Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khi ta sống cuộc đời thứ hai

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khi ta sống cuộc đời thứ hai

Dương Trọng Huế

(TBKTSG) – Hơn 70 năm trước, khi Internet và mạng xã hội chưa ra đời, nhà văn người Argentina, Adolfo Casares, đã viết cuốn tiểu thuyết để đời của mình có tên là Phát minh của Morel.

Đó là câu chuyện về một chàng trai đào tẩu đến một hòn đảo hoang vắng để trốn một cái án tù oan. Anh ta đã nghĩ rằng mình sẽ sống nốt phần đời còn lại trong nỗi cô đơn u tịch.

Bỗng một ngày kia anh phát hiện có nhiều khách du lịch đến hòn đảo. Trong số họ, có một cô gái trẻ thường đi dạo và ngắm biển vào lúc hoàng hôn. Chàng trai mải mê dõi theo cô gái cho đến một ngày anh chợt nhận ra mình đã yêu cô.

Trong đám du khách trên đảo, có một người đàn ông tên là Morel thường xuyên nói chuyện với cô gái. Cho rằng người này đang tán tỉnh cô gái, chàng trai quyết định tiếp cận cô. Nhưng lạ thay, cô gái không có phản ứng gì với anh. Cả những du khách còn lại cũng vậy, dường như không ai ý thức về sự tồn tại của anh. Họ xuất hiện rồi biến mất, rồi lại xuất hiện một cách bí ẩn.

Chàng trai hoang mang đi tìm lời giải thích và rồi cuối cùng cũng hiểu ra. Morel đã phát minh ra một thiết bị có khả năng tái tạo hiện thực trong không gian ba chiều. Nhờ vào động cơ sử dụng năng lượng thủy triều và gió, chiếc máy cứ tua mãi những hình ảnh, âm thanh lẫn mùi hương của họ và qua đó họ sẽ luôn sống, ngay cả khi thể xác họ đã không còn tồn tại. Chàng trai vì quá yêu cô gái cũng mong được mãi bên cô. Dần dần với anh, thế giới của cô mới là có thật. Thế giới với hòn đảo hiu quạnh của anh chỉ là mô phỏng của hiện thực mà thôi.

Câu chuyện trên dường như đang có sự liên hệ nhiều hơn đến sự tương tác giữa con người và công nghệ máy móc ngày nay. Các phát minh công nghệ như những đợt sóng vỗ không ngừng vào bờ đê ranh giới chia đôi thế giới thực và ảo.

Quả vậy, công nghệ có khả năng tạo ra những phiên bản mô phỏng của hiện thực hoàn hảo tới mức mà hai thực thể này có thể bị đảo lộn trong tâm trí và cảm giác con người. Khái niệm nguyên bản như mất dần ý nghĩa khi con người ngày càng gắn bó nhiều hơn với sự tồn tại trong thế giới ảo. Đã có lúc người ta đặt ra một câu hỏi thú vị là giữa nước Mỹ và thế giới của Walt Disney, cái nào mới là mô phỏng?

Mạng xã hội, trò chơi trực tuyến và các kết nối mạng có mặt khắp nơi, len lỏi vào phòng ăn và phòng ngủ con người. Chúng mời gọi và hỗ trợ con người tạo ra cuộc đời thứ hai với những trải nghiệm khác biệt ở một không gian bao la dày đặc các kết nối, nơi thời gian luôn là ban ngày. Và tương tự loài cá chỉ nhớ đến nước khi bị vớt ra khỏi hồ, người ta cũng chỉ nhớ đến mạng xã hội khi họ bị ngắt kết nối. Dường như con người đang sống trong công nghệ chứ không phải là sống với nó.

Giống như chàng trai trong câu chuyện của Casares, con người cũng đang trải qua những pha trộn ý niệm về cuộc đời thứ hai trong mạng xã hội và các không gian công nghệ giải trí khác. Cái cuộc đời thứ hai này có thể làm họ thức trắng đêm, đếm từng cái bấm like rồi hồi hộp theo từng dòng nhận xét. Nó có thể làm họ hao tâm tổn lực bóp trán nặn ra những dòng tự sự trong thế giới mạng. Nhưng, có hề chi vì đổi lại họ có được sự tự do cùng quyền lực vô biên để chỉnh sửa, điều khiển và thậm chí là tái sinh cuộc đời thứ hai ấy.

Có thể một sự liên hệ giữa mô phỏng hiện thực qua những kết nối mạng như vậy và sự lẫn lộn ý niệm về hiện thực sẽ bị cho là còn quá sớm để bàn đến. Nhưng, khi sự giao thoa giữa con người với máy móc trở nên quá mật thiết, và khi bỗng vì lý do nào đó ta cảm thấy hiện thực chỉ là một hoang đảo cô quạnh, đối lập với một thế giới ảo sinh động, biết đâu được những ý niệm về sự đảo chiều giữa hiện thực và mô phỏng sẽ xảy ra?

Công nghệ có thể tạo ra những điều không tưởng, cả về mặt ứng dụng vật chất lẫn cảm giác đời sống tinh thần. Đôi khi là những thay đổi không dự tính và không mong đợi nhưng tác động lại thật lớn lao.

Ở đoạn kết câu chuyện của Casares, chàng trai kia đã không thể chịu đựng nổi ý nghĩ rằng ở thế giới mà người yêu anh sống, chính anh mới là một bóng ma dập dờn xung quanh cô. Cái cuộc đời mà anh đang tồn tại trong nó, xem ra chỉ là một phiên bản của một cuộc đời khác, có ý nghĩa hơn và đáng sống hơn. Thế rồi anh đã quyết định dùng phát minh của Morel để ghi lại hình ảnh của mình. Anh biên tập nó, cắt, dán, chỉnh sửa và chèn mình vào từng bối cảnh có cô gái. Cuối cùng thì anh cũng đã được sống bên cô và được cùng cô chiều chiều cất bước tiêu dao ngắm nhìn hoàng hôn buông xuống giữa đại dương mênh mông.

Chiếc máy sau đó chiếu ra những hình ảnh của hai người, đều đặn và liên tục. Trong thế giới ấy, họ sống bên nhau mãi mãi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới