Thứ Hai, 6/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mỹ phối hợp với các cường quốc khác tung dầu dự trữ ra thị trường

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong một động thái gây sức ép với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nằm dưới sự dẫn dắt của Saudi Arabia và các đồng minh do Nga dẫn đầu, hay còn gọi là nhóm OPEC+, Mỹ tuyên bố phối hợp với các cường quốc khác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Anh để xuất bán dầu từ các kho dự trữ chiến lược nhằm hạ nhiệt giá nhiên liệu.

Một kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ ở Freeport, bang Texas. Ảnh: Reuters

Mỹ phát động chiến dịch bán 65-70 triệu thùng dầu dự trữ

Theo thông báo của Nhà Trắng hôm 23-11, Mỹ sẽ xuất bán 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược quốc gia trong vài tháng tới. Thông báo cho biết Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Anh cũng sẽ xuất bán dầu dự trữ của họ theo đề nghị của Mỹ. Đây là một động thái phối hợp chưa có tiền lệ giữa các nước tiêu thụ dầu lớn trên thế giới.

Các nỗ lực toàn cầu trước đây nhằm mở bán dầu dự trữ, bao gồm quyết định xuất bán 60 triệu thùng dầu để ứng phó nguồn cung dầu bị gián đoạn ở Libya do nội chiến vào năm 2011, diễn ra dưới sự điều phối của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA)

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden, giải thích rằng Mỹ và các cường quốc khác phải hành động như vật vì giá xăng không chỉ là vấn đề ở Mỹ mà còn trên toàn cầu. Giá xăng tăng mạnh là một trong những nguyên nhân khiến lạm phát ở Mỹ hồi tháng trước tăng mạnh nhất trong hơn 30 năm.

Sau thông báo của Nhà Trắng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lưu ý Bắc Kinh chỉ tung dầu dự trữ chiến lược ra thị trường căn cứ vào nhu cầu riêng của nước này, ám chỉ Trung Quốc không cam kết phối hợp với Mỹ.

Tổng thống Biden cũng xác nhận Trung Quốc “có thể” phối hợp xuất dầu dự trữ.

Chính phủ Hàn Quốc cho biết không nêu cam kết cụ thể và nói rằng quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra sau khi thảo luận với Mỹ và các đồng minh khác.

Thủ tướng Nhật Bản, Fumio Kishida cho biết chính phủ của ông đang hợp tác với Mỹ để bình ổn thị trường dầu quốc tế. Sau đó, Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản, Koichi Hagiuda thông báo Nhật Bản sẽ xuất bán hàng trăm ngàn kiloliter dầu thô từ kho dự trữ chiến lược (1 kiloliter tương đương 6,29 thùng dầu).

Ấn Độ xác nhận sẽ bán ra 5 triệu thùng dầu dự trữ, trong khi đó, người phát ngôn chính phủ Anh cho biết sẽ cho phép các kho dự trữ dầu của tư nhân bán ra 1,5 triệu thùng dầu

Không tác động lớn đến thị trường dầu

Ngân hàng RBC Capital Markets ước tính Mỹ cùng 5 nước nói trên có thể tung ra thị trường quốc 65-70 triệu thùng dầu dự trữ. Con số này chỉ bằng hơn một nửa mức tiêu thụ dầu hàng ngày của thế giới. Giới phân tích nhận định lượng dầu dự trữ bán ra này chưa đủ lớn để đáp ứng nhu cầu đang tăng vọt là đó chỉ là động thái nhằm chứng tỏ Nhà Trắng đang làm mọi thứ để kiềm chế lạm phát.

Chốt phiên giao dịch hôm 23-11, giá dầu Brent ở thị trường London vẫn tăng 3,3% lên mức 82,31 đô la/thùng. Amrita Sen, Giám đốc nghiên cứu của Công ty Energy Aspects, cho biết việc bán dầu dự trữ là “một động thái mang tính biểu tượng”, tác động rất ít đến thị trường trong dài hạn.

Hơn nữa, lượng dầu dự trữ nói trên sẽ được bán dần trong nhiều tháng và sau khi bán xong, các nước như Mỹ sẽ phải mua lại để bổ sung vào kho dự trữ chiến lược. Ngay cả khi nếu giá dầu giảm, điều này có thể không kéo dài vì nhu cầu dầu dự kiến tăng trong năm sau khi nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi.

Các nhà phân tích tại Công ty tư vấn ClearView Energy Partners, cho biết: “Chúng tôi coi thời điểm thông báo quyết định xuất bán dầu dự trữ hôm nay là một nỗ lực rõ ràng của chính quyền ông Biden nhằm gửi thông điệp đến các tài xế và cử tri ở Mỹ rằng Nhà Trắng có khả năng ứng phó với nỗi đau kinh tế của họ”.

Giá xăng tăng đang gây sức ép lên các lãnh đạo chính trị trên toàn cầu. Tại Mỹ, phe Dân chủ, vốn chỉ nắm kiểm soát mong manh tại Hạ viện và Thượng viện Mỹ, sẽ bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đầy cam go trong năm sau. Cuộc khảo sát của CBS News vào cuối tuần qua cho thấy tỷ lệ cử tri tín nhiệm ông Biden rơi xuống mức 44%, thấp nhất kể từ lúc ông nhậm chức. Chỉ 30% cử tri nói rằng nền kinh tế Mỹ đang tốt, giảm so với mức 37% vào tháng 10 và 45% hồi tháng 7.

Liệu OPEC+ có đáp trả?

Quyết định hợp tác xuất bán dầu dự trữ trên, diễn ra sau khi nhóm OPEC+ cự tuyệt các lời kêu gọi tăng mạnh sản lượng dầu, đánh dấu một thắng lợi ngoại giao cho Mỹ và đặt ra một thách thức cho quyền lực chi phối thị trường dầu mỏ của Saudi Arabia, Nga và các nước sản xuất dầu khác thuộc nhóm OPEC+.

Tuy nhiên, quyết định này cũng có thể gây rủi ro. Các quan chức OPEC+ từng cảnh báo rằng họ sẽ đáp trả bằng cách hủy bỏ kế hoạch tăng dần sản lượng dầu và điều này sẽ làm suy yếu tác động của các thùng dầu dự trữ được các cường quốc bơm thêm vào thị trường. OPEC+ cho rằng việc tung hàng triệu thùng dầu dự trữ chiến lược là điều không phù hợp với các điều kiện hiện nay của thị trường dầu.

Tình thế đối đầu căng thẳng này sẽ mở ra một cuộc chiến giành quyền kiểm soát thị trường năng lượng, đe dọa làm xáo trộn bức tranh địa chính trị về dầu mỏ. Nó cũng cho thấy mối quan hệ căng thẳng giữa Washington và Riyadh, vốn đóng vai trò trụ cột trong các mối quan hệ của Mỹ ở Trung Đông. Nhóm OPEC+ sẽ họp vào đầu tháng tới để xem xét kế hoạch tăng sản lượng dầu thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 1-2022.

Victor Shum, Phó Chủ tịch phụ trách mảng tư vấn năng lượng của hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit, nói: “Các nước sản xuất dầu thuộc nhóm OPEC + có thể đáp trả hành động xuất dầu dự trữ của các cường quốc bằng cách dừng tăng sản lượng dầu. OPEC + đang nắm ưu thế trong thị trường dầu hiện tại”.

Các nguồn tin của OPEC+ cho biết động thái xuất bán dầu dự trữ của các cường quốc làm phức tạp thêm các tính toán của tổ chức này. Tuy nhiên, họ và các nhà phân tích khác đánh giá con số dầu dự trữ chiến lược tung ra thị trường không quá lớn. Joseph McMonigle, Tổng Thư ký Diễn đàn năng lượng thế giới, dự báo các bộ trưởng năng lượng của OPEC+ sẽ duy trì kế hoạch tăng sản lượng dần dần của họ.

Theo Bloomberg, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới