Thứ Ba, 14/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp cần chính quyền đồng hành trong khôi phục kinh tế

Song Nguyên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Buổi livestream trong chuỗi chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời”, diễn ra vào tối ngày 8-10 tới, với chủ đề “Khôi phục kinh tế trong điều kiện bình thường mới” đã thu hút sự chú ý của cộng đồng doanh nghiệp và các hộ kinh doanh thông qua hàng loạt câu hỏi liên quan đến các chính sách, quy chế hỗ trợ về giao thương, mua bán, tài chính, nhân lực… để tạo cơ sở cho người dân và doanh nghiệp quay trở lại với hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng (giữa) giải đáp trực tiếp những thắc mắc của người dân và doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến việc khôi phục kinh tế trong điều kiện bình thường mới. Ảnh: BTC

Tham gia chương trình, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã giải đáp trực tiếp những thắc mắc của người dân và doanh nghiệp. Là một trong những cơ quan báo chí tham gia phát sóng trực tiếp (livestream) chương trình, KTSG Online đã kết nối và chuyển tải câu hỏi từ cộng đồng doanh nghiệp đến Ban tổ chức thông qua kênh truyền dẫn của mình.

Băn khoăn chuyện lao động, nguồn vốn cho khôi phục sản xuất

Một trong những vấn đề các doanh nghiệp quan tâm và gửi câu hỏi đến KTSG Online đó là câu chuyện khôi phục hoạt động của khối sản xuất. Phản hồi đến các doanh nghiệp, bà Phan Thị Thắng cho biết khi xây dựng phương án khôi phục kinh tế, TPHCM đã có sự chú trọng đến khối doanh nghiệp trong các khu công nghiệp – khu chế xuất và khối doanh nghiệp bán lẻ, phân phối để tập trung vaccine tiêm đủ 2 mũi cho người lao động làm việc tại các cơ sở này. Sau thời điểm 1-10, nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp – khu chế xuất đã quay lại sản xuất khi công nhân, người lao động được tiêm mũi 2 đạt khoảng 70-80%

Trước đó, thông tin tại buổi họp báo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM (ban chỉ đạo) vào chiều ngày 7-10, đại diện Ban chỉ đạo cho biết TPHCM đánh giá kết quả sau một tuần thực hiện Chỉ thị số 18/CT-UBND, đa số người dân nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện bình thường mới. Ngày càng nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ kinh doanh hoạt động trở lại, đáp ứng nhu cầu của người dân và tạo nhiều việc làm. Công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố đạt nhiều kết quả tích cực.

Đến nay, đã có 20 quận huyện và TP Thủ Đức được đề nghị công nhận kiểm soát dịch (còn lại quận Bình Tân và huyện Bình Chánh chưa được đề nghị công nhận). Bên cạnh đó, số lượng lượng người lao động cũng như doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao hoạt động trở lại ngày càng tăng. Trong 3 ngày, từ ngày 1-10 đến 3-10, có 5.279 doanh nghiệp hoạt động trở lại, đến ngày 6-10 có 9.200 doanh nghiệp.

Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, trước 1/10 có 70.000/288.000 lao động hoạt động (chiếm 24,3%), có 746/1.412 doanh nghiệp hoạt động (chiếm 52,8%). Đến 6/10, có 164.000/288.000 lao động làm việc (đạt 56,8%) và có 972/1.412 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại (đạt 68,8%).

Tại khu công nghệ cao, trước 1-10, có 25.000/50.000 công nhân làm việc “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường – 2 điểm đến”, qua 6 ngày, số lao động tăng lên 27.300 công nhân (chiếm 54,6%) và có 88/118 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại.

Từ đó cho thấy, các hoạt động của cơ sở sản xuất kinh doanh đã thu hút ngày càng nhiều lao động sau khi khôi phục sản xuất.  Tuy nhiên, số lao động ở khu công nghiệp, công nghệ cao chỉ trên 50%, đây là bài toán rất lớn TPHCM cần giải quyết. TPHCM mời gọi người lao động tiếp tục ở lại cũng như quay trở lại Thành phố để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Vấn đề kế tiếp nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh quan tâm và đặt câu hỏi đến lãnh đạo UBND TPHCM tại buổi livestream đó là các chính sách hỗ trợ tài chính cho hoạt động khôi phục sản xuất và thương mại, dịch vụ. Bà Phan Thị Thắng đánh giá, về chính sách hỗ trợ tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành hàng loạt chính sách khá kịp thời, đó là các Thông tư 01, 03 và 14.

Vào ngày 13-3-2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đến ngày 2-4-2021, NHNN ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi bổ sung Thông tư số 01. Sau 5 tháng kể từ khi ban hành Thông tư 03, NHNN đã tiếp tục ban hành Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 7-9-2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01 (sửa đổi Thông tư 01 lần thứ 2).

Bà Thắng cũng phân tích một số điểm mới của Thông tư 14, đó là phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí… và việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ là hợp lý, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 lần này diễn biến tương đối phức tạp. Điều này giúp các doanh nghiệp và chính các ngân hàng giảm áp lực về vấn đề trả nợ, tạm thời không bị chuyển nhóm nợ xấu hơn. Tận dụng cơ hội cơ cấu nợ, các doanh nghiệp có thêm nguồn lực và thời gian để tiếp tục phục hồi sản xuất kinh doanh.

Ngoài việc tiếp nhận những phản ánh từ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh về những khó khăn liên quan đến việc tiếp cận và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ tài chính, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng chia sẻ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh TPHCM cùng chính quyền TPHCM cũng thường xuyên tổ chức các chương trình kết nối giữa ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng chính sách xã hội đến hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh về vay vốn, lãi suất…

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng (bên phải) trao đổi cùng người dẫn chương trình MC Quyền Linh tại buổi livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời” tối ngày 8-10 với chủ đề “Khôi phục kinh tế trong điều kiện bình thường mới”. Ảnh: BTC

Chi phí tăng thêm và nỗi lo toan mở lại du lịch, vận tải

Nỗi băn khoăn của các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh về các chính sách khoanh nợ, giãn nợ, tiếp cận vay vốn để tái sản xuất, kinh doanh được bà Phan Thị Thắng giải đáp thông qua việc dẫn chứng Nghị quyết 68 của Chính phủ với các điều khoản cụ thể về hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người lao động.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, từ trung tuần tháng 7, TPHCM đã triển khai Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23, và đến cuối tháng, 100% lao động tự do tại Thành phố (tương ứng với 284.465 người) đã được hỗ trợ, với số tiền 426 tỉ đồng. Cùng với chi trả gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 09/NQ-HĐND, TPHCM cũng trích ngân sách để thực hiện hỗ trợ theo gói 26.000 tỉ đồng của Chính phủ. Nguyên tắc là trường hợp mà gói hỗ trợ bằng ngân sách của TPHCM không có thì sẽ bổ sung, trường hợp nào trùng nhau thì sẽ thực hiện theo chính sách nào có chế độ hỗ trợ cao hơn. TPHCM cũng là một trong 4 địa phương (gồm TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Lâm Đồng) xác định thêm đối tượng đặc thù so với Nghị quyết số 68.

Bà Thắng cho biết UBND Thành phố cũng đã có chỉ đạo Cục Thuế TPHCM làm việc với các chi cục thuế quận huyện để tiến hành hoàn thuế sớm cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong giai đoạn hiện tại, thay vì đến cuối năm.

Đối với nhiều doanh nghiệp, chi phí xét nghiệm Covid-19 cho người lào động là một khoản chi rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh các nhiều tổ chức, đơn vị đã kiệt quệ về tài chính. Bà Thắng cho biết TPHCM thấu hiểu và chia sẻ với nỗi lo lắng này. Trên thực tế, doanh nghiệp trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn khi phải kham rất nhiều chi phí cộng thêm, từ chi phí đội lên do tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” (bà Thắng dẫn chứng câu chuyện một doanh nghiệp phải chịu chi phí cộng thêm 4-5 triệu đồng/người/tháng đối với mỗi công nhân khi tổ chức sản xuất theo “3 tại chỗ”), cho đến các chi phí cho hoạt động xét nghiệm Covid-19 thường xuyên, chi phí hỗ trợ người lao động bị nhiễm bệnh…

Theo bà, nhiều doanh nghiệp đã kiên cường đối mặt khó khăn để tổ chức sản xuất, giữ cho chuỗi cung ứng của họ không bị đứt gãy, đảm bảo cung cấp sản phẩm ra thị trường với giá bán không thay đổi. Chính quyền TPHCM hiểu và trân trọng, đồng cảm với những nỗi khó khăn này, đã ghi nhận và có ý kiến đề xuất đến Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về việc các chi phí tăng thêm do xét nghiệm Covid-19 cho người lao động vẫn được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

TPHCM cũng có sự định hướng cho doanh nghiệp về việc chủ động kết hợp, chọn đối tác từ một đơn vị y tế để được hướng dẫn, tư vấn, chăm sóc người lao động trong phòng chống dịch bệnh đúng theo quy định của ngành y tế. Khi mỗi doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, người dân đều nâng cao ý thức về phòng chống dịch thì sớm đẩy lùi dịch bệnh, tiến trình khôi phục kinh tế sẽ nhanh hơn, sớm quay trở lại bình thường, bà Thắng bộc bạch.

Liên quan đến các câu hỏi về việc mở lại dịch vụ vận tải hành khách liên tỉnh, theo tính toán của Sở GTVT, dự kiến từ 1-11 sẽ tổ chức lại một số tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, tùy thuộc vào tiến trình làm việc với các tỉnh thành khác và tình hình dịch bệnh.

Trả lời câu hỏi của các doanh nghiệp ngành du lịch, lữ hành, bà Thắng nêu ra kỳ vọng của chính quyền đối với việc nâng cao chất lượng và tính an toàn của các tour du lịch vừa được tái khởi động đón khách tới Củ Chi, Cần Giờ. TPHCM cũng đã trao đổi cùng các tỉnh thành để mở lại các tuyến du lịch nội địa, hy vọng năm 2022 có thể đón lại du khách quốc tế, và Thành phố đã ghi nhận nhiều góp ý từ các doanh nghiệp, hiệp hội về việc đón nguồn khách kiều bào về nước trong giai đoạn ban đầu.

Liên quan đến các chợ đầu mối, từ kinh nghiệm thực tế và qua những kế hoạch về hoạt động an toàn, TPHCM định hướng sẽ mở rộng dần hoạt động, trở lại quy mô trước đây và có sự thay đổi về quản trị, đi theo hướng số hóa. Chợ đầu mối sẽ hoạt động quy củ, hiện đại, an toàn, trong mục tiêu thúc đẩy giao thương TPHCM và các tỉnh thành trong các vùng kinh tế lân cận.

Trước khi kết thúc chương trình livestream, bà Phan Thị Thắng cũng chia sẻ thông tin tích cực từ việc Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của người dân với dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Về mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, dự kiến giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 đối với trường hợp doanh nghiệp quy định nêu trên có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỉ đồng và tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2019. Về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), thực hiện giảm thuế GTGT kể từ ngày 1-1-2021 đến hết ngày 31-12-2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành kinh tế, bao gồm: vận tải; dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch; các xuất bản, điện ảnh…

Đáng chú ý, dự thảo nghị định cũng quy định rõ về miễn thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Theo đó, thực hiện miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý 3 và quý 4 của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi ngành nghề, địa bàn, các hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế.

Bà Phan Thị Thắng chia sẻ chính quyền TPHCM vẫn tiếp tục đánh giá tình hình, nếu việc kiểm soát dịch bệnh có tín hiệu tích cực thì TP sẽ tính toán để sau ngày 15-10 sẽ mở lại kinh tế trên diện rộng hơn nữa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới