Thứ Năm, 2/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Luật Cạnh tranh: không phải tồn tại cho có

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Luật Cạnh tranh: không phải tồn tại cho có

(TBKTSG) – Sẽ còn nhiều cuộc bắt tay thỏa thuận nhằm ấn định giá hàng hóa, dịch vụ nếu như cơ quan quản lý vẫn còn “khoanh tay” đứng nhìn, dù Luật Cạnh tranh đã có.

Mới nhất là thỏa thuận của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI), với sự đồng ý (bằng việc ký vào văn bản) của 16 doanh nghiệp thành viên  là nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ.

Bản thỏa thuận này thống nhất nâng mức phí bảo hiểm tiêu chuẩn (bảo hiểm vật chất) xe ô tô từ 1,3%/năm lên 1,56%/năm (chưa tính 10% thuế giá trị gia tăng). Năm mức phí bảo hiểm khác cho các loại xe cơ giới cũng đồng loạt được tăng theo và được áp dụng ngay từ đầu tháng 10.

Chuyện thỏa thuận tăng phí nói trên là không bình thường, vì ngoài 16 doanh nghiệp tham gia ký vào văn bản như Bảo Việt, Bảo Minh, Công ty Bảo hiểm xăng dầu Petrolimex (PJICO), Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) và nhiều doanh nghiệp khác, vẫn còn tám doanh nghiệp bảo hiểm thuộc AVI (hầu hết là các doanh nghiệp nước ngoài) đã từ chối ký vào bản thỏa thuận dù họ đã được AVI gửi văn bản đốc thúc, nhắc nhở nhiều lần.

Một doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài nói với TBKTSG rằng họ thấy thỏa thuận của AVI có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh rất rõ, vì đã ghi thẳng vào đó lý do “nhằm hạn chế tình trạng cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh tỷ lệ bồi thường cao, kinh doanh bảo hiểm có dấu hiệu không có lãi hoặc lãi không đáng kể”.

Chiếu theo Luật Cạnh tranh, hành động nói trên vi phạm khoản 1, điều 8 (Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh) qua việc ấn định giá hàng hóa dịch vụ trực tiếp hoặc gián tiếp. Sự việc này cần được xem xét ở hai khía cạnh là tại sao AVI có thể thản nhiên áp đặt và thực hiện thỏa thuận mà không tính (hoặc không quan tâm) đến các hậu quả có thể xảy ra.

Trước hết, theo giải thích của một lãnh đạo Hiệp hội Taxi Hà Nội, nơi có nhiều doanh nghiệp đã phải bắt buộc mua bảo hiểm cho xe của hãng mình, ở đây không phải là vấn đề mức phí tăng mà là hình thức liên kết độc quyền của một nhóm doanh nghiệp bảo hiểm đang thống lĩnh thị phần: “Chúng tôi rất muốn phản ứng nhưng cái khó là thị trường bán bảo hiểm cho xe cơ giới hầu hết do các doanh nghiệp đã ký tên vào thỏa thuận chiếm lĩnh chứ không phải các doanh nghiệp nước ngoài. Về lý thuyết, việc mua bán là tự nguyện nhưng thực tế hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh taxi đều mua xe qua vốn vay của ngân hàng, mà không có bảo hiểm thì ngân hàng không cho vay tiền nên biết bị ép, cũng không có cách lựa chọn nào khác”.

Một lý do khác cũng không thể loại trừ trong trường hợp này là từ khi Luật Cạnh tranh ra đời đến nay, chưa có doanh nghiệp hay hiệp hội nghề nghiệp nào bị các cơ quan quản lý chế tài hoặc xử lý do vi phạm luật, mặc dù những vi phạm là rất rõ và hầu hết đều có bằng chứng cụ thể.

AVI không phải là trường hợp duy nhất (xem thông tin cập nhật bên dưới). Hồi tháng 3 năm nay, nhiều thành viên của Hiệp hội Ngân hàng cũng đã ký vào thỏa thuận ấn định trần lãi suất huy động. Không một văn bản nào hoặc một cơ quan nào cho phép việc quy định trần này nhưng cũng không có cơ quan quản lý cạnh tranh nào xử lý việc này, cho đến khi đích thân Thủ tướng phải có văn bản yêu cầu bãi bỏ.

Trường hợp Hiệp hội Thép ấn định giá bán hồi đầu tháng 10 vừa qua cũng là một ví dụ tương tự. Cục Quản lý cạnh tranh mới dừng lại ở việc tìm hiểu sơ bộ thay vì phải điều tra sâu hơn và có kết luận cụ thể.

Cả ba trường hợp vi phạm Luật Cạnh tranh nói trên không phải xuất phát từ một vụ kiện cáo. Nhưng sẽ không khó để xử lý vài vụ vi phạm điển hình vì tất cả đều có chứng cớ rõ ràng. Mức phạt tiền nhẹ nhất đối với các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hay lạm dụng thống lĩnh thị trường, theo điều 110 của luật là: “Phạt tối đa đến 10% tổng doanh thu của tổ chức, cá nhân vi phạm trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi”.

Hơn thế nữa, nếu xem thường các hoạt động đi ngược lại luật và các quy luật của thị trường ngay từ các vụ việc trong nước, thì các nhà quản lý cạnh tranh và doanh nghiệp có thể phải trả những giá đắt khi tham gia thị trường và chịu sự điều chỉnh của Luật Cạnh tranh ở các quốc gia khác. Do vậy, Luật Cạnh tranh trong nước không thể ra đời cho có như hiện nay.

NGỌC LAN

Hiệp hội bảo hiểm bị điều tra

Qua phản ánh của báo chí, hôm 23-11, Cục Quản lý cạnh tranh mới ký quyết định điều tra các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh mà 16 doanh nghiệp bảo hiểm đã đồng loạt thực hiện gần hai tháng qua.

Một lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, trước mắt cục sẽ làm việc với 16 doanh nghiệp đã ký vào bản thỏa thuận này.Trước đó, cục này cũng đã bắt tay điều tra vụ việc các doanh nghiệp thép ấn định việc không giảm giá bán. Tuy nhiên, đến nay chưa có một kết quả điều tra nào được công bố rộng rãi.

N.LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới