người vay vốn”.

Ngay sau khi NHNN công bố chính sách mới, trong sáng 17-5, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã công bố sẽ áp dụng mức lãi suất mới từ ngày 19-5. Hội sở chính BIDV sẽ áp dụng mức lãi suất cho vay tối đa 18%/năm. Mức lãi suất này đã bao gồm đủ các chi phí đầu vào như: dự trữ bắt buộc, dự trữ thanh toán, bảo hiểm tiền gửi, hiệu quả kinh doanh… Các Chi nhánh BIDV chủ động trong việc quyết định mức lãi suất nhưng không vượt quá mức lãi suất tối đa do hội sở chính BIDV quy định.

Tương tự, lãi suất huy động tối đa đối với đồng Việt Nam cũng được ngân hàng này tăng lên như dưới 6 tháng là 13,3%, kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng là 13,5% và trên 12 tháng là 13,0%. Các mức lãi suất huy động mới này cũng được áp dụng từ ngày 19-5. Còn mức lãi suất cho vay cụ thể sẽ được quy định tương ứng cho từng nhóm khách hàng.

Cuộc đua mới sẽ có điểm dừng?

Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà nhận định rằng cơ chế lãi suất mới là một giải pháp để khai thông tình huống khó khăn và bế tắc hiện nay.

Theo ông Hà, việc quy định lãi suất trần như thời gian qua là tách rời quy luật thị trường, khiến cho các ngân hàng thương mại phạm luật, mục tiêu huy động vốn từ lưu thông vào hệ thống ngân hàng không đạt mục đích và các ngân hàng gặp khó khăn. “Với cơ chế điều hành mới, chúng ta sẽ đảm bảo thực hiện quản lý theo luật. Các ngân hàng sẽ chủ động trong quyết định kinh doanh của mình và vốn sẽ về ngân hàng nhiều hơn, các tổ chức tín dụng bớt khó khăn, khả năng cung cấp vốn cho nền kinh tế sẽ được cải thiện”, ông Hà nói.    

Ông Phạm Duy Hưng, tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Á, cho biết chắc chắn Việt Á sẽ tăng lãi suất lên ngang bằng với các ngân hàng khác. Tuy nhiên, ông Hưng nói, NHNN sẽ căn cứ trên lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và thị trường mở, đồng thời cũng tính toán giúp đảm bảo tính thanh khoản của các ngân hàng để đưa ra mức lãi suất cơ bản mới, và dựa theo đó thì cuộc đua lãi suất cũng sẽ có chừng mực.

“Nếu lãi suất cơ bản là 12%/năm, Việt Á tăng cao nhất cũng chỉ là 16%/năm. Lãi suất huy động cao kéo theo lãi suất cho vay tăng cao, mà có doanh nghiệp chấp nhận vay thì ngân hàng cũng phải e ngại”, ông Hưng nói.

Trong khi đó, Tổng giám đốc Sacombank Trần Xuân Huy cho biết khi doanh nghiệp đầu tư một dự án sẽ tính toán tỷ suất sinh lời của dự án, mà nếu lãi suất đi vay tiền quá cao có thể sinh ra phản ứng là doanh nghiệp gửi ngược tiền vào ngân hàng để lấy lời. Ông Huy cho biết dự kiến Sacombank tăng lãi suất cao nhất cũng ở mức 14-15%/năm, tuy nhiên mức này cũng sẽ được điều chỉnh tùy tình hình thị trường.

Còn ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ngân hàng ACB, thì cho biết sẽ tùy theo tình hình thị trường để quyết định mức lãi suất huy động. Như lãi suất không kỳ hạn, ACB không muốn tăng vì chi phí cho hoạt động này rất cao, nhưng do các ngân hàng khác đều tăng, muốn giữ khách ở lại ACB cũng phải làm vậy. Lãi suất qua đêm lấy lãi mỗi ngày của ACB đã tăng đến 10,8%/năm.

Tình hình thực tế cho thấy một số ngân hàng đang thực sự trong tình trạng thiếu thanh khoản, vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng lãi suất quá cao và có khi cũng không được cho vay nên buộc lòng phải đưa ra sản phẩm lãi suất qua đêm để thu hút tiền gửi. Một số ngân hàng khác mặc dù có vốn, nhưng để giữ khách hàng nên cũng phải lao theo cuộc đua tăng lãi suất qua đêm.

Về phía Hiệp hội Ngân hàng, bà Dương Thu Hương – Tổng thư ký hiệp hội, nói rằng cơ chế mới gần như cơ chế điều hành lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) trên thị trường. “Cá nhân tôi cho rằng, với cơ chế mới này, trần lãi suất thỏa thuận của các thành viên Hiệp hội Ngân hàng cũng không cần tồn tại nữa”, bà Hương nói.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng việc thay đổi cơ chế điều hành lãi suất này sẽ có tác dụng sớm phân loại những nhóm ngân hàng trên thị trường tiền theo năng lực tài chính và quản trị.

HỒNG PHÚC – THỦY TRIỀU

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới