Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhiều cơ hội kinh doanh tại châu Mỹ La tinh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhiều cơ hội kinh doanh tại châu Mỹ La tinh

Thùy Dung

Nhiều cơ hội kinh doanh tại châu Mỹ La tinh
Nhiều tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp các nước Mỹ La tinh – Ảnh: Thùy Dung

(TBKTSG Online) – Châu Mỹ La tinh được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng với hơn 600 triệu dân, GDP khoảng 6.500 tỉ đô la Mỹ, tổng nhập khẩu hơn 1.000 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, để thành công tại thị trường này, các doanh nghiệp cần vượt qua nhiều rào cản, theo Vụ Thị trường Châu Mỹ La tinh, Bộ Công Thương.

Tại buổi hội thảo “Thị trường Châu Mỹ La tinh – Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam” diễn ra ngày 30-5 tại Hà Nội, ông Trần Duy Đông, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Mỹ La tinh, Bộ Công Thương, cho hay thu nhập bình quân đầu người tại châu Mỹ La tinh đạt 12.500 đô la Mỹ/người/năm.

Năm 2012, GDP các nước Mỹ La tinh đạt tỷ lệ tăng trưởng 3,1%, cao hơn so với tỷ lệ tăng trưởng chung của kinh tế thế giới 2,2%.

Hiện nay, Mỹ La tinh là nguồn cung nhiều sản phẩm quan trọng cho thị trường thế giới như dầu thô, quặng sắt, đồng tinh chế, đậu tương, các loại rau và hạt có dầu, cà phê, phương tiện vận tải… Khu vực này cũng là thị trường lớn về máy móc, thiết bị và hàng tiêu dùng.

Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ buôn bán với tất cả 33 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực Mỹ La tinh. Năm 2012, xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này đạt 2,68 tỉ đô la Mỹ; nhập khẩu của Việt Nam từ Mỹ La tinh đạt 2,82 tỉ đô la Mỹ. Xét trên bình diện toàn khu vực, cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ La tinh tương đối cân bằng.

Theo đánh giá của ông Đông, Mỹ La tinh là một thị trường tiềm năng khi nhu cầu hàng hóa cho sản xuất và tiêu thụ lớn. Thị hiếu của phần lớn người tiêu dùng vẫn ưa chuộng hàng nhập khẩu. Hơn nữa, khu vực này có chính sách kinh tế đối ngoại hướng về châu Á, trong đó có Việt Nam.

Còn theo ông Đỗ Việt Phương, phụ trách cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại Cuba cho hay, nhiều nước ở Mỹ La tinh, chủ yếu ở khu vực Trung Mỹ có thị trường khá sơ khai, nhiều tiềm năng đối với thương mại và đầu tư. Thị hiếu và yêu cầu người tiêu dùng tại đây cũng không quá cao.

“Tại một số quốc gia khan hiếm hàng hóa, tất cả các mặt hàng đều có thể tiêu thụ được” – ông Phương nói.

Mặc dù tiềm năng như vậy, song theo nhiều đại biểu tham gia hội thảo, để bước chân vào thị trường này, các doanh nghiệp gặp rất nhiều rào cản, đặc biệt là về ngôn ngữ. Chính vì vậy hầu hết các doanh nghiệp đều không biết gì về thị trường Mỹ La tinh, không biết được họ có thế mạnh gì, những mặt hàng chủ lực của họ và họ muốn nhập cái gì.

Ngoài ra, do khoảng cách về địa lý xa xôi đã làm chi phí vận tải tăng, làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa đồng thời tăng chi phí quản lý.

Hơn nữa, hình thức thanh toán trả chậm cũng là mối lo ngại khi các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang các nước này.

Ông Phương cho hay, riêng đối với Cuba, các doanh nghiệp nước này thường trả chậm, tối thiểu là 360 ngày nên các doanh nghiệp cần có một kế hoạch kinh doanh cẩn thận để tránh tình trạng chiếm dụng vốn này ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Theo Vụ thị trường châu Mỹ, thanh toán truyền thống mà các doanh nghiệp Mỹ La tinh ưa chuộng vẫn là thư tín dụng (LC) và được bảo lãnh bởi một ngân hàng khác. Ngoài ra, còn có biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Chính phủ, MOU giữa Bộ Công Thương, Bộ Tài chính với một số nước tại khu vực này. Theo đó, trong trường hợp doanh nghiệp hai nước có nhu cầu giao thương với nhau nhưng chỉ vì bất đồng trong nhu cầu thanh toán thì sẽ có sự bảo lãnh nhất định của Chính phủ để giúp các doanh nghiệp yên tâm hơn trong vấn đề làm ăn với doanh nghiệp Mỹ La tinh.

Ngoài ra, để khắc phụ rào cản về ngôn ngữ, Vụ thị trường châu Mỹ sẽ xây dựng website bằng tiếng Tây Ban Nha để cung cấp thông tin của thị trường Việt Nam cho các doanh nghiệp Mỹ La tinh và ngược lại. Hơn nữa, Vụ cũng biên soạn nhiều ấn phẩm về thị trường Mỹ La tinh và nhiều thị trường khác cho các doanh nghiệp trong nước để họ biết hai bên đã ký kết những hiệp định gì và rào cản thương mại của họ.

Theo ông Đông, trên website này sẽ có các diễn đàn để các doanh nghiệp Việt Nam có thể giới thiệu mặt hàng và năng lực của mình trên các showroom ảo. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp phía bạn có thể tiếp cận được.

Song song đó, vụ sẽ tổ chức diễn đàn và hội thảo trực tuyến. Tức mời một nhóm doanh nghiệp Việt Nam đến Bộ Công Thương và bên kia mời một số doanh nghiệp đến sứ quán của Việt Nam và hai bên hội thảo trực tuyến nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đi lại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới