Thứ Ba, 14/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khó khăn đè nặng doanh nghiệp ngành may

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khó khăn đè nặng doanh nghiệp ngành may

Nếu đơn hàng giảm 20%, ước tính có khoảng 400.000 lao động ngành dệt may thất nghiệp -Ảnh: tư liệu

(TBKTSG Online)- Co cụm, giảm chi phí, không lợi nhuận và cần Nhà nước hỗ trợ là phản ánh của đa số các doanh nghiệp dệt may về xu hướng năm 2009 trong cuộc họp thường kỳ mở rộng mới đây của Hội Dệt may Thêu đan TPHCM (Agtex).

>> Từ 2-2009, hàng dệt may vào Mỹ khó khăn hơn

Ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Agtex, cho biết, sau Tết Âm lịch, đa số doanh nghiệp sẽ bị sụt giảm đơn hàng, đặc biệt từ thị trường Mỹ. Theo thông tin của nhiều doanh nghiệp thông báo về hội, đơn hàng đã giảm 30 – 50% ngay tại các doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn.

Những doanh nghiệp nước ngoài đầu tư “tạm thời” kiểu thuê nhà xưởng thậm chí thuê cả máy móc thì một số đã đóng cửa, số còn lại đang rục rịch và nhiều khả năng sẽ đóng cửa sau Tết.

Ông Nguyễn Ân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sản xuất – thương mại May Sài Gòn (Garmex Saigon JS), cho biết, những đơn hàng lớn đã giảm nhiều chứ không còn là dự báo, hàng sản xuất theo phương thức FOB giảm lãi trên nguyên liệu từ 30% đến 60% tùy theo đối tác, giá gia công cũng giảm từ 10% đến 20%. Hiện nay, tình trạng hàng nhập rồi bị hủy xảy ra ngày càng nhiều.

Theo ông Ân, với tình hình như hiện nay, May Sài Gòn chỉ còn 2 lựa chọn: chấp nhận giảm giờ lao động hoặc giảm 20 – 30% lao động tùy theo tình hình, nếu kéo dài thì thời gian chịu đựng cũng chỉ trong vòng 2 – 3 tháng.

Còn ông Hồng thì tính toán, nếu đơn hàng giảm 20%, tỷ lệ lao động cũng phải giảm tương ứng 20%, tức sẽ có khoảng 400.000 lao động ngành may thất nghiệp.

Ông Nguyễn Chí Phương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Hòa Bình, kiến nghị Nhà nước tạm thời chưa thu thuế thu nhập cá nhân, giãn, giảm thuế, hoàn thuế GTGT nhanh hơn, đồng thời giảm phí công đoàn từ 2%xuống còn 1% cho bằng với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hoặc tạm thời chuyển mức phí trên cho công đoàn cơ sở để chăm lo cho đời sống người lao động.

Theo ông Nguyễn Đức Hoan, Chủ tịch Agtex, những chương trình giải cứu kinh tế của Chính phủ chưa thực sự theo sát doanh nghiệp và cho rằng Nhà nước cần xem xét ưu tiên cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.

Tuy nhiên, ông Hoan cũng khuyến cáo các doanh nghiệp dệt may nhanh chóng tiết giảm chi phí, quy mô sản xuất, tìm kiếm mở rộng thị trường, đồng thời sớm đẩy mạnh và cụ thể hóa mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau để chia sẻ kinh nghiệm, khách hàng, đơn hàng, cùng nhau vượt qua những khó khăn trong năm 2009.

NGUYỄN QUÂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới