Thứ Ba, 14/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế số hóa: có còn nước đục cho trâu chậm?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế số hóa: có còn nước đục cho trâu chậm?

Võ Đình Trí

(TBKTSG Online) – Cơn bão công nghệ đang chuyển đổi xã hội chúng ta một cách nhanh chóng: trong sự tương tác giữa các cá nhân, quy trình và mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp, và các chính sách chính phủ. Nền kinh tế dựa trên số hóa (digitalisation) là một cuộc đua mà nhiều nước và doanh nghiệp đã tham gia, vì họ biết rằng, người thắng sẽ lấy hầu hết thành quả.

Kinh tế số hóa: có còn nước đục cho trâu chậm?
Kinh tế số hóa tác động rất lớn đến nhiều mặt của kinh tế xã hội. Ảnh minh họa: hsbc.com

Kinh tế số hóa của thế giới đang ở đâu?

Thuật ngữ kinh tế số hóa (Digital Economy) xuất hiện cách đây 20 năm trong cuốn sách của Don Tapscott, nhưng chỉ đến những năm gần đây, mới là mối quan tâm hàng đầu của nhiều chính phủ và doanh nghiệp. Hội nghị cấp Bộ trưởng OECD tháng 6-2016 ở Cancún, Mexico về Kinh tế số hóa cho thấy chủ đề này đã được các nước trong nhóm đã vào danh sách các chương trình chiến lược của mình.

Theo OECD, 65% trẻ em hiện nay sẽ làm các công việc mà trước giờ chưa từng có, còn ở các nước phát triển, tỉ lệ sử dụng dịch vụ ngân hàng online là 90%, và mua sắm online là 80%. Hiện nay, có khoảng 3 tỉ cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan chính phủ tác qua máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh, các thiết bị di động. Bên cạnh đó đến 2022, khu vực OECD có khoảng 14 tỉ thiết bị kết nối Internet, bao gồm cả các thiết bị Internet of Things (IoT).

Một nghiên cứu của Constellation Research (2014) cho biết, nếu như các doanh nghiệp niêm yết trong danh sách S&P 500 có tuổi đời trung bình 61 năm vào năm 1958, 25 năm vào năm 1980 thì năm 2011 chỉ còn là 18 năm. Không những thế, vào năm 2027, khoảng 3/4 các doanh nghiệp hiện giờ sẽ bị thay thế bởi các doanh nghiệp khác.

Cũng vì những tác động của số hóa, tính từ năm 2000, 52% doanh nghiệp trong Fortune 500 bị phá sản, sáp nhập hay chuyển nhượng. Trong số các lĩnh vực bị tác động nhiều nhất, có lĩnh vực xuất bản, âm nhạc, bán lẻ.

Theo tổ hợp tư vấn hàng đầu thế giới Boston Consulting Group (BCG), chỉ riêng nhóm G20 trong năm 2015, giá trị của kinh tế số hóa đã là 4 ngàn tỉ đô la Mỹ. Tốc độ tăng trưởng năm 2016 của kinh tế số hóa trong khu vực này là 10%, bên ngoài khu vực là 15%-20%. Nếu như tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của thế giới là 2,5%/năm thì tốc độ tăng trưởng của kinh tế số hóa gấp ít nhất là 4 lần (400%).

Chỉ số phát triển số hóa (Digital Evolution Index – DEI)

Năm 2014, Viện IBGC của trường Đại học Tufts (Mỹ) bắt đầu quan sát các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển số hóa của các quốc gia, dựa trên 4 nhóm đặc điểm: cung, cầu, thể chế, và sáng tạo. Từ đó, bảng xếp hạng chỉ số phát triển số hóa (DEI) ra đời. Các quốc gia được đánh giá và xếp vào 4 nhóm: vượt trội (stand out), chững lại (stall out), đột phá (break out), tụt hậu (watch out).

Liên quan đến một loạt bài viết về số hóa, Tòa soạn Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online nhận được bài viết của ông Võ Đình Trí, Đại học Kinh tế TPHCM cung cấp một bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế số hóa và thách thức của nó. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Báo cáo DEI 2017 vừa công bố với khảo sát của 60 quốc gia, cho thấy phần lớn bức tranh kinh tế số hóa. Các nước được xếp hạng cao nhất là Singapore, New Zealand, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UEA), Thụy Sĩ và các nước Bắc Âu. Nhưng về tốc độ và tiềm năng đột phá phải kể đến Trung Quốc, Malaysia. Việt Nam, nằm trong nhóm các nước đột phá, hiện xếp hạng thứ 48 trong danh sách chung.

Tuy nhiên, một điều rất quan trọng là Việt Nam xếp thứ 22 về tốc độ phát triển, vượt lên rất nhiều nước khác. Điều này cho thấy thế giới đánh giá cao tiềm năng phát triển kinh tế số hóa của Việt Nam, cùng với các nền kinh tế mới nổi và nhiều tiềm năng như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Bolivia, Ba Lan.

Đánh giá này hoàn toàn có cơ sở khi hiện nay dân số Việt Nam đã chạm mốc 95 triệu, tuổi trung bình của dân số là 31, và 35% dân số sống ở thành thị. Không những thế, hiện nay thương mại điện tử của Việt Nam đạt khoảng 4 tỉ đô la, và dự báo trong 5 năm tới, đạt khoảng 10 tỉ đô la. Về tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử, Việt Nam đang dẫn đầu khu vực, gấp 2,5 lần Nhật Bản và người dân mua sắm online ngày càng nhiều.

Vào đầu năm nay, Hiệp hội thương mại điện tử đã đưa ra báo cáo về chỉ số thương mại điện tử EBI, qua đó cho thấy thương mại điện tử bước vào giai đoạn phát triển nhanh. Thêm vào đó, Việt Nam được xếp vào một trong nhữn quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới với 58 triệu người dùng Internet, chiếm trên 53% dân số (mục tiêu hướng đến là 80-90% dân số), đứng thứ 30 trên thế giới về địa chỉ IPv4.

Hình phân bố chỉ số DEI theo 4 nhóm. Nguồn: DEI 2017

Thách thức của kinh tế số hóa

Sự phát triển của kinh tế số hóa ngày nay có thể còn nhanh hơn cả định luật Moore với điện toán đám mây (cloud computing), mã nguồn mở (e.g. Hadoop), big data và tốc độ của Internet. Những cản trở về mặt vật lý trong việc chia sẻ và khai thác thông tin đã giảm đi rất nhiều, khiến cho việc tương tác giữa các cá nhân, tổ chức dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Kinh tế số hóa tác động rất lớn đến nhiều mặt của kinh tế xã hội, đặc biệt khả năng đột phá (disruption) khi gây khó khăn hay xóa bỏ nhiều mô hình kinh doanh truyền thống. Thực tế đã chứng minh ngành kinh doanh băng đĩa, xuất bản, khách sạn, taxi truyền thống phải đương đầu với kinh tế số hóa như thế nào, cũng như những đe dọa rất lớn từ các bigtech (GAFAA – Google, Amazon, Facebook, Apple, Alibaba).

Nhưng kinh tế số hóa cũng có nhiều thách thức không kém. Các chính phủ hay doanh nghiệp đều biết vai trò và sự cần thiết của kinh tế số hóa nhưng để đi đúng hướng và theo kịp cuộc đua thì phải đương đầu với nhiều vấn đề cốt lõi như: sự tin cậy (trust), bảo mật (security) và thông tin cá nhân (privacy). Các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ cũng cần đầu tư rất nhiều về nhân sự (skills), công cụ (tools) và hạ tầng công nghệ thông tin để có những chính sách, quy trình, và mô hình phù hợp.

Kinh tế số hóa bao trùm hầu như tất cả các lĩnh vực, từ nông nghiệp, y tế, tài chính, giáo dục, quản lý hành chính v.v.. và sẽ là một thành phần rất quan trọng của bất kỳ nền kinh tế nào. Không chỉ các chính phủ, doanh nghiệp, mà các cá nhân cũng cần chuẩn bị để thích ứng với làn sóng mạnh mẽ này. Những người thua trong cuộc đua này, không biết có được phần nào sót lại, chắc gì còn nước đục cho trâu chậm.

Xem thêm

>>> Ngành bán lẻ trước nhu cầu số hóa cấp thiết

>>> Số hóa và thống nhất quản lý hồ sơ sức khỏe người dân: Liệu có khả thi?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới