Thứ Ba, 14/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khám thế này đủ chưa?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khám thế này đủ chưa?

BS. Lương Lễ Hoàng

(TBKTSG) – LTS: Sau khi TBKTSG đăng bài viết “Khám sức khỏe để làm chi?” của bác sĩ Lương Lễ Hoàng trên số báo ra ngày 20-5-2010, một công ty nước ngoài đã gửi đến tòa soạn những câu hỏi xoay quanh lợi ích của việc khám sức khỏe. TBKTSG đã đề nghị bác sĩ Lương Lễ Hoàng cho phổ biến câu trả lời vì các chi tiết đề cập trong câu hỏi chắc chắn cũng là nỗi trăn trở của nhiều độc giả khác.

Câu hỏi 1: Công ty chúng tôi có tổng số nhân viên là 48 người. Trong số đó, có sáu nam trên 40 tuổi, 12 nam dưới 40 tuổi, sáu nữ trên 35 tuổi đã có gia đình, 11 nữ dưới 35 tuổi đã có gia đình, 13 nữ dưới 35 tuổi độc thân. Tính chất công việc: nhân viên văn phòng (gồm hành chính và kinh doanh). Nhóm kinh doanh có đi công tác và thỉnh thoảng chiêu đãi khách hàng, nhưng không quá nhiều.

Năm 2009, nội dung chương trình khám sức khỏe tổng quát cho nhân viên bao gồm các mục sau:

1. Bệnh sử

2. Khám tổng quát: trạng thái tâm thần, đo chỉ số cơ thể, mắt, tai – mũi – họng, răng – hàm – mặt, hô hấp, tim mạch, cơ – xương – khớp, da liễu

3. Đo điện tâm đồ

4. Chụp X-quang phổi

5. Chụp X-quang cột sống thắt lưng

6. Siêu âm bụng tổng quát (trắng đen)

7. Siêu âm tuyến giáp (trắng đen)

8. Siêu âm và xét nghiệm dành cho nữ: soi tươi huyết trắng, khám phụ khoa, siêu âm vú + khám vú, phết tế bào tử cung

9. Đo loãng xương (dành cho nam trên 40 tuổi và nữ trên 35 tuổi)

10. Công thức máu toàn phần

11. Nhóm máu

12. Đường trong máu

13. Mỡ trong máu: Total Cholesterol, HDLc, LDLc, Triglycerid

14. Chức năng gan: SGPT, SGOT

15. Chức năng thận: BUN & Creatinin

16. Tầm soát bệnh viêm khớp (Gout)

17. Viêm gan siêu vi B kháng nguyên

18. Viêm gan siêu vi B kháng thể

19. Viêm gan kháng thể C

20. Tìm vi khuẩn bội nhiễm dạ dày Helicobacter Pylori

21. Tổng phân tích nước tiểu

22. Tư vấn bác sĩ sau khi có kết quả khám tổng quát và xét nghiệm

Danh mục khám như vậy đã phù hợp chưa, cần thay đổi, bổ sung và lưu ý những gì?

BS. Lương Lễ Hoàng: Rất vui khi biết được có công ty nước ngoài lo lắng cho sức khỏe của nhân viên xứ mình. Danh mục khám sức khỏe được trải rất rộng, nghĩa là tốn kém. Đáng nói là trong tiếng Việt, hai tiếng “đầy đủ” rất thâm thúy, đầy không chưa hay mà đồng thời phải đủ mới khéo. Đầy thường dễ dư nhưng cũng có khi thấy đầy mà thiếu mới đáng tiếc!

Thí dụ cụ thể: muốn đánh giá men gan cần đến ba loại là SGOT, SGPT và GGT. Loại thứ ba lại thiếu trong chương trình khám sức khỏe! Loại men này lại phản ánh tác hại của độ cồn trên chức năng gan và vì thế khá quan trọng với người khi giao tiếp phải chén chú chén anh.

Ngay cả trong trường hợp đầy mà thừa cũng không hẳn là hay. Chẳng hạn, nếu đối tượng không có vấn đề với cột sống thì không việc gì phải chụp hình đốt sống thắt lưng! Nên hiểu là việc phơi thân trước tia X nên được giới hạn tối đa. Mặt khác, nếu đã chụp cột sống, tại sao không tùy mỗi đối tượng mà chụp cột sống cổ hay thắt lưng, hay ngay cả khớp khác, việc gì phải đại trà cứ như ai cũng đau lưng?

Nếu nam giới không có vấn đề với tuyến giáp, thường rất hiếm, việc gì phải siêu âm tuyến giáp cho đàn ông. Thay vì thế nên tập trung vào chuyện trần tục hơn, nhưng thiết thực hơn, như khám tuyến tiền liệt cho đàn ông, khám trĩ cho cả hai giới, thay vì đo loãng xương ở độ tuổi nếu loãng đã bệnh từ lâu!

Một mô hình khám sức khỏe vì thế cần mang tính cá biệt, nghĩa là được thiết kế theo kiểu không hẳn ai cũng giống ai. Nếu đủ tiền thì áo may đo bao giờ cũng khéo hơn áo sản xuất hàng loạt, trừ khi tiệm may bán đủ thứ áo cho người mua tung tiền để được tiếng giàu có.

Câu hỏi 2: Sau khi nhận kết quả khám, cần theo dõi với bệnh viện như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?

BS. Lương Lễ Hoàng: Đây là một câu hỏi không thuận lý. Người bệnh không thể tự mình dựa vào kết quả để hoạch định hướng kế tiếp nhằm mục tiêu bảo vệ sức khỏe. Công việc đó, ngược lại, thuộc về trách nhiệm của thầy thuốc. Thí dụ: một người qua chương trình khám sức khỏe không thể tự phát hiện mình bị lao phổi rồi tự động tìm đến bệnh viện chuyên khoa. Nếu tốn tiền khám sức khỏe để rồi phải tự lo liệu thì còn tệ hơn đem con bỏ chợ!

Đọc câu hỏi có cảm tưởng như người khám sức khỏe sau đó ra về với xấp hồ sơ dày cộm nhưng chẳng biết để làm gì?! Trên thực tế, điểm mấu chốt của chương trình khám sức khỏe lại không được đề cập trong các câu hỏi. Đó là vai trò thiết yếu của thầy thuốc giữ nhiệm vụ thiết kế, điều hành và đánh giá kết quả. Nếu khám sức khỏe mà thầy thuốc không rõ nhược điểm của mỗi đối tượng để tập trung vào vấn đề cá biệt, nếu thầy thuốc không so sánh với kết quả trước đó thì việc đánh giá tất nhiên hời hợt và xa rời thực tế. Người đến khám sức khỏe cần được xem như người bệnh cho dù chưa bệnh. Thầy thuốc khám sức khỏe chỉ có thể hữu hiệu nếu biết rõ người bệnh.

Đó là lý do tại sao ở nước ngoài, kết quả khám sức khỏe phải chuyển về bác sĩ gia đình. Ở xứ mình thì điều đó không dễ thực hiện, phần vì số công ty quan tâm đến sức khỏe nhân viên còn ít, trong khi số công ty chỉ cần khám qua loa cho yên chuyện với luật pháp chiếm đa số. Hơn thế nữa, không hẳn nhân viên nào cũng hăng hái khám sức khỏe đến nơi đến chốn, vì vẫn không thiếu người nuôi quan điểm chưa biết bệnh là chưa bệnh!

Tiếng Việt hay ở chỗ tiếng kép, chẳng hạn tiếng “chất lượng”. Đủ lượng tất nhiên quá tốt nhưng thiếu chất cũng như không. Với mô hình khám sức khỏe cũng thế, thiếu vài trị số không quan trọng bằng tìm cho ra thầy thuốc có tầm nhìn vừa xa vừa rộng để người khám sức khỏe đừng sớm trở thành người bệnh.

Câu hỏi 3: Công ty và cá nhân cần theo dõi kết quả như thế nào cho có hiệu quả?

BS. Lương Lễ Hoàng: Một mô hình khám sức khỏe gọi là hiệu quả khi: công ty qua đó đánh giá được tiềm năng của nhân lực. Cụ thể là có bao nhiêu nhân sự thuộc nhóm đang khỏe re, bao nhiêu thuộc nhóm cần thận trọng với chuyện bệnh hoạn, bao nhiêu cần tiếp tục được chẩn đoán và điều trị chuyên khoa, và bao nhiêu có nhu cầu điều trị khẩn cấp vì đang mang chứng bệnh nào đó nghiêm trọng; Người khám sức khỏe biết được nhược điểm của mình về mặt sức khỏe, đồng thời được hướng dẫn về biện pháp phòng ngừa cũng như điều chỉnh.

Không có tiêu chí nào khác. Nếu sau khi khám sức khỏe, dù với mô hình trải rộng tốn kém đến đâu, dù với cơ sở được đánh bóng đến thế nào mà hai mục tiêu nêu trên chỉ là chuyện trà dư tửu hậu thì không có ý nghĩa gì khác hơn là đã cưỡi ngựa xem hoa để mua vui cũng được một vài trống canh nhờ được tiếng khám sức khỏe ở nơi sang trọng.

Đó lại là thực trạng trong ngành y ở nước mình.

Bạn đọc có nhu cầu tư vấn về sức khỏe, vui lòng gởi câu hỏi về địa chỉ: suckhoe@thesaigontimes.vn.

Chúng tôi sẽ chuyển câu hỏi đến các bác sĩ chuyên về từng lĩnh vực để giải đáp cho bạn đọc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới