(KTSG Online) - Tất cả các địa phương đã xây dựng dịch vụ công trực tuyến liên thông trong việc thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai. Bình thường, thủ tục này của TPHCM phải mất 28 ngày nhưng các địa phương chỉ thực hiện khoảng 30 phút đến 1 tiếng.
Ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, đưa ra thông tin như trên tại Hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2022 và phân tích, đánh giá các chỉ số liên quan công tác cải cách hành chính năm 2021 của TPHCM được tổ chức ngày 12-8.
- TPHCM đẩy mạnh số hóa để rút ngắn thủ tục hành chính
- Thủ tướng: Giảm thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ các dự án ODA
Tại hội nghị, ông Nguyễn Duy Hoàng đề nghị TPHCM sớm hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử. Ông cho rằng việc này thành phố triển khai hơi chậm.
Theo vị Phó cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Chính phủ đã yêu cầu các địa phương xây dựng hệ thống đồng bộ cổng thông tin điện tử một cửa với Cổng thông tin quốc gia, để Thủ tướng hằng ngày theo dõi việc giải quyết thủ tục hành chính tại các đơn vị trên cả nước. Ông Hoàng lưu ý rằng hiện nay TPHCM làm rất chậm và manh mún.
"Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm, thành phố đã tiếp nhận và giải quyết khoảng 5,3 triệu hồ sơ, nhưng hiện nay trên hệ thống mà Thủ tướng theo dõi chỉ có 11.000 hồ sơ", ông Hoàng nói, và cho rằng: "Như vậy, với gần 5,3 triệu hồ sơ thì hoàn toàn lãnh đạo thành phố không kiểm soát được, chỉ mang tính chất qua báo cáo giấy".
Trên cơ sở báo cáo của Sở Nội vụ, hiện nay về cơ bản 100% hồ sơ được giải quyết đúng hạn, nhưng Thủ tướng theo dõi chỉ khoảng 63% hồ sơ là đúng hạn, tức 37% hồ sơ bị trễ hạn.
"Nhưng qua báo cáo giấy, hiện nay các cơ quan đơn vị trên địa bàn thành phố cho rằng 99,87% đúng hạn là không đúng, phản ánh rõ chất lượng giải quyết và phản ánh của người dân - doanh nghiệp", ông Hoàng đánh giá, và lưu ý rằng chỉ có 11.000 hồ sơ/5,3 triệu hồ sơ đã giải quyết trong 6 tháng đầu năm, còn lại trôi nổi bên ngoài, hoàn toàn không kiểm soát được, dẫn đến tình trạng báo cáo sai.
“Việc này phải hoàn thiện sớm để đảm bảo tất cả các hồ sơ, thủ tục hành chính phải được cập nhật vào phần mềm điện tử một cửa, phải đảm bảo đồng bộ trên cổng dịch vụ công để giúp lãnh đạo thành phố kiểm soát được toàn bộ quá trình”, ông Hoàng nói.
Ông Hoàng đề nghị thành phố tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để làm cơ sở cho việc xây dựng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 đảm bảo phù hợp, thân thiện, hiệu quả giúp người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hanh chính.
Hiện nay thành phố có khoảng 800 dịch vụ công trực tuyến nhưng chỉ có khoảng 22 dịch vụ kết nối với Cổng thông tin quốc gia, dẫn đến việc giải quyết thủ tục hành chính không rút ngắn được thời gian. Ông Hoàng cho rằng, về cơ bản, cổng dịch vụ công trực tuyến của TPHCM xây dựng là đơn lẻ, không có sự liên thông, liên kết giữa các cơ quan dẫn đến việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp không đảm bảo kết quả, không rút ngắn được thời gian.