Thứ Ba, 14/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đồng lương của nhà giáo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đồng lương của nhà giáo

(TBKTSG) – Mặc dù giáo viên cố gắng bươn chải để có thêm thu nhập ngoài nhà trường, nhưng tổng thu nhập hàng tháng của họ không nhiều. Được hỏi rằng “tổng thu nhập từ tất cả các khoản của thầy/cô hiện có đủ chi tiêu trong cuộc sống gia đình?”, 52% giáo viên trong mẫu điều tra trả lời là “thiếu thốn”, 42% nói là “vừa đủ”, và chỉ có 2% nói là “có dư để tích lũy”.

LTS: Tình trạng học sinh bỏ học đến mức đáng báo động ở nhiều địa phương từ một số năm nay đã rọi thêm ánh sáng vào những bất cập kéo dài của nền giáo dục.

Nhằm góp phần tìm hiểu thực trạng, lý giải nguyên nhân và đề xuất những biện pháp khả dĩ cải thiện tình hình, trong hai tháng 11 và 12-2007 Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức một cuộc khảo sát ở một số trường phổ thông (với tổng số mẫu giáo viên được phỏng vấn là 1.027 người ở 43 trường) và một số địa bàn dân cư (với tổng số mẫu hộ gia đình được phỏng vấn là 1.203 hộ tại 10 quận, huyện) thuộc năm tỉnh thành miền Nam, bao gồm Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Daklak và TPHCM.

Mục tiêu của cuộc khảo sát là nhận diện những vấn đề nổi bật hiện nay về mặt ngân sách gia đình dành cho việc học hành của con cái và về thu nhập của nhà giáo, từ đó đặt ra những vấn đề liên quan tới chính sách giáo dục và ngân sách giáo dục; đưa ra một số đề xuất nhằm góp phần vào công cuộc cải tổ nền giáo dục phổ thông.

Những điều nêu ra từ cuộc khảo sát này chắc chắn chưa phải là một bức tranh tổng thể về những vấn đề đang bàn của nền giáo dục, mà để có được điều đó, cần phải có những cuộc khảo sát nữa ở những vùng miền khác của đất nước, những ý kiến và nhận định của nhiều người trong và ngoài ngành giáo dục có tâm huyết với việc cải tổ nền giáo dục phổ thông…

Dưới đây là một số nhận định và đề xuất chính rút ra từ kết quả cuộc khảo sát.

Kết quả cuộc khảo sát cho biết tổng thu nhập bình quân từ nhà trường của một giáo viên (bao gồm lương chính, phụ cấp và thù lao dạy tăng tiết, phụ đạo…) khoảng từ 1,8-2 triệu đồng/tháng ở An Giang, Vĩnh Long và Trà Vinh, 2,2 triệu ở Daklak, còn ở TPHCM thì khoảng 2,48 triệu (xem bảng 1).

So với mức sống trung bình ở địa phương, số giáo viên có mức thu nhập từ nhà trường thấp hơn mức này chiếm tỷ lệ khoảng 15% ở Trà Vinh, 25% ở Vĩnh Long, 40% ở An Giang, 39% ở Daklak, và 39% ở TPHCM.

Số giáo viên có thu nhập từ nhà trường chỉ đáp ứng được dưới một nửa chi tiêu ở gia đình mình chiếm 31% ở Trà Vinh, 9% ở Vĩnh Long, 42% ở An Giang, 50% ở Daklak, và lên tới 63% ở TPHCM.

Chính vì đồng lương từ nhà trường không đủ sống nên không ít người đã phải dạy thêm và làm thêm việc khác để có thêm thu nhập. Trong mẫu điều tra, có 30% giáo viên có dạy thêm và làm thêm (trong đó 13% dạy thêm và 18% làm thêm việc khác). Tỷ lệ này cao hơn hết tại TPHCM (52% có dạy thêm và làm thêm). Tỷ lệ dạy thêm ở TPHCM cũng cao nhất so với các tỉnh trong mẫu điều tra: 44% ở giáo viên cấp tiểu học, 27% cấp trung học cơ sở, và 34% cấp trung học phổ thông có dạy thêm ở nhà hoặc tại nơi khác (chưa kể số giáo viên dạy thêm ngay tại trường của mình).

Hầu hết việc làm thêm đều là những việc không liên quan chút gì với nghề giáo: làm ruộng, trồng mía, trồng hoa màu, nuôi gà, nuôi heo, thợ may, bán bánh mì, phụ bán tạp hóa, bán hàng ở chợ, phụ bán cơm buổi sáng, chạy xe, đánh máy, photocopy, chụp hình, làm nhạc công ở quán cà phê, làm thêm ở nhà hàng vào buổi tối, dạy võ, vẽ tranh, sửa đồ điện gia dụng…

Mặc dù giáo viên cố gắng bươn chải để có thêm thu nhập ngoài nhà trường, nhưng tổng thu nhập hàng tháng của họ cũng không nhiều nhặn gì. Được hỏi rằng “tổng thu nhập từ tất cả các khoản của thầy/cô hiện nay có đủ cho các chi tiêu trong cuộc sống gia đình của thầy/cô?”, 52% giáo viên trong mẫu điều tra trả lời là “thiếu thốn”, 42% nói là “vừa đủ”, và chỉ có 2% nói là “có dư để tích lũy”.

Có đến hai phần ba giáo viên trong mẫu điều tra (66%) trả lời là có đi vay mượn trong năm qua. Tỷ lệ vay mượn này ở các tỉnh lên tới khoảng ba phần tư giáo viên, riêng ở TPHCM cũng lên tới 44%.

Chỉ có 4-5% giáo viên ở Trà Vinh và Vĩnh Long có Internet ở nhà, con số này là 8% ở An Giang, 12% ở Daklak, 42% ở TPHCM. Số giáo viên đọc báo hàng ngày chiếm 30-36% ở Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, và 77% ở TPHCM.

Trả lời câu hỏi về những nguyện vọng và tâm tư bức xúc nhất, hai phần ba giáo viên trong mẫu điều tra (66%) nêu kiến nghị rằng cần nhanh chóng cải tổ chế độ tiền lương – đây là ý kiến chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các nguyện vọng mà họ nêu ra.

Theo kết quả cuộc khảo sát, nguyện vọng của giáo viên về một mức tiền lương “đủ để lo cho gia đình” tính bình quân trong mẫu điều tra là 3,81 triệu đồng một tháng, cụ thể ở từng tỉnh thành như sau:

Trà Vinh: 3,32; Vĩnh Long: 3,22; An Giang: 3,33; Daklak: 3,99; TPHCM: 5,20 (Đvt: triệu đồng/tháng)

Gần ba phần tư giáo viên trong mẫu điều tra (73%) nói rằng nếu đạt được mức lương kỳ vọng này, có thể loại bỏ được hiện tượng dạy thêm để tăng thu nhập, chỉ có 12% nói là không thể.

Như vậy, tổng thu nhập của giáo viên từ nhà trường là không đủ sống hay chỉ đạt mức tối thiểu đối với khá đông giáo viên.

Hệ thống thang bậc lương chính thức của giáo viên không mang tính công bằng, và không mang tính chất kích thích hay khuyến khích nâng cao trình độ (xem bảng 2), mặc dù theo quy chế thì vẫn có thể tăng bậc lương 3-4 năm một lần, và mặc dù đã được hưởng một số khoản phụ cấp.

Kết quả khảo sát cho biết chỉ có 45% giáo viên trong mẫu điều tra cho là mức thu nhập của mình từ nhà trường “tương xứng” với công sức mà mình đã bỏ ra, 49% cho là “không tương xứng”. Tỷ lệ trả lời “không tương xứng” ở TPHCM lên tới 72%, ở Daklak 51%, An Giang 49%, Vĩnh Long 45%, và Trà Vinh 28%.

Lương chỉ đủ sống 20 ngày

• Một thầy giáo dạy cấp trung học cơ sở, có thâm niên dạy học 23 năm, ở huyện Tân Châu, An Giang: “Tôi nghĩ là nên xem lại chất lượng cuộc sống của thầy cô giáo để giúp bớt đi thành kiến của xã hội khi nhìn vào giới này. Nhiều khi nghèo quá thì phải đi dạy thêm, mà dạy thêm thì phụ huynh, học trò nhìn cô thầy cũng không có gì thiện cảm, tôn kính lắm”. (Cuộc phỏng vấn nhóm ngày 7-12-2007).

• Một nam giáo viên trung học cơ sở ở huyện Krông Năng, Daklak, dạy môn sinh học, có thâm niên nhà giáo 10 năm, nói như sau: “Lương hiện nay chỉ bảo đảm 70% chi phí trong một tháng của gia đình. Hiện nay có tăng lương, nhưng mọi chi phí, giá cả cũng tăng… Với lương hiện nay, giáo viên chỉ sống được khoảng 20 ngày, còn lại 10 ngày trong tháng đó phải làm thêm hoặc kiếm các khoản thu nhập khác để bù vào…”.

(Cuộc phỏng vấn nhóm ngày 10-12-2007).

Xét về mặt nghề nghiệp chuyên môn, tình trạng buộc phải đi dạy thêm, đi làm thêm quả thực là một sự lãng phí xã hội ghê gớm, không phải chỉ lãng phí đối với năng lượng của người giáo viên, mà quan trọng hơn là sự lãng phí lớn lao đối với hiệu quả đáng lý có thể có của ngành giáo dục. Vì còn phải lo chạy vạy cho nồi cơm của gia đình từ những nguồn thu khác ngoài nhà trường, nên không ít giáo viên không còn đâu tâm sức và thời gian tập trung cho lao động chuyên môn của mình và học sinh của mình nữa.

Xét về mặt luân lý xã hội, tình cảnh éo le mang tính chất vừa trói buộc vừa luẩn quẩn này là điều kiện và nguyên nhân dẫn tới nhiều hệ quả đáng buồn mà công luận than phiền lâu nay: nào là ép học thêm, không công bằng khi cho điểm những học sinh không học thêm, nào là nạn “phong bì”, quà cáp lễ tết, cùng đủ mọi dạng tiêu cực từ nhẹ tới nghiêm trọng như mua bằng bán điểm…

Chính tính bất hợp lý trong chế độ tiền lương nói riêng, và chính sách tài chính trong giáo dục nói chung, đã dẫn đến những hệ quả xáo trộn trong đời sống nhà giáo (phải vất vả dạy thêm, làm thêm…), những sự đảo lộn trong mối quan hệ giữa nhà giáo với học sinh, với phụ huynh, cũng như những rối rắm trong việc thu đủ mọi khoản lắt nhắt từ phụ huynh.

Vấn đề đặt ra hoàn toàn không phải là cần có chính sách “ưu tiên” hay “đặc ân” gì với nhà giáo, mà trước hết đây là vấn đề khôi phục sự công bằng đối với lao động của họ. Chỉ khi có chính sách lương bổng thỏa đáng, xứng đáng và mang tính động viên, thì lúc ấy mới có thể nói tới khả năng thu hút những người giỏi vào ngành giáo chức. Có thầy cô giỏi thì mới có học sinh giỏi.

Kinh nghiệm ở những nước như Đức, Nhật Bản hay Hàn Quốc là chính nhờ nhà nước thực sự tôn trọng ngành giáo dục và trả lương cao cho giáo viên (cao hơn cả những người làm việc cho các đại công ty) ngay từ những thời kỳ suy tàn và đói khổ sau năm 1945, mà họ mới có được những vốn liếng học vấn cũng như một tiềm lực xã hội để phát triển kinh tế mạnh mẽ sau này. Cần quan niệm rằng trả lương cho nhà giáo thực ra chính là đầu tư cho tiền đồ của đất nước.

 

Bảng 1. Mức thu nhập của giáo viên từ nhà trường

Dưới 1 triệu đồng

1,5%

1 – 1,5 triệu đồng

18,8%

1,5 – 2 triệu đồng

32,8%

2 – 2,5 triệu đồng

25,2%

2,5 – 3 triệu đồng

12,9%

3 – 4 triệu đồng

5,5%

4 triệu đồng trở lên

3,0%

 

 

Bảng 2. Lương chính và các loại phụ cấp bình quân của một giáo viên phổ thông, phân theo thâm niên

(Đvt: đồng/tháng)

Thâm niên trong ngành giáo dục

a. Lương chính

b. Phụ cấp

c. Dạy tăng tiết, dạy thêm trong trường

Tổng thu nhập tại nhà trường

0 – 5 năm

1.062.533

347.317

103.095

1.477.137

6 – 10 năm

1.246.151

481.713

117.885

1.820.863

11 – 15 năm

1.400.985

503.743

227.412

2.120.778

16 – 20 năm

1.579.897

549.141

210.328

2.343.273

21 – 30 năm

1.821.368

540.329

248.297

2.602.890

31 – 40 năm

2.022.796

651.818

264.087

2.954.720

Bình quân

1.421.832

483.334

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới