Thứ Bảy, 27/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khử khuẩn trở thành chiến lược quan trọng để hút khách hàng không

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Robot chiếu đèn UV (cực tím), thiết bị cầm tay chiếu tia UV, bình phun tĩnh điện, vỏ bọc ghế ngồi có khả năng sát khuẩn… đang được các hãng hàng không trên thế giới tăng cường sử dụng để giữ gìn vệ sinh cho khoang hành khách. Đây là chiến lược ngày càng quan trọng khi các hãng cạnh tranh thu hút khách trong bối cảnh biến thể Omicron thổi bùng tâm lý e ngại đi máy bay.

Để khử khuẩn khoang hành khách trên máy bay, hãng hàng không Air India Express (Ấn Độ) sử dụng robot có các cánh tay được lắp đèn chiếu tia UV diệt khuẩn. Ảnh: Bloomberg

Trước đại dịch Covid-19, hầu hết du khách chọn một hãng hàng không dựa trên một yếu tố đơn giản: giá vé. Trong khi đó, những người bay công tác thường chọn một hãng có chương trình khách hàng bay thường xuyên với những ưu đãi dựa trên số dặm bay tích lũy. Mức độ sạch sẽ của máy bay thường không được xem là ưu tiên hàng đầu.

Ngày nay, vệ sinh là yếu tố quan trọng nhất trong việc lựa chọn một công ty du lịch đối với gần 60% người Mỹ, theo một cuộc khảo sát của hãng sản xuất hàng không vũ trụ Honeywell International (Mỹ).

Dữ liệu của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho thấy hành khách có nhiều thứ lo lắng khi lên máy bay, với 42% trong số họ không thoải mái khi sử dụng phòng vệ sinh và hơn 1/3 trong số họ lo ngại về việc hít thở không khí tuần hoàn trong khoang hành khách. Anil Jain, Giám đốc kỹ thuật của hãng hàng không Air India Express (Ấn Độ), cho biết: “Chúng tôi biết rằng khách hàng của chúng tôi ý thức hơn bao giờ hết về yếu tố vệ sinh trên máy bay. Vậy nên, chúng tôi cần phải chủ động trong vấn đề này”.

Đã qua rồi cái thời mà các hãng hàng không có thể nhanh chóng nhặt rác và lau sạch khoang hành khách giữa các chuyến bay và làm sạch sâu chỉ một lần mỗi tháng hoặc lâu hơn. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát dữ dội vào mùa xuân năm 2020, hầu hết các hãng bay đã siết chặt các tiêu chuẩn vệ sinh của họ với hy vọng thuyết phục du khách rằng chuyến bay sẽ bảo đảm an toàn vệ sinh.

Họ bắt đầu quảng cáo hệ thống lọc khí HEPA (chuyên dùng cho bệnh viện) của họ sẽ giúp bầu không khí trên máy bay trở nên trong lành sau mỗi vài phút. Và nhiều máy bay hiện được làm sạch nghiêm túc hàng ngày bằng các hóa chất diệt virus, vi khuẩn, bình phun tĩnh điện hoặc đèn cực tím diệt virus. Nhưng với sự xuất hiện của biến thể Omicron khi đại dịch bước sang năm thứ ba, nỗi lo sợ của hành khách về độ sạch sẽ trên máy bay lại tăng vọt.

Dù một số thay đổi trong vấn đề vệ sinh trên máy bay đã được triển khai sớm trong đại dịch nhưng chúng chỉ được xem là các biện pháp tạm thời để thu hút khách đi máy bay trở lại. Hiện nay, các hãng bay đang có tầm nhìn xa hơn và sẵn sàng chi tiền để cho những đổi mới trong vấn đề giữ vệ sinh, chẳng hạn robot làm sạch các bề mặt trong vài phút, thiết bị phun sương tạo ẩm tĩnh điện và đệm ghế có khả năng diệt khuẩn.

Nhà phân tích ngành du lịch Henry Harteveldt cho biết: “Tôi không nghĩ rằng chúng tôi, với tư cách là công chúng đi du lịch, cho phép các hãng bay để máy bay bẩn như trước đây. Hiện nay, tất cả chúng ta đều đã nâng cao nhận thức về an toàn sinh học”.

Không có quy tắc toàn cầu nào quản lý vệ sinh máy bay, vì vậy, các hãng bay đã áp dụng một loạt giải pháp chắp vá, không đồng bộ. Hãng Korean Air Lines (Hàn Quốc) xịt lên tất cả các bề mặt trong khoang hành khách một loại dung dịch tẩy rửa mà công ty cho biết có thể vô hiệu hóa hơn 100 loại vi khuẩn và virus.

Hãng United Airlines (Mỹ) quét sạch các khu vực có nhiều tiếp xúc trên máy bay nhiều bằng chất khử trùng và sử dụng máy phun sương tĩnh điện và hệ thống khử trùng bằng đèn UV. Các robot của hãng Air India Express có các cánh tay lau dọn có thể gập lại để tiếp cận mọi ngóc ngách. Các cánh tay này được trang bị đèn UV để giúp khử trùng ghế máy bay, khu vực dưới ghế ngồi, khoang hành lý trên đầu hàng khách, cửa sổ… của máy bay.

Hồi tháng 7-2020, Honeywell International đã giới thiệu một hệ thống khử khuẩn có thể quét tia UV cường độ cao qua khoang hành khách. Công nghệ này đã được sử dụng trong nhiều thập niên để diệt khuẩn trong các nhà máy xử lý nước và bệnh viện. Tia UV có khả năng tiêu diệt hầu hết tất cả các virus trên bề mặt của đồ vật và ở các giọt bắn trong không khí.

Honeywell International biết hệ thống này đang được sử dụng bởi 9 hãng hàng không như Qatar Airways (Qatar), Azul (Brazil)… Năm ngoái, cả Honeywell và Boeing đều bắt đầu bán thanh khử khuẩn cầm tay sử dụng tia UV để khử trùng những nơi khó làm sạch như khoang buồng lái.

Bill Kircos, Phó chủ tịch bộ phận phụ trách tiếp thị tại Honeywell International, cho biết: “Rõ ràng là các hãng hàng không, sân bay và các cơ sở lưu trú phải giải quyết vấn đề an toàn và sạch sẽ như một phần của dịch vụ thương hiệu cốt lõi của họ”.

Công ty Aero Hygenx (Canada) đang cung cấp một robot làm vệ sinh, có tên gọi là Ray, có thể làm sạch máy bay thân hẹp từ trước ra sau trong vòng 5 phút và 20 phút đối với máy bay thân rộng.

Công ty này cho biết robot Ray trông giống như một chiếc xe đẩy nước giải khát, tự điều khiển nhờ được trang bị camera và cảm biến laser và có thể tiêu diệt 99% virus và vi khuẩn trong vòng bán kính 1,5 mét. Robot cũng thu thập thông tin về từng công việc dọn dẹp, tạo ra một lịch sử dữ liệu lau dọn mà các hãng hàng không có thể sử dụng để trấn an hành khách.

Ngay sau khi đại dịch bùng phát, nhiều hãng bay đã sử dụng máy phun sương tĩnh điện để biến dung dịch sát khuẩn thành sương mù tích điện bám vào các bề mặt. MasVida Health, một công ty ở Texas đã bán các thiết bị như vậy cho các hãng bay bao gồm Alaska Air, ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu kỷ lục vào năm 2020 trước khi nhu cầu giảm vào năm ngoái.

Khi biến thể Omicron lan rộng, doanh số bán hàng của công ty này đang tăng trở lại và khách hàng không chỉ là các hãng hàng không mà còn cho các hãng du lịch, trường học và bệnh viện.

Một cách tiếp cận khác để vệ sinh máy bay là vô hiệu hóa vi trùng ngay khi máy bay hạ cánh hoặc giữ cho chúng không bám vào các bề mặt ngay từ đầu. Tập đoàn công nghiệp hàng không Safran của Pháp đang phát triển lớp phủ để phun lên ghế, có thể giúp diệt được virus bám trên bề mặt trong một năm hoặc hơn.

Boeing đang nghiên cứu các loại thuốc xịt làm từ polymer có thể kháng và tiêu diệt virus, đồng thời đang lên kế hoạch phát triển các tính năng không chạm, chẳng hạn như phòng vệ sinh có nắp đậy bồn cầu có thể hạ xuống và xả sạch chỉ bằng một cái vẫy tay.

Dan Freeman, Giám đốc kỹ thuật về an toàn liên quan đến Covid tại Boeing, nói: “Covid đã đẩy nhanh những gì chúng tôi đang làm. Chúng tôi đang xem xét cách chúng tôi có thể tạo ra một môi trường chống lại virus và tích hợp hợp môi trường đó vào quá trình thiết kế máy bay””.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới