Thứ ba, 10/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nước Anh đối mặt cuộc khủng hoảng vay thế chấp

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chi phí trả nợ ngày càng tăng cho các khoản vay thế chấp đang siết chặt ngân sách của hàng triệu người dân ở Anh, đe dọa làm suy yếu chi tiêu hộ gia đình và toàn bộ nền kinh tế.

Thống đốc BoE, Andrew Bailey, thừa nhận việc tăng lãi suất thêm gây khó khăn cho các hộ gia đình đang có khoản vay thế chấp, nhưng là điều cần thiết để kiểm soát lạm phát. Ảnh: Independent

Giấc mơ về một cú “hạ cánh mềm”, với Ngân hàng trung ương Anh (BoE) dập tắt lạm phát mà không khiến đất nước rơi vào suy thoái, dường như ngày càng xa vời. Lạm phát đang giảm tốc chậm, buộc BoE tăng lãi suất thêm 50 cơ bản, lên 5% trong cuộc họp chính sách hôm 22-6. Đây là mức lãi suất cao nhất trong 15 năm qua ở Anh. Trong tháng 5, lạm phát của Anh vẫn duy trì ở mức 8,7% như trong tháng 4, cao hơn nhiều so với mức lạm phát mục tiêu 2% của BoE.

Các thị trường tin rằng cách duy nhất để kiềm chế giá cả là BoE phải đẩy lãi suất lên mức cao chưa từng thấy trong hơn hai thập niên.

Sau khi giá năng lượng giảm, mang lại một khoảnh khắc lạc quan ngắn ngủi, Anh lại rơi vào cơn bế tắc kinh tế và chính trị liên quan đến cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Việc siết chặt tiền tệ đang bào mòn thu nhập của người dân, lấy đi số tiền lẽ ra có thể được chi tiêu ở các cửa hàng, quán bar và nhà hàng. Kinh tế Anh được dự báo chỉ tăng trưởng 0,2% trong năm nay.

Hiệu ứng trên thị trường vay thế chấp từ động thắt chặt lãi suất của BoE là rất lớn. Kể từ tháng 3 năm ngoái, lãi vay thế chấp cố định trung bình hai năm đã tăng gấp ba lần, lên 6%.

Với mức lãi suất hiện tại, chi phí thanh toán trung bình cho khoản vay thế chấp mua nhà sẽ tăng thêm 280 bảng mỗi tháng so với tháng 3-2022, theo ước tính của Viện Nghiên cứu tài chính (IFS) có trụ sở ở London. Chi phí tăng thêm đó cao hơn gấp hai lần chi phí hóa đơn năng lượng tăng thêm sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Chi phí thanh toán cho lãi vay thế chấp tăng cao sẽ khiến 1,4 triệu hộ gia đình ở Anh mất 20% thu nhập khả dụng, IFS dự báo. Trong 18 tháng tới, 2,4 triệu hộ gia đình ở Anh sẽ đối mặt với căng thẳng tài chính lớn hơn nữa khi hợp đồng vay thế chấp với lãi suất cố định hết hạn và chuyển sang lãi suất thả nổi, theo UK Finance, một hiệp hội ngân hàng và tài chính ở Mỹ.

“Tình hình thật khó khăn cho các hộ gia đình ở Anh. Họ bị ảnh hưởng bởi cú sốc năng lượng, giá thực phẩm tăng nhanh và lãi suất vay thế chấp”, cựu Thống đốc BOE Mark Carney cho nói trong cuộc trò chuyện với với Bloomberg.

Andrew Bailey, người kế nhiệm của Mark Carney, thừa nhận việc tăng lãi suất thêm gây khó khăn cho các hộ gia đình nhưng là điều cần thiết.

“Nhiều người có tài sản thế chấp hoặc khoản vay sẽ lo lắng về tác động của đợt tăng lãi suất mới đối với họ. Nhưng nếu chúng ta không tăng lãi suất ngay bây giờ, tình trạng lạm phát cao có thể kéo dài lâu hơn”, ông Baiey nói hôm 22-6.

Bailey cũng ghi nhận thị trường lao động Anh vẫn mạnh mẽ và nhu cầu ổn định, được thể hiện qua chỉ số về niềm tin của người tiêu dùng tốt hơn cũng như doanh số bán lẻ cao hơn kỳ vọng. Nhưng có một số dữ liệu kém tích cực hơn, bao gồm hoạt động sản xuất của Anh đã giảm trong tháng 6 và hoạt động của ngành dịch vụ, phần lớn nhất của nền kinh tế, tăng chậm hơn dự báo

Về mặt chính trị, lạm phát hạ nhiệt chậm đang gây sức ép lên Thủ tướng Rishi Sunak vì ông đã cam kết sẽ giảm một nửa mức tăng lạm phát, xuống còn 5% vào cuối năm nay.

Với thị trường nhà ở đang là tâm điểm của nỗi đau kinh tế, cổ phiếu của các công ty xây dựng nhà ở Anh đã giảm gần 20% so với mức đỉnh gần đây vào đầu tháng 5 và đang ở mức thấp nhất trong năm nay.

Emma McClarkin, CEO của Hiệp hội Bia và quán rượu Anh. cho biết: “Rõ ràng là hầu bao của người tiêu dùng sẽ bị thắt chặt một lần nữa trong những tháng tới. Chúng tôi cần chính phủ đối mặt với thực tế rằng lạm phát vẫn còn rất cao và tác động nghiêm trọng của điều này đối với cả người tiêu dùng và doanh nghiệp”.

Dữ liệu chính thức cho thấy trong hai năm qua, thu nhập thực tế ở Anh giảm và các hộ gia đình đã cắt giảm chi tiêu. Nhiều người tiêu dùng Anh đang mua sắm các mặt hàng giảm giá tại siêu thị và số liệu doanh số bán lẻ cho thấy doanh số giảm khi giá bán tăng.

Rủi ro lớn là nếu tiêu dùng suy giảm mạnh, điều này sẽ dẫn đến làn sóng sa thải lao động ở các doanh nghiệp, và châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ hơn. Dan Hanson, chuyên gia kinh tế cấp cao của Bloomberg Economics, cho rằng, nếu BoE tăng suất lên mức 6%, GDP của Anh có thể giảm 2%.

BOE không muốn đề cập đến viễn cảnh này, nhưng một cơn suy thoái có thể cần thiết để giúp nước Anh thoát khỏi bóng ma lạm phát. Theo Hanson, tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, dù phải trả giá về kinh tế, là con đường duy nhất dành cho BoE.

Đối với Steven, một nhà tư vấn truyền thông ở thị trấn Guildford, và vợ của anh, cơn ác mộng vay thế chấp chỉ mới bắt đầu.

“Những người như tôi không thể ngủ vào ban đêm. Điều đó thật kinh khủng. Khoản vay thế chấp căn nhà nhỏ ba giường ngủ của chúng tôi sẽ được gia hạn vào tháng 12. Chúng tôi đã quản lý cuộc sống  xung quanh mức lãi suất thấp trong 13 năm qua. Tôi là người kiếm tiền duy nhất trong gia đình. Nếu lãi suất lên tới 6%, tôi sẽ phải trả 1.480 bảng mỗi tháng, gấp đôi số tiền chúng tôi phải trả hiện tại. Điều đó là thảm họa đối với gia đình chúng tôi”, Steven nói.

Hồi tháng 1, Cơ quan quản lý tài chính Anh cảnh báo hơn 750.000 hộ gia đình ở Anh đối mặt nguy cơ vỡ nợ nếu lãi suất tiếp tục tăng.

Theo Bloomberg, Guardian

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới