(KTSG) - Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và các công ty lớn của Việt Nam đang chú trọng hơn khả năng giao tiếp hiệu quả, tập trung kỹ năng nghe và nói của nhân viên người Việt Nam. Hiện CEFR được các doanh nghiệp chuộng hơn so với IELTS, TOEIC hay TOEFL... trong tuyển dụng và đào tạo quản lý cấp trung.
- Chứng chỉ tiếng Anh PEIC được công nhận trong tuyển sinh đại học
- Thêm đơn vị tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Cambridge và Tiếng Nhật JLPT
CEFR (Common European Framework of Reference for Languages) tức Khung tham chiếu năng lực ngôn ngữ chung châu Âu là một tiêu chuẩn quốc tế nhằm đánh giá khả năng sử dụng ngôn ngữ của người học theo sáu cấp bậc từ A1 (giới thiệu cơ bản), A2 (trao đổi thông tin trực tiếp), B1 và B2 (giải thích kế hoạch), C1 (sử dụng ngôn ngữ linh hoạt), và C2 (diễn đạt ngôn ngữ rất trôi chảy). Thông thường, mỗi cấp độ cần lượng thời gian luyện tập nhất định, khoảng 100-300 giờ học, tùy theo năng lực ngôn ngữ của học viên.
Chuẩn mới để tuyển quản lý cấp trung
Ông Võ Hoàng Nam, nhà sáng lập kiêm CEO của Axcela, nói với Kinh tế Sài Gòn rằng thông thường nhà tuyển dụng trong và ngoài nước sẽ đòi hỏi trình độ B1 hoặc B2 đối với các vị trí quản lý cấp trung. Khi Intel mở nhà máy ở Việt Nam, hãng chip Mỹ đã tuyển đại trà theo khả năng và trình độ chuyên môn của ứng viên trước, tiếp đến Intel mới lên kế hoạch đào tạo tiếng Anh cho các ứng viên trúng tuyển.
Và đây là thị trường lớn cho các công ty như Axcela, chuyên cung cấp dịch vụ đào tạo ngôn ngữ cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước (B2B) và đào tạo trực tiếp cho học viên có nhu cầu (B2C).
Thị trường B2B được chia làm hai nhóm, vị CEO giải thích. Nhóm thứ nhất là các doanh nghiệp lớn trong nước như Petro Vietnam, VNPT, EVN, PNJ và VNG... có ngân sách dành cho đào tạo, mong muốn nâng chất lượng các kỹ năng tiếng Anh của nhân viên. Nhóm thứ hai là các doanh nghiệp FDI trong các lĩnh vực công nghệ hay xuất khẩu vốn sử dụng tiếng Anh thường xuyên trong công việc như Coca Cola, Microsoft hay Intel. Kế đến là những công ty may mặc, giày da làm gia công cho Adidas, Nike và các thương hiệu thời trang lớn. Hoặc trước khi thâu tóm một công ty nước ngoài, một tập đoàn Việt Nam đã quyết định nâng cao kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh cho đội ngũ nhân sự. Dĩ nhiên cũng từ nhân sự quản lý cấp trung trở lên - ông Võ Hoàng Nam giải thích.
Vị CEO Axcela cho biết TPHCM, Hà Nội và Vũng Tàu là những nơi có đội ngũ nhân sự nói tiếng Anh tốt hơn. Trong khi, nhân sự ở các địa phương đang thu hút dòng vốn FDI như Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai và Long An lại kém tiếng Anh hơn. Doanh nghiệp cũng rất thực dụng trong tuyển dụng và đào tạo tiếng Anh. Đội ngũ bán hàng tiếp thị sẽ được chú trọng đào tạo kỹ năng tiếng Anh trước so với đội ngũ kỹ thuật viên hay văn phòng.
“Ngày càng nhiều các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng phạm vi kinh doanh ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Các tập đoàn đa quốc gia cũng luân chuyển nhân viên đi nhiều nước. Vì thế kỹ năng giao tiếp hiệu quả, đặc biệt là nghe và nói, được chú trọng”, CEO Axcela nói.
Điểm IELTS cao chưa chắc là giao tiếp hiệu quả
Thường các trung tâm luyện thi IELTS sẽ khuếch trương, quảng bá mạnh mẽ với các giáo viên có điểm IELTS rất cao, từ 8-8,5 điểm, có nơi có giáo viên nhiều lần đạt điểm 9 sau hơn 20 lần đi thi.
Điểm IELTS cao, không có nghĩa là mọi kỹ năng ngôn ngữ đều hoàn hảo như người bản ngữ. Bởi ngay cả người bản ngữ vẫn có thể sai và không đạt điểm tuyệt đối trong các kỳ thi IELTS, nhưng không có nghĩa là họ dở tiếng Anh.
Các đường dây chạy đề hay gian lận đề thi không phải là hiếm ở Trung Quốc. Hiện chưa thể khẳng định những điều tương tự tại Việt Nam - theo TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc từ Đại học Kinh tế - Tài chính (UEF). “Kỹ năng nói và nghe chưa được chú trọng ở các cấp tại Việt Nam. Học viên thường giỏi ngữ pháp và đọc hiểu tốt hơn”, vị hiệu phó UEF nói.
Còn Võ Hoàng Nam từ Axcela nhận định, các kỳ thi IELTS chỉ là luyện các kỹ năng giải đề thi, không phải năng lực ngôn ngữ thực tế của thí sinh. Điều này thể hiện khá rõ ở thị trường Việt Nam và Trung Quốc.
Chính vì thế, đôi lúc các học viên có điểm IELTS rất cao, từ 8 điểm trở lên lại gặp nhiều tình huống khó đỡ khi học và làm việc ở nước ngoài, bởi không làm chủ ngôn ngữ trong các tình huống đối thoại.
Sự đồng đều về trình độ tiếng Anh, giao tiếp tốt như người bản ngữ của đội ngũ nhân sự tại Philippines và Ấn Độ đã giúp hai nước này hình thành ngành công nghiệp dịch vụ thuê ngoài (BPO) hay dịch vụ tổng đài (call centre), với quy mô thị trường lần lượt là hơn 32 tỉ đô la Mỹ và 28 tỉ đô la Mỹ. Các dịch vụ tổng đài lớn trên thế giới đều đặt tại hai nước này và giành hết các hợp đồng dịch vụ từ các thị trường nói tiếng Anh, phần lớn ở Mỹ, Anh, Úc và các nước nói cùng ngôn ngữ khác.
Một vài trung tâm BPO đang hoạt động tại TPHCM và vài nơi khác nhưng hiện chưa có trung tâm BPO 100% người Việt phục vụ các thị trường nói tiếng Anh. Một doanh nhân Canada gốc Việt cho biết ông đã đóng cửa dịch vụ tổng đài của mình cách đây gần 10 năm vì không đủ nhân sự giỏi nói và nghe tiếng Anh.
Giải quyết “nỗi đau” của thị trường…
Cách học đang tồn tại và phát triển ở Việt Nam hiện nay là giáo viên chỉ cầm theo cuốn sách và bám sát những thứ viết trong sách. Người học thiếu đam mê học, đến lớp chỉ vì áp lực phải giữ lấy công việc có thu nhập cao. Đến lượt, các trung tâm phải giảm thù lao giáo viên, giảm giá để giữ chân học viên. CEO Võ Hoàng Nam gọi đó là “nỗi đau” của những người dạy và học tiếng Anh hiện nay.
Không đủ năng lực tiếng Anh hoặc có đủ năng lực tiếng Anh nhưng đòi hỏi mức lương phi thực tế là những thất bại hay “nỗi đau” trong việc leo lên nấc thang chức vụ cao hơn của nhân sự người Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực nhà hàng và khách sạn.
CEO Lê Tuấn Linh của hãng lữ hành Phoenix Voyage đã từng giữ cương vị nhà quản lý cấp cao tại Tập đoàn Accor Hotel. Ông nói rằng người Philippines đang nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong ngành khách sạn và lữ hành của Việt Nam, bởi họ có cả chuyên môn và tiếng Anh. Một hãng du thuyền 5 sao trên tuyến Sài Gòn - Phnom Penh - Seam Reap cũng gặp tình hình tương tự, dễ tuyển nhân sự người Campuchia hơn. Bởi nhiều nhân sự Việt Nam giỏi tiếng Anh nhưng không giỏi chuyên môn hoặc có tiếng Anh tốt nhưng chuyên môn kém hơn và đòi hỏi mức lương cao hơn đồng sự người Campuchia.
Và các giáo viên tiếng Anh gốc Philippines cũng đang có phần lấn lướt trên thị trường dạy tiếng Anh tại Việt Nam. Ngoài số giáo viên dạy trực tiếp tại các trường phổ thông và đại học Việt Nam, các giáo viên tiếng Anh người Philippines cũng gây ảnh hưởng trên thị trường giáo dục trực tuyến. Một số giáo viên chỉ tính phí dạy trực tuyến khoảng 100.000 đồng/tiếng.
Đây cũng là báo hiệu cho giai đoạn cạnh tranh cực kỳ gay gắt khi các trung tâm dạy trực tuyến và trực tiếp lấy mốc 100.000 đồng làm cột mốc, tính thù lao giáo viên Việt thấp hơn giáo viên Philippines và giáo viên Philippines thì thấp hơn giáo viên bản xứ từ Anh, Mỹ, Úc, New Zealand hay Nam Phi hoặc từ các nước châu Âu như Pháp hay Séc.
Nhưng ít người để ý là Philippines cũng cực kỳ cạnh tranh trong các khóa du học tiếng Anh ngắn ngày. Các khóa học ở thủ đô Manila có giá từ 1.500-1.800 đô la Mỹ, gồm học phí, tiền ăn và ở mỗi tháng. Khi dời đến các thành phố nhỏ hơn thì học phí cũng giảm theo. Khoảng cách địa lý, thủ tục thuận lợi và chi phí rẻ là những lợi thế của Philippines trong việc thu hút các học viên từ Việt Nam.