Thứ Ba, 14/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế Việt Nam 2009: Số lượng không thể thay chất lượng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Việt Nam 2009: Số lượng không thể thay chất lượng

TS. Lê Đăng Doanh

Kết cấu hạ tầng yếu kém, kẹt xe triền miên đã không những làm tăng thêm chi phí về thời gian và tiền bạc mà còn trở thành nỗi bức xúc của người dân ở TPHCM. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Từ 2007-2009, trong ba năm liên tục, Việt Nam kiên trì nỗ lực tăng trưởng cao chủ yếu theo chiều rộng trong một thế giới đầy biến động, rủi ro, bất định và khó dự báo.

Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến những xáo động đầy kịch tính về thị trường, tỷ giá, đầu tư và thương mại. Biến đổi khí hậu ngày càng làm cho thời tiết trở nên bất lợi hơn cho nông nghiệp, thiên tai xuất hiện với tần số cao hơn, sức tàn phá mạnh hơn, mùa màng thất bát, chi phí cho canh tác nông nghiệp tăng lên. Dịch bệnh (như cúm A/H1N1) cũng ảnh hưởng bất lợi đến tăng trưởng kinh tế trên quy mô toàn cầu (du lịch và hành khách hàng không giảm sút).

Các biến động đó đã tác động đến kinh tế Việt Nam, làm bộc lộ rõ hơn những yếu kém về chất lượng và sự mất cân đối của nền kinh tế đang tiếp tục hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Cố gắng đạt tốc độ tăng trưởng cao trong điều kiện khó lường như vậy đòi hỏi những nỗ lực căng thẳng hơn, quan hệ chi phí-hiệu quả không được như dự kiến và rủi ro cũng lớn hơn.

Tổng kết tình hình kinh tế trong năm 2009, Chính phủ đã trình ra Quốc hội những thành tích đáng trân trọng: tăng trưởng GDP 5,2%, trên mức trung bình khu vực song là mức thấp nhất từ một thập kỷ. Lạm phát được duy trì ở mức dưới hai con số. Xóa đói giảm nghèo giảm xuống 11%, nhanh hơn cả lộ trình cam kết thực hiện mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) là một điều đáng ngạc nhiên do được tính dựa trên chuẩn nghèo cũ, đã lạc hậu nhiều vì lạm phát. Cộng đồng quốc tế cũng ca ngợi thành tựu của Việt Nam về duy trì bình đẳng trong thu nhập thông qua chỉ số GINI và giảm nghèo rất ấn tượng trong khu vực nông thôn, theo những báo cáo chính thức của Chính phủ.

Những thành tựu đó đạt được nhờ có một nền nông nghiệp không chỉ bảo đảm an toàn lương thực mà còn đóng góp to lớn vào xuất khẩu, doanh nghiệp tư nhân năng động, người dân chịu đựng gian khổ và những nỗ lực của Chính phủ.

Bên cạnh đó, các tiêu chí khác trong cân đối vĩ mô tiếp tục xấu đi: bội chi ngân sách tăng lên cả về con số tuyệt đối lẫn theo tỷ lệ GDP, nợ chính phủ và nợ nước ngoài tăng lên, nhập siêu và cán cân thanh toán tài khoản vãng lai bị thâm hụt, gây sức ép lên tỷ giá đồng tiền Việt Nam. Những biến động về tỷ giá, về giá vàng đã gây ra xáo động không đáng có trước khi được xử lý bằng những biện pháp mạnh mẽ được báo chí mô tả là “giật cục”. Nhìn chung, các can thiệp hành chính với những thay đổi thiếu tính dự báo, thậm chí trái ngược với những lời khẳng định mạnh mẽ của những người có trách nhiệm được đưa ra trước khi thay đổi chỉ ít ngày (như về tỷ giá) làm ảnh hưởng đến lòng tin của doanh nghiệp và người dân.

Cơ chế thị trường trên không ít lĩnh vực như xuất khẩu gạo, xuất-nhập khẩu ô tô… bị thu hẹp đáng kể do những can thiệp hành chính thường xuyên của các cơ quan khác nhau vào những vấn đề ngắn hạn của kinh tế trong khi những vấn đề dài hạn chưa thấy được quan tâm. Việc điều hòa, phối hợp giữa các bộ, ngành bộc lộ những trục trặc liên tục thông qua các vụ việc lớn nhỏ từ vệ sinh an toàn thực phẩm đến chính sách, quy hoạch. Kết quả là sự cải thiện ngắn hạn không thay thế được những giải pháp cơ bản, chiến lược, có tầm nhìn dài hạn mà nền kinh tế cần.

Năm 2009 cũng bộc lộ những lỗ hổng đáng lo ngại trong điều hòa phối hợp giữa các tỉnh, thành phố hướng tới một chỉnh thể kinh tế quốc gia thống nhất, được chuyên môn hóa thành những cụm công nghiệp và dịch vụ chuyên ngành có hiệu quả kinh tế – xã hội cao. Sáu mươi ba tỉnh, thành phố đều có đầy đủ đài phát thanh, truyền hình, báo, trường đại học, cảng biển, sân bay… và công nghiệp đóng tàu, luyện kim, xi măng, sân golf, khu nghỉ dưỡng lớn nhỏ xuất hiện ở khắp nơi.

Việc phân cấp cho các tỉnh, địa phương về một số nhiệm vụ kinh tế – xã hội là cần thiết trong một chỉnh thể chung, quy hoạch chung, trong khuôn khổ những tiêu chí công khai, minh bạch. Việc số nhà máy thủy điện tăng vọt, sân golf lấn đất nông nghiệp… là một vài cảnh báo đã quá rõ, song nếu không chấn chỉnh thì tình trạng mạnh ai nấy làm này sẽ dẫn đến cơ cấu ngành và vùng bị phân tán, cạnh tranh lẫn nhau, đầu tư chồng chéo lãng phí, và các bất cập về kết cấu hạ tầng, điện, lao động được đào tạo là một kịch bản có thể thấy trước.

Xếp hạng về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới và về năng lực cạnh tranh công bố năm 2009 đều ghi nhận sự tụt hạng, đặc biệt là tụt hạng sâu về môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Các chỉ tiêu này phản ánh những kết quả điều tra từ năm 2008, song do được công bố trong năm 2009, nên vẫn cần được tham khảo nghiêm túc.

Năng lực cạnh tranh tăng trưởng (GCI) của Việt Nam trong năm 2009 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố trong bảng dưới đây cho thấy rõ điều đó.

Ta có thể thấy, Việt Nam tụt hạng 5 bậc từ 70/134 xuống 75/133 nền kinh tế so với năm trước trong bảng xếp hạng chung, trong đó có đóng góp quan trọng của sự thay đổi trong chỉ tiêu về ổn định kinh tế vĩ mô, tụt hạng sâu 42 bậc, từ 70 xuống 112.

Tương tự như vậy, trong bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh do Ngân hàng Thế giới công bố, Việt Nam bị tụt 2 bậc, trong 10 chỉ tiêu đánh giá, Việt Nam bị tụt hạng về 9 chỉ tiêu, chỉ lên hạng về chỉ tiêu thực hiện hợp đồng.So sánh chỉ tiêu năng lực cạnh tranh tăng trưởng (GCI) do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố giữa Việt Nam và Trung Quốc trong sáu năm qua cho thấy khoảng cách giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng xa, trong khi Trung Quốc liên tục tăng hạng thì Việt Nam liên tục tụt hạng từ năm 2007 cho đến nay.

Diễn đàn Doanh nghiệp họp ngày 1-12-2009 và cuộc họp của Hội đồng Nhân dân cuối năm 2009 của Hà Nội và TPHCM đều cho thấy tình hình yếu kém về kết cấu hạ tầng, kẹt xe, bất cập về quy hoạch không chỉ làm tăng thêm chi phí về thời gian và tiền bạc mà còn trở thành bức xúc thực sự của người dân và những ai đến thăm hai nơi này.

Môi trường sống ở thành thị và nông thôn tiếp tục xấu đi nhanh chóng. Ở hai thành phố lớn, Hà Nội và TPHCM, nạn kẹt xe đang làm đảo lộn cuộc sống của người dân, thời gian đi lại trên đường tăng vọt, thực sự gây ra thiệt hại về kinh tế; ô nhiễm không khí, khói bụi, tiếng ồn, ô nhiễm nguồn nước, rác thải rắn không được thu gom và xử lý… làm giảm chất lượng sống của người dân. Cơn bão số 9 đã cuốn theo khoảng 3.400 mét khối gỗ (như báo chí đưa tin) bị đốn từ trên rừng về các cửa sông, bộc lộ nạn phá rừng trên quy mô chưa từng thấy. Trường học, bệnh viện quá tải phản ánh những thiếu sót trong kế hoạch hóa trên hai lĩnh vực này và sự thiếu ăn khớp trong quy hoạch đô thị giữa phát triển ồ ạt các khu nhà cao tầng trong khi không có đầu tư đi kèm về giáo dục, y tế, khu vui chơi, giải trí cho người dân.

Việc kinh tế vẫn tăng trưởng giữa những mất cân đối vĩ mô gay gắt hơn, năng lực cạnh tranh quốc gia bị tụt hạng, các bất cập trong điều hòa phối hợp chính sách trong năm 2009 sẽ để lại dấu ấn trong năm 2010, năm kết thúc một thập kỷ thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của nước ta. Rõ ràng nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước ngã ba đường trong những điều kiện phát triển không còn dễ dàng. Đổi mới, tái cấu trúc nền kinh tế đòi hỏi những quyết sách dài hạn, sáng suốt, vì lợi ích lâu dài của dân tộc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới