Thứ Ba, 14/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kéo dài bảo hộ không thể cứu ngành mía đường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kéo dài bảo hộ không thể cứu ngành mía đường

Trung Chánh

Kéo dài bảo hộ không thể cứu ngành mía đường
Thu hoạch mía ở Hậu Giang. Ảnh: TRUNG CHÁNH

(TBKTSG) – Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) kiến nghị Chính phủ kéo dài thời gian xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu đường đến năm 2022, thay vì sẽ thực hiện từ đầu năm 2018 như cam kết trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Muốn tiếp tục được bảo hộ

Hiệp định ATIGA được ký kết vào tháng 2-2009, có hiệu lực từ ngày 17-5-2010. Thay vì hàng năm Việt Nam sẽ nhập khẩu một lượng đường nhất định trong hạn ngạch thuế quan theo cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới – WTO (năm 2017, lượng đường trong hạn ngạch thuế quan của Việt Nam nhập khẩu theo cam kết WTO là 89.500 tấn), thì kể từ đầu năm sau, theo cam kết của ATIGA, Việt Nam sẽ xóa bỏ hạn ngạch.

Một câu hỏi được đặt ra là kiến nghị kéo dài thời gian xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu đường nói trên có trái với cam kết ATIGA hay không. Trao đổi với TBKTSG, ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký VSSA, cho rằng trái thì không trái vì trong tất cả các hiệp định thương mại tự do đều có những điều khoản đàm phán lại được. “Trong ATIGA có những điều khoản còn “mạnh bạo” hơn nữa. Chẳng hạn, mình đã áp dụng rồi, mà nếu khó khăn, khủng hoảng vì lý do thực hiện hiệp định đó, thì mình có thể đề đạt lên hội đồng để điều chỉnh lại những điều khoản cần thiết. Nó có những điều khoản đó, huống gì cái này là mình chưa áp dụng”, ông Hải nói.

Ông Trần Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (CASUCO), cho biết khi hạn ngạch nhập khẩu đường bị xóa bỏ và thuế chỉ ở mức 5% thì bản thân doanh nghiệp và người nông dân sống dựa vào cây mía.

Tuy nhiên, thử hỏi trong khoảng thời gian từ khi ATIGA bắt đầu có hiệu lực cho đến nay, tức đã hơn bảy năm trôi qua – khi ngành mía đường còn được bảo hộ – ngành hàng này đã làm gì để nâng cao sức cạnh tranh, mà bây giờ vẫn ngỡ ngàng trước ngưỡng cửa “lá chắn” bảo hộ bị dỡ bỏ.

Không nên tiếp tục bảo hộ ngành mía đường bằng cách giữ hạn ngạch nhập khẩu thông qua đàm phán lại với đối tác trong ATIGA. Như thế không những khiến doanh nghiệp, ngành hàng này “ỷ lại”, mà còn làm mất uy tín của Việt Nam liên quan đến những gì đã cam kết.

Liên quan vấn đề nêu trên, GS.TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu mía đường Tây Ninh của tập đoàn Thành Thành Công, cho rằng không nên tiếp tục bảo hộ ngành mía đường bằng cách giữ hạn ngạch nhập khẩu thông qua đàm phán lại với đối tác trong ATIGA. Bởi, như thế không những khiến doanh nghiệp, ngành hàng này “ỷ lại”, mà còn làm mất uy tín của Việt Nam liên quan đến những gì đã cam kết.

Cứu ngành mía đường bằng cách nào?

Ông Xuân nói rằng, nhìn nhận một cách khách quan, ngành mía đường Việt Nam cũng đã có sự phát triển trong thời gian qua, nhưng vẫn không thể cạnh tranh nổi với ngành mía đường của Thái Lan và một số nước khác. “Vấn đề sống còn của mình bây giờ là phải cạnh tranh được”, ông nhấn mạnh.

Dẫn chứng về điểm yếu này, ông Xuân chỉ ra rằng, một điều thấy rất rõ hiện nay là đường của Thái Lan vào tới biên giới Việt Nam có giá chỉ 8.000 đồng/ki lô gam, trong khi đường trong nước vừa mới ra lò giá vốn đã tới 12.500 đồng/ki lô gam. Đây cũng chính là lý do khiến đường nhập lậu từ Thái Lan liên tục xâm nhập vào Việt Nam.

“Tại sao đường của Việt Nam có giá cao như thế?”, ông Xuân nêu câu hỏi và cho rằng có ba nguyên nhân cơ bản.

Thứ nhất, về mặt kỹ thuật trồng trọt, một tấn mía của Brazil, nước sản xuất mía đường tốt nhất thế giới, có giá thành chỉ 16 đô la Mỹ/tấn; của Úc là 18-20 đô la Mỹ; của Thái Lan là 30 đô la Mỹ/tấn; trong khi của Việt Nam là 50 đô la Mỹ. “Thành ra, riêng vấn đề nguyên liệu đã đưa giá thành của mình lên gấp 3 lần so với của Brazil, gấp 1,5 lần so với của Thái Lan rồi”, ông nói.

Thứ hai, về phía các nhà máy sản xuất đường, thiết bị chế biến, hiệu suất cũng còn nhiều hạn chế, sản lượng đường chế biến ra thấp hơn so với các nước.

Thứ ba, đa số các nhà máy đường của Việt Nam đã tư nhân hóa. “Cổ đông của doanh nghiệp muốn có lời nhiều, thành thử, nó khiến giá đường của mình khi đưa ra thị trường là rất cao”, ông giải thích.

Cho nên, vấn đề cần thay đổi ngay bây giờ, theo ông Xuân, là phải kéo giá nguyên liệu xuống, bởi đây là khâu quan trọng nhất khiến giá thành đường trong nước cao hơn đối thủ cạnh tranh.

Để làm được việc này, không còn cách nào khác là phải thực hiện dồn điền đổi thửa, tạo ra những cánh đồng quy mô lớn (100 héc ta, thậm chí vài ngàn héc ta) để cơ giới hóa. Như vậy sẽ giảm được chi phí còn 50% so với cách làm hiện nay. Điều này đã được minh chứng hiệu quả với trường hợp của nông dân tỉnh Quảng Ngãi. “Ban đầu, nói dồn điền, đổi thửa người ta rất sợ, không muốn làm, nhưng tỉnh Quảng Ngãi “ép” phải làm và cam kết nếu năng suất mía thấp hơn thì địa phương sẽ đền bù, còn cao hơn thì nông dân hưởng”, ông Xuân cho biết.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Hùng của CASUCO cho biết, nếu Chính phủ có chính sách phù hợp để hỗ trợ cho doanh nghiệp và nhất là cho người nông dân thì doanh nghiệp sẵn sàng… hội nhập. “Thực tế khi hội nhập, người nông dân chịu ảnh hưởng rất lớn vì trong cơ cấu giá đường hiện nay, đến 70-80% do giá mía nguyên liệu quyết định. Mà mía toàn là của nông dân, doanh nghiệp chỉ góp một phần tạo thêm giá trị cho cây mía mà thôi”, ông Hùng nói.

Cách thức triển khai dồn điền đổi thửa ở Quảng Ngãi, ông Xuân kể, đầu tiên là nhà máy đường sẽ đứng ra đo diện tích của từng hộ nông dân trong khu vực thực hiện dồn điền, đổi thửa. Sau đó, đưa cơ giới vào làm cho đất bằng phẳng rồi chia đất lại cho mọi người, tức trước đó hộ nào diện tích bao nhiêu mét vuông thì được chia lại đúng như vậy. “Nhưng trước khi chia, nhà máy đường sẽ đưa cơ giới vào trồng sẵn mía và bón phân tất cả mọi thứ cho bà con nông dân. Tới khi thu hoạch, nhà máy sẽ thu hoạch chung hết rồi chia ra mỗi mét vuông thu được bao nhiêu mía. Như vậy, ông nông dân nào có diện tích bao nhiêu, thì cứ thế nhân lên”, ông Xuân giải thích. Sau khi thu hoạch, nông dân nào cũng thấy mía nhiều hơn trước, trong khi chi phí lại thấp hơn, vì vậy thu nhập tăng cao. “Thành ra bây giờ, các nơi cũng cần làm như Quảng Ngãi để hạ giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh, chứ bây giờ mình làm hết tất cả các khâu như tôi đã nói ở trên bằng cách làm thủ công, thì làm sao kéo giá thành xuống được”, ông gợi ý.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới