Phát triển đô thị trung bình không khó!
Lê Quang Vũ
(TBKTSG) - Đọc bài “Phát triển đô thị trung bình để có giới trung lưu”, TBKTSG số ra ngày 15-4-2010, tôi rất hiểu nỗi băn khoăn, trăn trở của Giáo sư Phan Văn Trường về sự phát triển đô thị chưa hợp lý hiện nay ở nước ta: mọi nguồn lực đều tập trung cho hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM.
Sự phát triển không hợp lý này có thể phá vỡ cấu trúc đời sống tốt đẹp vốn có từ lâu. Đó là đời sống nông thôn với sức mạnh là gia đình, một kho tàng quý báu, một cái nôi nuôi dưỡng văn hóa dân gian. Và vì thế, Giáo sư Trường đã đề nghị nên chú ý phát triển nhiều đô thị trung bình, trong đó nòng cốt là giới trung lưu xuất thân từ nông thôn để vừa phát triển kinh tế vừa giữ vững nền tảng xã hội.
Những giá trị đời sống tốt đẹp của nông thôn mà trong đó Giáo sư Trường nhấn mạnh đến giá trị văn hóa dân gian làm cho tôi liên tưởng đến tâm nguyện của Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê, một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc. Trong các cuộc tiếp xúc với giới trẻ, Giáo sư Khê luôn tha thiết kêu gọi họ giữ gìn và phát triển các loại hình âm nhạc cổ truyền, nguồn vốn vô cùng quý giá của dân tộc Việt Nam.
Phải chăng giới trẻ hiện nay đã tự đánh mất (hay bị lấy mất?) không gian của lũy tre làng, một môi trường nuôi dưỡng những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Có một thực tế là bây giờ những đứa trẻ sinh ra đã ít còn cơ hội được nghe mẹ hát ru bằng những câu hò, điệu lý... tuy giản dị nhưng có đóng góp lớn lao trong việc hình thành nên cốt cách tâm hồn của người Việt. Rõ ràng những giá trị truyền thống đang bị bào mòn cùng với sự phát triển về kinh tế.
Trở lại với quan điểm của Giáo sư Trường về việc phát triển đô thị trung bình, yêu cầu này đòi hỏi địa phương cần phải có một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội khá toàn diện. Để làm được điều này, các địa phương cần phải có chính sách thu hút đầu tư và nguồn nhân lực hợp lý. Tuy nhiên, tiếc là chính sách thu hút đầu tư của các địa phương trong thời gian qua vẫn còn yếu kém, còn việc thu hút nhân tài cũng gặp nhiều rào cản do cơ chế, do tiêu cực...
Trong khi đó, những chính sách này ở Hà Nội và TPHCM thoáng hơn, tạo điều kiện cho mọi người cùng có cơ hội. Đó cũng là lý do vì sao mà hai đô thị này được ưu tiên tập trung phát triển. Một số địa phương như Bình Dương, Đồng Nai cũng nhờ đưa ra được các chính sách thu hút đầu tư hợp lý và chú trọng xây dựng nguồn nhân lực mà đã có những bước đột phá đáng ghi nhận. Như vậy phát triển nhiều đô thị trung bình không khó, cái khó là ở sự quyết tâm và nỗ lực của các địa phương.