Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Gây ấn tượng tốt khi dự phỏng vấn tuyển dụng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Gây ấn tượng tốt khi dự phỏng vấn tuyển dụng

Ngày hội việc làm tại Đại học QG TPHCM hồi tháng 6-2008. Ảnh: Tuấn Linh

(TBVTSG) – Một số bạn trẻ, nhất là “dân” công nghệ thông tin, khi tham dự các buổi phỏng vấn tuyển dụng thường gặp nhiều khó khăn trước các câu hỏi liên quan đến hành vi, thái độ trong công việc. Những kinh nghiệm dưới dây sẽ giúp các bạn vượt qua được những trở ngại ấy, để khẳng định mình trước nhà tuyển dụng.

Nhà tuyển dụng thường dùng một số kỹ thuật đặt câu hỏi để đánh giá ứng viên. Đây là những dạng câu hỏi gây áp lực để “đo lường” sự tự tin, tính xây dựng và tinh thần cầu tiến của bạn. Các câu hỏi thường được sử dụng là các dạng câu hỏi về điểm yếu cá nhân, sự thất bại, trách nhiệm hoặc những chứng minh về năng lực hay kinh nghiệm của bạn…

Câu hỏi về điểm yếu và sự thất bại: “Đâu là điểm yếu nhất của bạn?” hay “Hãy nói về một thất bại của bạn”… Trước những câu hỏi dạng này, nếu không tự tin bạn sẽ bối rối, thừa nhận, bào chữa hoặc đổ trách nhiệm cho người khác. Một ứng viên có bản lĩnh sẽ thể hiện năng lực cá nhân qua việc tạo tính chủ động trong cách trả lời. Ví dụ: “Tôi không có những thất bại bởi tôi rất chú trọng đến việc lập kế hoạch và tổ chức thực hiện công việc được phân công. Tôi luôn có sự kiểm tra vào những thời điểm cần thiết, nên khi có sự cố, tôi có thể kịp thời thay đổi hoặc điều chỉnh.”

Hoặc, bạn có thể chọn một giải pháp khác: “Có một số điều tôi không giỏi nhưng tôi không có khái niệm về điểm yếu nhất. Tôi luôn học hỏi từ đồng nghiệp, bạn bè, cấp trên để luôn tự hoàn thiện cá nhân mình”. Đối với những dạng câu hỏi nêu trên nếu bạn không biết cách giải quyết tốt, thì với việc đặt tiếp các câu hỏi sâu hơn, nhà tuyển dụng sẽ thấy rõ những hạn chế của bạn.

Câu hỏi về trách nhiệm: Đây là những câu hỏi đánh giá tính trách nhiệm của bạn thông qua những công việc trước đây. Với những dạng câu hỏi như: “Tại sao bạn lại rời bỏ công việc cũ?” hoặc “Vì sao bạn thường xuyên thay đổi công việc?”…, nếu là người thiếu trách nhiệm ứng viên sẽ tìm cách đổ trách nhiệm cho người khác hoặc doanh nghiệp cũ.

Doanh nghiệp không bao giờ muốn tuyển dụng những người luôn lảng tránh trách nhiệm. Một ứng viên tốt là người tìm cách thể hiện năng lực trong một môi trường mới. “Tôi đã sẵn sàng cho những thử thách mới” hoặc “Tôi đã trưởng thành và học hỏi nhanh hơn. Đó là lý do tôi tìm kiếm một cơ hội mới” hay tự tin hơn “Tôi đã có thêm nhiều kinh nghiệm tốt từ những môi trường làm việc trước đây và đã đến lúc tôi cần có một sự nghiệp nghiêm túc. Đó chính là lý do tôi hiện diện ở đây”…

Đó là những câu trả lời có thể gây ấn tượng tốt đối với nhà tuyển dụng.

Câu hỏi chứng minh: Mục đích của những câu hỏi dạng này là khai thác các thông tin liên quan đến công việc thể hiện qua kiến thức, kỹ năng và những kinh nghiệm mà bạn có được. Đây là dạng câu hỏi khó, nếu không có sự chuẩn bị tốt, bạn sẽ không thể trả lời và đưa ra các minh chứng thuyết phục trước nhà tuyển dụng. Nhà tuyển dụng sẽ đưa ra những câu hỏi dạng “đóng” như “Bạn có thể…” hay “Bạn có kinh nghiệm gì trong…”…

Câu trả lời của ứng viên là “có” hay “không” trong các lĩnh vực này, và tiếp theo là các câu hỏi đề nghị ứng viên cung cấp cơ sở như “Bạn có thể cho một ví dụ?”. Một ứng viên chỉ có thể trả lời tốt dạng câu hỏi này khi đã hiểu và có kinh nghiệm về công việc đang ứng tuyển. “Hiệu quả” của câu hỏi rất dễ nhận thấy ở các chức danh liên quan đến lĩnh vực kinh doanh, tài chính, dự án…

Bạn phải chuẩn bị tài liệu để minh chứng cho dạng câu hỏi này, hoặc tìm hiểu trước các thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất-kinh doanh, thị trường và đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp bạn liên hệ với kinh nghiệm của bản thân và thực tế của chức danh công việc mà mình ứng tuyển, thể hiện sự chuyên nghiệp trong công việc và tạo ấn tượng mạnh đối với người phỏng vấn.

Trong trường hợp bạn không có được cứ liệu, nếu có năng lực bạn sẽ trả lời: “Không, tuy nhiên…” và đưa ra các giải pháp hoặc đề nghị của mình, hoặc sử dụng các ý kiến chuyên môn của người khác để thuyết phục nhà tuyển dụng.

Tóm lại, đối với dạng câu hỏi này bạn phải chuẩn bị tốt các dữ liệu, có những kinh nghiệm cũng như năng lực nhất định. Một ứng viên tốt sẽ duy trì được sự kiểm soát, dành thời gian suy nghĩ và diễn tả câu trả lời theo hướng tích cực và không bị dẫn dắt bởi người phỏng vấn.

Câu hỏi để đánh giá khả năng và hành vi: Đây là dạng câu hỏi để đánh giá cách tiếp cận và giải quyết vấn đề của bạn. “Bạn làm điều đó như thế nào?”. Những câu hỏi dạng này được đưa ra để xem cách xử lý, đối phó, giải quyết một vấn đề từ một tình huống, một thách thức liên quan đến công việc của bạn như thế nào.

Câu hỏi có thể xuất phát từ kinh nghiệm của người phỏng vấn, một tình huống giả định, hoặc một tình huống thật từ doanh nghiệp. Đối với ứng viên có nhiều kinh nghiệm, họ có thể đặt vài câu hỏi ngược lại để đoán cách suy nghĩ và mong muốn của người phỏng vấn để có thể trả lời theo phong cách hay những kỳ vọng của người đặt câu hỏi, bởi vì theo tâm lý thông thường người ta chỉ thích những gì giống như họ.

Cách tiếp cận của người phỏng vấn cũng khác nhau rất nhiều tùy vào tố chất và môi trường làm việc. Người làm công tác nhân sự sẽ nồng nhiệt với những ứng viên trả lời liên quan đến cảm xúc, hành vi, sự thành thật, sự chính xác, những quy trình, cách giải quyết công việc có kế hoạch, có căn  cứ…

Tóm lại, đó là những “ngôn ngữ” của kế hoạch, tính công bằng và kỷ luật. Những người làm công tác kỹ thuật, tài chính-kế toán thường thích câu trả lời dạng chứng minh, với những mục tiêu, phương pháp, tính chính xác, những tiêu chuẩn, sự đo lường, những phân tích. Đó là “ngôn ngữ” của tính định lượng và sự chính xác. Trong lúc đó, tính hiệu quả, sự thuyết phục, nguồn cảm hứng, sự giúp đỡ, tinh thần đồng đội… là “ngôn ngữ” của những người làm kinh doanh.

Nếu bạn đoán được tâm lý của người phỏng vấn và đưa vào câu trả lời, thì tỷ lệ thành công sẽ là rất cao, vì quan điểm của bạn sẽ được chia sẻ.

CAO MINH NHỰT – Chuyên viên tư vấn nhân sự, CEO, Công ty Nhật Mỹ Laptop

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới