Thứ Bảy, 27/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Gạo Ấn Độ hết đường xuất khẩu do lệnh phong tỏa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Gạo Ấn Độ hết đường xuất khẩu do lệnh phong tỏa

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Các công ty xuất khẩu gạo ở Ấn Độ đã dừng ký hợp đồng xuất khẩu mới khi lệnh phong tỏa trên toàn quốc dẫn đến thiếu hụt lao động, đặc biệt là tài xế xe tải và tình trạng gián đoạn hậu cần kho vận.

Gạo Ấn Độ hết đường xuất khẩu do lệnh phong tỏa
Công nhân phơi lúa ở nhà một nhà xay xát gạo ở vùng ngoại ô của TP. Kolkata, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Thiếu nhân lực vận chuyển gạo

Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, không cấm xuất khẩu gạo nhưng hoạt động xuất khẩu mặt hàng lương thực này đang bị đình trệ sau khi Thủ tướng Narendra Modi ra lệnh phong tỏa toàn quốc trong 3 tuần bắt đầu từ ngày 24-3 để kiểm soát đà lây lan của dịch Covid-19. Theo lệnh này, 1,3 tỉ dân Ấn Độ phải ở nhà và chỉ được phép đi ra ngoài vì các dịch vụ thiết yếu.

“Xuất khẩu gạo đã dừng lại vì hoạt động chuyển gạo trở nên rất khó khăn do lệnh phong tỏa. Các tài xế xe tải và các lao động khác không có sẵn tại các nhà máy gạo và cảng”, Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ (REA), nói.

Bốn nhà xuất khẩu gạo hàng đầu của Ấn Độ cho biết các công ty kinh doanh gạo của Ấn Độ đã ngừng chào giá cho khách hàng ở nước ngoài vì họ không chắc chắn khi nào họ có thể vận chuyển hàng các lô hàng. Prem Garg, Chủ tịch Tập đoàn xuất khẩu thực phẩm Shri Lal Mahal (Ấn Độ), vốn đang xuất khẩu gạo tới hơn 44 nước, cho biết khối lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã giảm 4-5 lần.

Theo các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, có khoảng 100.000 tấn gạo basmati (loại gạo thơm, hạt dài ở Ấn Độ) và  400.000 tấn gạo non-basmati (các loại gạo khác không phải basmati) dự kiến giao cho khách hàng nước ngoài trong tháng 3 và tháng 4, đang bị mắc kẹt tại các cảng hoặc đang tạm thời bị gác lại do lệnh phong tỏa. Ấn Độ chủ yếu bán gạo non-basmati sang Bangladesh, Nepal,  Belarut và Senegal, và bán gạo basmati cao cấp cho Iran, Saudi Arabia và Iraq.

Khi Campuchia, Việt Nam và Myanmar hạn chế xuất khẩu gạo, nhu cầu gạo Ấn Độ tăng mạnh nhưng các thương nhân ở nước này không thể ký các hợp đồng mới, theo ông Nitin Gupta, Phó Chủ tịch phụ trách mảng kinh doanh gạo của Công ty Olam India.

Hôm 2-4, một quan chức của Bộ Thương mại Myanmar cho biết bộ này tạm dừng cấp giấy phép xuất khẩu gạo để cải thiện cơ chế xuất khẩu. Trong khi đó, Campuchia thông báo bắt đầu từ ngày 5-4, nước này tạm dừng xuất khẩu gạo trắng và lúa nhằm bảo đảm nguồn cung trong nước trong thời kỳ dịch bệnh.

Trong quí 1, Campuchia đã xuất khẩu 101.345 tấn gạo sang Trung Quốc, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này chiếm 44% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Campuchia từ đầu năm đến nay.

Việc xuất khẩu gạo của Ấn Độ bị trình trệ đã cho phép các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan gia tăng xuất khẩu gạo thời gian ngắn và kéo giá lên trên toàn cầu, buộc hàng triệu người tiêu dùng nghèo ở châu Phi phải trả mua gạo với giá cao hơn.

Tuần trước, giáo gạo trắng 5% tấm xuất khẩu của Thái Lan (giá chuẩn của gạo xuất khẩu ở châu Á) đã lên mức 564 đô la/tấn, tăng hơn 25% kể từ đầu năm và đang ở mức cao nhất trong 7 năm. Trước khi áp lệnh phong tỏa, Ấn Độ chào bán gạo đồ (parboiled rice) 5% tấm với mức giá khoảng 365 đô la/tấn. Thái Lan hiện đang cung cấp cùng loại gạo với mức giá khoảng 540 đô la tấn/tấn. Gạo đồ là loại gạo thu được từ thóc được ngâm nước nóng hoặc sấy trong hơi nước rồi phơi khô sau đó mới được gia công chế biến qua các công đoạn chế biến khác như xay xát, đánh bóng.

Lệnh phong tỏa sẽ kéo dài bao lâu?

Xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong năm 2019 giảm 18,1% so với năm trước đó, xuống mức 9,87 triệu tấn, thấp nhất trong 8 năm qua, do nhu cầu của các khách hàng chủ chốt ở châu Á và châu Phi giảm bớt.

Theo Bộ Nông nghiệp Ấn Độ, trong niên vụ 2019-2020, Ấn Độ có thể sản xuất 117,47 triệu tấn gạo nhưng mức tiêu thụ hàng năm ở thị trường nội địa chỉ khoảng 100 triệu tấn. Trong khi đó, lượng gạo trong các kho dự trữ của nhà nước đang ở mức 31 triệu tấn. Các nhà xuất gạo Ấn Độ tin rằng với vụ mùa bội thu, chính phủ sẽ không hạn chế xuất khẩu gạo trong thời gian tới.

Krishna Rao, Chủ tịch REA, nhận định với lượng gạo dự trữ thặng dư lớn, Ấn Độ sẽ tận dụng nhu cầu một khi lệnh phong tỏa kết thúc. Nitin Gupta, Phó Chủ tịch phụ trách mảng  kinh doanh gạo của Công ty Olam India, nói: "Sau khi lệnh phong tỏa kết thúc, nhu cầu mua gạo Ấn Độ sẽ rất lớn vì Ấn Độ đang có lợi thế hơn với mức chào giá cạnh tranh”.

Vijay Setia, Giám đốc công ty xuất khẩu gạo Chaman Lal Setia Exports, nhận định: “Ấn Độ không thâm hụt sản lượng và trong tương lai trước mắt, dường như không có lý do để lo ngại về an ninh lương thực. Chúng tôi có đủ thặng dư gạo để xuất khẩu”. Ông cảnh báo nếu lệnh phong tỏa kéo dài hoặc đại dịch Covid-19 lan rộng ở  các nước nhập khẩu gạo lớn, làm suy yếu nhu cầu, ngành lúa gạo Ấn Độ có thể chịu thiệt hại lớn.

Tuy nhiên, ông cũng lo ngại nếu tình hình bất ổn do dịch Covid-19 gia tăng và các thị trường nước ngoài đẩy mạnh tích trữ gạo, Ấn Độ có thể xem xét hạn chế xuất khẩu gạo.

Trong báo cáo mới công bố, Fitch Solutions cho rằng dù dự trữ gạo toàn cầu tương đối dồi dào và triển vọng thời tiết khá thuận lợi trong năm nay, các nước vẫn có thể hạn chế xuất khẩu gạo hoặc tăng dự trữ gạo nếu đại dịch Covid-19 kéo dài hơn dự kiến hoặc triển vọng vụ mùa xấu đi. Báo cáo lưu ý Ấn Độ từng hạn chế xuất khẩu gạo trong các tình huống tương tự trong quá khứ.

Câu hỏi hiện nay là liệu chính phủ Ấn Độ có dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào ngày 14-4 tới hay không sau khi thời hạn hiệu lực trong 3 tuần của lệnh này kết thúc. Trao đổi với Reuters, 3 quan chức cấp cao của chính phủ Ấn Độ cho biết điều này tùy thuộc vào các đánh giá tình hình dịch ở mỗi bang và lệnh phong tỏa sẽ tiếp tục duy trì ở những khu vực nơi mà số ca nhiễm Covid-19 còn tăng.

Hệ thống giao thông công cộng ở các thành phố lớn như Mumbai, Bengaluru và Delhi, có thể được khôi phục dần dần sau khi thời hạn phong tỏa ban đầu kết thúc. Rajesh Tope, Bộ trưởng Y tế của bang Maharashtra, nói: “Nếu người dân không nghiêm túc tuân thủ các quy định hạn chế đi ra đường và số ca nhiễm tiếp tục tăng, thì không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc kéo dài lệnh phong tỏa”.

Trong khi đó, hãng tư vấn quản lý toàn cầu Boston Consulting Group (Mỹ) dự báo Ấn Độ có thể chưa dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào ngày 14-4 tới. Báo cáo của Boston Consulting Group nói rằng Ấn Độ sẽ bắt đầu dỡ bỏ lệnh phong tỏa này trong khoảng thời gian từ tuần thứ 4 của tháng 6 và tuần thứ hai của tháng 9.

Theo Reuters, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới