Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đủ đường bắt chẹt nhà xuất khẩu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đủ đường bắt chẹt nhà xuất khẩu

Khách hàng nước ngoài hay kêu ca chuyện hàng tới cảng nhập bị thiếu hụt quá nhiều trong khi các nhà xuất khẩu cũng chẳng hiểu nguyên nhân. Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Sau bài “Lỗi là do… con chuột” đăng trên TBKTSG số 51-2008, ra ngày 11-12-2008, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã điện thoại, gửi e-mail tới người viết, phản ánh thêm cách làm của một số hãng tàu và cảng theo kiểu “khách hàng luôn luôn sai”, dù rằng hiện nay cước phí vận tải biển đã giảm mạnh còn các cảng ở TPHCM thì không còn cảnh tắc nghẽn hàng hóa.

Hãng tàu phủi trách nhiệm

Công ty D hôm 16-12 tá hỏa khi nhận vận đơn của hãng tàu M. cho lô hàng 12 container cà phê nhân xuất đi Mỹ khi mà số seal của một container (tức là số kẹp chì sau khi đóng hàng vào container của hãng tàu) ghi trên vận đơn khác với số seal trên thực tế.

Nếu hãng tàu M không sửa lại vận đơn hay in vận đơn mới thì đồng nghĩa với việc hải quan Mỹ có thể từ chối không cho nhập vào Mỹ, gây thiệt hại lớn cho công ty. Nhẹ hơn thì hải quan cho nhập nhưng bắt nhà xuất khẩu phải đóng đủ thứ phí từ chi phí gắp container từ trên tàu xuống cảng, rồi chi phí mở container kiểm tra hàng… để đối chiếu.

Giám đốc công ty D tức tốc điện thoại tới hãng tàu M và gửi e-mail chứng minh rằng hãng tàu đã ghi sai số seal trên vận đơn, yêu cầu hãng tàu hoặc sửa lại số seal (có đóng dấu vào chỗ sửa) hoặc làm lại vận đơn mới để kịp gửi cho người mua trước khi tàu đến cảng trung chuyển Singapore.

Tất nhiên, hãng tàu M chấp nhận làm lại vận đơn mới nhưng bắt nhà xuất khẩu phải chờ ít nhất 8 tới 24 giờ, vì vận đơn của hãng này phải làm qua mạng, qua văn phòng khu vực đặt tại Manila, Philippines.

Ông H., giám đốc công ty D tức anh ách khi hãng tàu ghi sai số seal trên vận đơn mà nhân viên của hãng tàu này tại Việt Nam lại đòi công ty của ông phải đóng phí làm lại vận đơn tới 300.000 đồng. Ông càng tức hơn khi hãng tàu gửi e-mail phản hồi, đại ý: “Chúng tôi đồng ý xác nhận thông tin cập nhật do quý công ty yêu cầu và trong trường hợp có trục trặc xảy ra ở cảng tiếp nhận hàng, chúng tôi không chịu bất cứ trách nhiệm nào”.

“Họ sai nhưng bao giờ cũng “tính phí” cho nhà xuất khẩu, thậm chí phủi trách nhiệm vì họ thừa biết nếu nhà xuất khẩu chúng tôi không đóng vài trăm ngàn phí làm vận đơn mới thì những trục trặc, thiệt hại sẽ lớn gấp trăm ngàn lần”, ông H. bức xúc nói và cho biết gần như chủ hàng xuất khẩu nào cũng “ngậm bồ hòn làm ngọt” với hãng tàu khi bị hãng tàu “tính phí”.

Không chỉ công ty D mà hàng loạt nhà xuất khẩu lâu nay cũng thường phàn nàn chuyện hãng tàu “tính phí” làm lại vận đơn hay sửa vận đơn, theo kiểu cứ mỗi khi có trục trặc trong bộ chứng từ giữa hãng tàu và nhà xuất khẩu thì “nhà xuất khẩu luôn luôn sai”.

Cảng: 25 tấn cân thành 5 tấn

Hơn một năm qua, cái cân điện tử sau cánh cổng của cảng C đã tạo sự yên tâm cho các nhà xuất khẩu, vì thời gian qua, cơ quan công an đã phát hiện nhiều băng, nhóm chuyên trộm cắp hàng hóa xuất khẩu đóng trong container trong quá trình vận chuyển container từ kho hàng của doanh nghiệp ra bãi hạ container ở cảng. Còn khách hàng nước ngoài thì than phiền chuyện hàng tới cảng nhập bị thiếu hụt quá nhiều mà chính các nhà xuất khẩu cũng chẳng hiểu nguyên nhân.

Thế nhưng cái cân điện tử ở cảng C lại gây không ít phiền toái. Về nguyên tắc, sau khi xe kéo container vào cổng, có hải quan đứng ở cổng xem lại khối lượng hàng trong container thể hiện trong tờ khai hải quan có khớp với khối lượng qua bàn cân điện tử ngay sau cổng hay không. Nếu không đúng thì hải quan và cảng có quyền không cho gắp container hàng lên tàu.

Giám đốc một công ty xuất khẩu cho biết ông đóng hàng vào container tới 21 tấn hàng, cùng với vỏ container thì khối lượng qua bàn cân phải là 25 tấn, vậy mà cái cân của cảng C chỉ cân được có… 5 tấn. “Lo lắng lắm chứ, vì sợ có khi bị mất cắp trên đường đi”, vị giám đốc này nói và cho biết, để chắc ăn, phải cân lại lần nữa xem sao và lần cân thứ 2 thì đúng là 25 tấn. Khổ nỗi,lần cân thứ 2, cảng C bắt ông phải đóng phí cân lại 310.000 đồng.

Không hiểu sao cái cân điện tử của cảng C lại sai rất vô chừng, có khi đoàn xe kéo 6 container đi qua chỉ có 2 container bị sai và phải cân lại; có khi lô hàng hàng chục container thì không sai cái nào nhưng lô thứ 2 thì bị và doanh nghiệp chủ hàng nào cũng bị ít nhiều. “Tức anh ách, lẽ ra cân lần đầu không đúng mà cân lại lần 2 là đúng thì không lấy phí, đằng này cân lại lần 2 đúng khối lượng, sao lại bắt chúng tôi phải chịu?”, một doanh nghiệp xuất khẩu khác nói.

Hàng loạt nhà xuất khẩu đã gửi công văn phản hồi, yêu cầu lãnh đạo cảng C phải xem lại… cái cân. Tình hình căng thẳng tới mức vài tháng trước, cảng C phải tổ chức gặp gỡ với các chủ hàng để tranh luận về… cái cân điện tử. Cuối cùng, cảng C giải thích là cái cân bị trục trặc kỹ thuật!

“Cái cân lúc đúng lúc sai là vì “nó biết suy nghĩ ”, rằng nếu cân lại chúng tôi chỉ mất có vài trăm ngàn, còn nếu không cân lại, không đưa được container lên tàu tới tay nhà nhập khẩu, chúng tôi sẽ mất nhiều hơn, thiệt hại lớn hơn rất nhiều”, một cán bộ giao nhận hay áp tải hàng tới cảng C nói vui.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới