Thứ Ba, 14/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hãy vì quyền lợi nhà đầu tư!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hãy vì quyền lợi nhà đầu tư!

Hai nhà đầu tư đang mở tài khoản giao dịch ở Công ty Chứng khoán Vincom -Ảnh: ÁNH TUYẾT

(TBKTSG)- Theo quy định, ngày 1-10-2008 là hạn chót việc quản lý tiền của nhà đầu tư chứng khoán phải được chuyển cho ngân hàng. Tuy nhiên nhiều công ty chứng khoán vẫn lần lữa, viện cớ quá trình đầu tư cho công nghệ chưa hoàn tất, nối mạng giữa chứng khoán – ngân hàng chưa thông.

Việc mở tài khoản của nhà đầu tư ở những công ty chứng khoán mới thành lập hoặc ở những công ty chứng khoán có vốn 100% của ngân hàng mẹ không hề phức tạp như nhiều người nghĩ.

Các công ty chứng khoán mới thành lập chọn một ngân hàng liên kết (những công ty chứng khoán của ngân hàng tất nhiên chọn ngân hàng mẹ) và khi mở tài khoản giao dịch, nhà đầu tư đồng thời được cung cấp một tài khoản ở ngân hàng. Tài khoản này giống như tài khoản cá nhân, ngoài giao dịch chứng khoán, chủ tài khoản có thể dùng thanh toán nhiều giao dịch khác. Khi đặt lệnh mua chứng khoán, công ty chứng khoán chỉ cần kiểm tra tài khoản của khách hàng ở ngân hàng, nếu có tiền, lệnh mua sẽ được thực hiện. Muốn kiểm tra tiền bán chứng khoán về chưa, nhà đầu tư cũng chỉ cần kiểm tra tài khoản ở ngân hàng là biết.

Trước đây, các công ty chứng khoán thường mở tài khoản ở nhiều ngân hàng. Nhà đầu tư phải biết số tài khoản của công ty chứng khoán mở ở ngân hàng nào, chuyển tiền vào đó, và trong phần nội dung của ủy nhiệm chi ghi rõ chuyển tiền vào tài khoản của ai, số bao nhiêu, số chứng minh nhân dân… Khi công ty chứng khoán nhận được tiền, căn cứ vào nội dung chuyển, họ sẽ “cắt” tiền vào tài khoản của nhà đầu tư mở ở công ty chứng khoán. Khi cần rút tiền, nhà đầu tư hoặc đến rút trực tiếp ở công ty chứng khoán, hoặc chuyển tiền từ tài khoản của mình ở công ty chứng khoán vào tài khoản của công ty chứng khoán ở ngân hàng, rồi ngân hàng chuyển tiền sang tài khoản của nhà đầu tư ở cùng ngân hàng hoặc ngân hàng khác.

Thực ra với một số công ty chứng khoán, quy trình trên không quá phức tạp. Phức tạp là ở chỗ nhiều khi nhà đầu tư đã chuyển tiền vào tài khoản của công ty chứng khoán rồi, mà công ty chậm “cắt” vào tài khoản cho nhà đầu tư, nên tiền không có trong tài khoản, việc đặt lệnh mua bán khó thực hiện. Quan trọng hơn, khi việc khớp lệnh không thành công, tiền của nhà đầu tư để ở công ty chứng khoán có thể bị công ty lạm dụng, sử dụng ứng trước hay cho nhà đầu tư khác vay. Còn nếu ngân hàng quản lý tiền của nhà đầu tư, tiền của họ vẫn nằm trong tài khoản trong trường hợp giao dịch chứng khoán không thành công, và nhà đầu tư có thể yêu cầu chuyển số tiền đó thành tiết kiệm qua đêm (24 giờ) để hưởng một mức lãi suất cao hơn lãi suất không kỳ hạn.

Ở một số công ty chứng khoán, số tiền dư của nhà đầu tư để trong tài khoản tại công ty chứng khoán sẵn sàng cho phiên giao dịch hôm sau có thể lên đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng vào thời điểm thị trường nhộn nhịp. Việc có được số tiền huy động không kỳ hạn này là một nguồn lợi đáng kể. Song quản lý tiền như thế liệu có phải là chức năng của công ty chứng khoán?

Suốt thời gian qua đã có những lập luận rằng công ty chứng khoán cũng là định chế tài chính và có quyền quản lý tiền của nhà đầu tư như các tổ chức tín dụng. Đó phải chăng là sự “nhầm lẫn” cố ý? Trên thực tế, tiền của nhà đầu tư ở công ty chứng khoán vẫn nằm ở ngân hàng, nhưng chủ thể hưởng lợi không phải nhà đầu tư mà là công ty chứng khoán. Trong khi đó kinh doanh tiền tệ không thuộc chức năng của công ty chứng khoán. Nó là chức năng của ngân hàng.

Liên quan đến việc tách bạch tiền gửi của nhà đầu tư tại ngân hàng, mới đây trong Công văn số 1888 ngày 17-9-2008, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu công ty chứng khoán mở một tài khoản tổng tại ngân hàng cho tất cả các nhà đầu tư. Việc rút hay nộp tiền thực hiện qua ngân hàng, công ty chứng khoán đóng vai trò kế toán tiền gửi và được phép sử dụng số tiền này. Điểm mới của quy định này so với trước đây chỉ là tiểu tiết: thay bằng đến công ty chứng khoán nộp tiền trực tiếp vào tài khoản của mình ở công ty chứng khoán, nhà đầu tư có thể đến ngân hàng nộp tiền trực tiếp hoặc chuyển khoản vào tài khoản tổng của công ty chứng khoán, chứ không phải nộp vào tài khoản cá nhân của họ ở ngân hàng.

Về bản chất, quy định mới này không khác so với trước. Ngoài việc tiền của nhà đầu tư có thể tiếp tục bị công ty chứng khoán lợi dụng sử dụng sai mục đích, nếu có tranh chấp, ngân hàng sẽ khó gánh chịu trách nhiệm trước nhà đầu tư. “Anh chuyển tiền vào tài khoản của công ty chứng khoán, đâu có chuyển vào tài khoản của anh. Chúng tôi chỉ đảm bảo tiền đến đúng tài khoản, còn tiền đó có vào tài khoản của anh ở công ty chứng khoán không và vào lúc nào, được dùng làm gì, làm sao chúng tôi biết” – ngân hàng hoàn toàn có thể trả lời như thế.

Vì thế, không thể chậm trễ hơn nữa việc tách bạch và quản lý tiền gửi của nhà đầu tư tại ngân hàng. Để việc chuyển tiền của ngân hàng nhanh hơn, Ngân hàng Nhà nước cho biết đang phối hợp với Ủy ban Chứng khoán xây dựng, triển khai Đề án quyết toán tiền giao dịch chứng khoán. Theo đề án này, hệ thống quyết toán chứng khoán sẽ kết nối với hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng. Như vậy tốc độ thanh toán, chuyển tiền giữa các ngân hàng sẽ được cải thiện, kể cả thanh toán tức thời. Đây sẽ là tiền đề cho việc cho phép nhà đầu tư mở nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán tại nhiều công ty chứng khoán khác nhau và tài khoản cá nhân phục vụ cho giao dịch chứng khoán ở nhiều ngân hàng khác nhau.

HẢI LÝ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới