Thứ Bảy, 27/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Đến thời dịch vụ hội nghị “ảo”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đến thời dịch vụ hội nghị “ảo”

(TBVTSG) – Tại Việt Nam, hội nghị “ảo” đã được đông đảo người dân biết đến nhờ có nhiều cuộc giao lưu trực tuyến của các bộ ngành và chính phủ. Vì thế, việc họp “ảo” vốn xa lạ đã trở nên gần gũi hơn…

Dịch vụ hội nghị truyền hình (Video Conference) nhiều năm nay không còn là khái niệm xa lạ. Ở nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) có nhiều chi nhánh hoặc làm việc với nước ngoài đều sử dụng tiện ích này cho các hoạt động của mình. Chẳng hạn, tại FPT Telecom hoặc Công ty Hệ thống thông tin FPT việc họp hành hiện nay chủ yếu sử dụng hệ thống này. Họ tự trang bị hệ thống hội nghị này tùy theo quy mô và nhu cầu của mình.

Về mặt công nghệ, những giải pháp cho hội nghị truyền hình hiện rất đa dạng trên thị trường và cũng có nhiều sự chọn lựa cho cả các doanh nghiệp nhỏ. Đại diện FPT Telecom cho biết, theo kinh nghiệm của họ, để trang bị một “phòng họp ảo” mức tương đối phải đầu tư khoảng 15.000 đô-la Mỹ cho các thiết bị đầu cuối như camera, thiết bị truyền tín hiệu, màn hình… Điều quan trọng nữa là cần một đường truyền ổn định để truyền tải tốt dữ liệu, âm thanh và hình ảnh.

Dù ở quy mô nào thì theo các nhà cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực này, chi phí không phải là vấn đề hiện nay trong ứng dụng giải pháp này của doanh nghiệp, vấn đề chính là thói quen của doanh nghiệp và các tổ chức trong việc sử dụng công nghệ mới cho các hoạt động điều hành của mình. Về lý thuyết, có đến 80% cuộc họp của các doanh nghiệp, tổ chức quy mô đều có thể sử dụng hình thức này để tiết giảm chi phí đi lại và thời gian. Trong khi đó, những người tham gia đều có thể chủ động trao đổi thông tin với nhau để giải quyết công việc một cách kịp thời.

Với sự tiến triển không ngừng của công nghệ mạng, các nền tảng cho dịch vụ này ngày càng hiện đại và đi qua nhiều giai đoạn. Hiện nay, bất cứ nhà cung cấp hạ tầng viễn thông nào cũng tham gia vào khu vực này. Một số nhà cung cấp dịch vụ trọn gói như hai đơn vị thuộc Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông Việt Nam (VNPT) gồm Công ty Viễn thông quốc tế (VTI) cung cấp dịch vụ hội nghị truyền hình tới hơn 10 quốc gia, Công ty Viễn thông liên tỉnh (VTN) phục vụ cho thị trường trong nước ; Saigon Postel cũng kết nối đến 10 quốc gia khác…

Mức chi phí cơ bản tính trung bình cho cuộc họp trong bốn giờ khoảng từ 2 triệu đồng. Con số này tăng lên tùy theo quy mô của cuộc họp, nhưng thông thường không vượt quá 15 triệu đồng. Đây được xem là mức phí khá nhỏ so với việc doanh nghiệp, tổ chức phải chi cho những thành viên dự họp để đi lại, sinh hoạt, thuê hội trường, khách sạn…

Để khuếch trương dịch vụ này, cuối tháng Tư vừa qua, Công ty Viễn thông liên tỉnh (VTN) đã mở hai trung tâm trình diễn giải pháp CNTT và truyền thông dựa trên nền tảng mạng thế hệ mới IP-NGN đồng thời tạiTP.HCM và Hà Nội. Ngay cả dịch vụ được xem còn “xa xỉ” trên thế giới, giải pháp truyền hình hội nghị thế hệ thứ hai Telepresence trên nền tảng NGN cũng được VTN giới thiệu trong hệ thống này. Ngay sau lễ khai trương của VTN vài ngày thì khách hàng đầu tiên  – Văn phòng Chính phủ – sử dụng dịch vụ cho cuộc giao ban trực tuyến qua truyền hình của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Hiện nay, khách hàng truyền thống của các công ty cung cấp dịch vụ này vẫn là những doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài mở chi nhánh tại Việt Nam, các tổng công ty lớn có chi nhánh, văn phòng đại diện ở nhiều khu vực. Họ sử dụng loại hình dịch vụ này trong những cuộc họp giao ban. Dù vẫn còn thưa thớt khách hàng nhưng đây là khu vực thị trường tiềm năng sau khi nhiều cơ quan nhà nước tăng cường sử dụng phương thức này để tiết giảm chi phí. Đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên sử dụng giao ban trực tuyến đã tạo nên một luồng không khí mới vào thị trường này.

VTN công bố cho đến nay đã đầu tư khoảng 50 triệu đô-la Mỹ cho dịch vụ hội nghị truyền hình để cung cấp dịch vụ theo các hình thức cho thuê đường truyền theo từng lần hội nghị truyền hình hoặc thuê bao theo tháng, cho thuê cả thiết bị tiến hành hội nghị truyền hình. VTN đang có kế hoạch nhân rộng các trung tâm ra nhiều tỉnh thành khác trong cả nước nhằm thúc đẩy thị trường “hội nghị ảo” phát triển…

Một lãnh đạo doanh nghiệp nhận định rằng so với khoảng năm năm trước, công nghệ cho dịch vụ này hiện đã phát triển vượt bậc, và Việt Nam cũng cung cấp được những dịch vụ tương tự. Hiện không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như công nghệ xử lý âm thanh, hình ảnh, dữ liệu, đường điện thoại, đường truyền Internet như cách đây chừng năm năm.

HOÀNG MY

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới