Thứ Ba, 14/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lại cân nhắc tăng tuổi nghỉ hưu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lại cân nhắc tăng tuổi nghỉ hưu

Trúc Diễm

Lại cân nhắc tăng tuổi nghỉ hưu
Cân nhắc tăng tuổi nghỉ hưu và tăng giờ làm thêm. Ảnh: Trúc Diễm

(TBKTSG Online) – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đang lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012, trong đó có việc cân nhắc nâng tuổi nghỉ hưu và tăng thời gian làm thêm.

Theo báo cáo tóm tắt tại hội thảo Tổng kết ba năm thi hành Bộ luật Lao động năm 2012 diễn ra ngày 8-9 tại Hà Nội, với xu hướng tăng tuổi thọ, giảm nguồn cung nhân lực do chính sách giảm sinh trong những năm qua, Bộ LĐTBXH đề nghị nghiên cứu, đề xuất lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cho phù hợp. Đồng thời, do tuổi thọ bình quân hiện nay cao dẫn đến thời gian chi trả lương hưu dài ảnh hưởng đến cân đối quỹ bảo hiểm xã hội.

Điều 187 Bộ luật Lao động 2012 quy định người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

Người lao động có thể được nghỉ sớm hơn tuổi lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn.

Hoặc người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm so với quy định.

Theo ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, hiện nay quá trình già hóa dân số Việt Nam diễn ra rất nhanh, và Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Nhiều chuyên gia nước ngoài cho rằng, Việt Nam còn nghèo, năng suất lao động thấp nhưng lại thích nghỉ sớm. Đây là điều cần cân nhắc.

Về việc có nâng tuổi nghỉ hưu hay không, theo ông Huân, cần phải tính toán giữa hai quá trình đan xen nhanh: quá trình dân số vàng và già hóa dân số do tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tác động tới việc làm. Theo kinh nghiệm của các nước thì việc tăng tuổi nghỉ hưu phải tăng từ từ, thậm chí tăng 1 tuổi phải kéo dài theo lộ trình tới 5 năm để giảm ảnh hưởng tới thị trường lao động.

“Bản thân tôi phụ trách về bảo hiểm xã hội, nếu thuyết phục được Quốc hội chấp nhận vấn đề này (nâng tuổi nghỉ hưu – PV) thì cũng là yếu tố đảm bảo tính an toàn, bền vững của quỹ bảo hiểm”, ông Huân nói và cho biết thêm: "Hiện nay Bộ LĐTBXH vẫn chưa định hình được là sẽ tăng theo hướng nào".

Thực tế, việc nâng tuổi nghỉ hưu đã được đề xuất rất nhiều trước đó nhưng đều phải bỏ do vấp phải phản ứng của xã hội, đặc biệt là khu vực lao động nặng nhọc. Gần đây nhất, Luật BHXH 2014 cũng tính đến việc tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 58 tuổi, nam lên 62 tuổi và lộ trình này kéo dài trong nhiều năm nhưng rồi cũng không được Quốc hội thông qua.

Tăng thời gian làm thêm

Ngoài việc cân nhắc tăng tuổi nghỉ hưu, việc sửa đổi Bộ luật Lao động 2012 cũng sẽ tính tới việc tăng thời gian làm việc. Theo báo cáo tại hội thảo, các quy định về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi đã tạo hành lang pháp lý nhằm bảo vệ sức khỏe người lao động.

Theo tính toán của Cục An toàn lao động, Bộ LĐTBXH, người lao động làm thêm 1 giờ mỗi ngày trong 10 năm thì tuổi thọ lao động sẽ giảm 6,5 năm. Đồng thời, theo điều tra mà cục này thực hiện với công nhân thì 100% công nhân trả lời, nếu mức lương đủ sống thì họ không làm thêm giờ.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp tổ chức làm thêm quá số giờ quy định, nhất là các doanh nghiệp hoạt động ngành nghề may mặc, chế biến thủy sản xuất khẩu do thường bị động về thời gian với bên đặt hàng gia công sử dụng nhiều lao động. Bên cạnh đó, một bộ phận người lao động muốn làm thêm giờ để tăng thu nhập.

Do đó, Bộ LĐTBXH đề nghị tăng giới hạn làm thêm giờ trong 1 năm, hoặc quy định giới hạn làm thêm theo “ngày và tuần” hoặc theo “ngày và tháng”; cho phép áp dụng làm theo giờ linh hoạt trong một số điều kiện đặc biệt để phù hợp với quy định các nước trong khu vực, tạo môi trường đầu tư thuận lợi.

Đồng thời tách rõ với những doanh nghiệp giảm giờ làm việc bình thường theo tuần thì đề nghị cho tăng số giờ làm thêm tương ứng. Ví dụ doanh nghiệp giảm giờ làm việc xuống 40 giờ thì cho phép tăng giờ làm thêm nhiều hơn so với doanh nghiệp làm việc 48 giờ/tuần, tăng tối đa 8 giờ/tuần, tức là thêm khoảng 400 giờ/năm.

Điều 106 của Bộ luật Lao động hiện hành quy định thời gian làm việc bình thường của người lao động là 8 giờ/ngày và 48 giờ/tuần. Bên cạnh đó, số giờ làm thêm của người lao động không quá 4 giờ/ngày, 30 giờ/tháng và 200 giờ/năm. Chỉ những trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì số giờ làm thêm mới được 300 giờ/năm.

Đây là vấn đề gây bức xúc cho doanh nghiệp. Tại nhiều hội thảo gần đây, các doanh nghiệp cho rằng, nước ta đã nghèo nhưng số giờ làm thêm quá ít, trong khi các nước trong khu vực, số giờ làm thêm từ 400-600 giờ/năm. Điều này đã làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như làm cho môi trường đầu tư của Việt Nam kém hấp dẫn hơn so với các nước.

Thứ trưởng Huân cho hay, Bộ sẽ tăng số giờ làm thêm nhưng ở mức độ nào thì cần phải tính toán để vừa đảm bảo sức khỏe của người lao động nhưng không ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Mời đọc thêm:

Tuổi nghỉ hưu sẽ tăng lên, lương hưu sẽ giảm xuống…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới