Thứ Bảy, 27/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp ngại quy định an toàn thực phẩm mới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp ngại quy định an toàn thực phẩm mới

Phạm Thái

(TBKTSG Online) – Doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật cho biết việc triển khai một số điều trong Luật an toàn thực phẩm (có hiệu lực ngày 1-7) đang gây khó khăn nhất định cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết, trong quá trình tập huấn và thực tế triển khai công tác giám sát an toàn thực phẩm do Chi cục Thú y thực hiện theo quy định của Luật an toàn thực phẩn đã bộc lộ một số vấn đề.

Cụ thể, theo ông Mười, việc giám sát được thực hiện định kỳ yêu cầu phải đi sâu vào quy trình sản xuất, có khả năng gây lộ thông tin, bí mật kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi đầu vào nguyên liệu và đầu ra thành phẩm chế biến đều đã qua kiểm soát và dán tem vệ sinh thú y, tem kiểm định của cơ quan thú y. Trước khi luật có hiệu lực, công việc này do cơ quan thuộc ngành y tế là Trung tâm Y tế dự phòng thực hiện, và chỉ lấy mẫu thử để kiểm định chất lượng thành phẩm, tức ở khâu cuối cùng.

“Đi kèm với việc đưa thêm quy trình giám sát vào doanh nghiệp là các khoản phí. Lệ phí cấp giấy kiểm dịch (5.000 đồng/giấy) và đặc biệt là phí kiểm dịch của thú y (150 đồng/kg sản phẩm chế biến) làm tăng giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Mười nói. Với khối lượng sản phẩm đồ hộp chế biến trên dưới 1.300 tấn/tháng, riêng khoản phí kiểm dịch thú y mà công ty Vissan phải đóng lên đến 200 triệu đồng/tháng.

Tương tự, bà Ngân, giám đốc bán hàng của một công ty kinh doanh đồ hộp và thực phẩm chế biến trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, cho biết việc kiểm tra vệ sinh thực phẩm và thu phí cũng được thực hiện đối với các sản phẩm đồ hộp bao gói được vận chuyển từ nhà máy ở ngoại tỉnh vào thành phố mặc dù nguyên liệu từ thịt và thành phẩm trước đó đã phải qua kiểm tra giám sát của cơ quan thú y.

Đại diện của Chi cục thú y TPHCM cho biết, quy trình giám sát sản phẩm có nguồn gốc động vật và việc thu phí đều được quy định trong Luật an toàn thực phẩm và Thông tư 136/2010/TT-BTC. Tuy nhiên, so với việc trước đây chỉ kiểm tra thành phần nguyên liệu, thì hiện nay cơ quan thú y phải kiểm tra toàn bộ quy trình sản xuất cũng như thành phẩm, mà trước đó được đảm nhận bởi cơ quan y tế. Việc chuyển giao do vậy cũng gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, ông cho biết, trong khi việc kiểm tra, giám sát tại nhiều đơn vị kinh doanh sản xuất lớn được thực hiện khá suôn sẻ thì cơ quan thú y lại gặp khó khăn với rất nhiều cơ sở chế biến nhỏ, hộ dân không có đăng ký kinh doanh, không đăng ký chứng nhận an toàn thực phẩm, sử dụng nguyên liệu nhiều nguồn khác nhau.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới