Singapore cấp phép bán thịt gà sản xuất từ phòng thí nghiệm
Chánh Tài
(TBKTSG Online) - Công ty khởi nghiệp Eat Just (Mỹ) chuẩn bị tung ra thị trường sản phẩm thịt gà nuôi trong phòng thí nghiệm sau khi được Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA) cấp phép. Loại thịt gà mới này được xem là sạch, an toàn và nhân đạo hơn vì không liên quan đến chất kháng sinh, giết mổ và ít bị rủi ro lây nhiễm các vi khuẩn.
Các miếng thịt gà được sản xuất từ phòng thí nghiệm của Eat Just. Ảnh: Eat Jus |
Sản phẩm này dự kiến được bán với giá đắt tương đương loại thịt gà cao cấp ở các nhà hàng nhưng Eat Just cho biết trong vài năm tới, khi quy mô mở rộng, chi phí sản xuất thịt gà trong phòng thí nghiệm sẽ có chi phí thấp hơn so với nuôi gà truyền thống.
Nước đầu tiên cấp phép cho thịt nuôi trong phòng thí nghiệm
Hôm 2-12, SFA cho biết đã cấp phép lưu hành trên thị trường cho thịt gà nuôi trong phòng thí nghiệm của Eat Just sau khi kết quả thẩm định cho thấy loại thịt này an toàn để tiêu thụ.
Tiến sĩ Tan Lee Kim, Tổng Giám đốc quản lý thực phẩm của SFA cho biết sẽ giám sát vấn đề an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất và lưu hành trên thị trường của các loại thịt thay thế bao gồm thịt gà nuôi trong phòng thí nghiệm của Eat Just.
Giám đốc điều hành Eat Just, Josh Tetrick, nói: “Đây là thời khắc lịch sử của hệ thống sản xuất thực phẩm. Chúng ta đã tiêu thụ thịt trong nhiều ngàn năm và mỗi lần chúng ta ăn thịt, chúng ta phải giết một động vật nhưng giờ đây, việc đó không cần thiết nữa”.
Eat Just, công ty vốn nổi tiếng với sản phẩm trứng lỏng JUST Egg, làm từ đậu xanh, cho biết sản phẩm thịt gà mới này sẽ được sản xuất thông qua các đối tác và nhà sản xuất ở Singapore và ban đầu sẽ được bán ở các nhà hàng ở Singapore dưới thương hiệu GOOD Meat.
Nhiều công ty khác cũng đang muốn bán các sản phẩm thịt nuôi trong phòng thí nghiệm ở Singapore. Chẳng hạn, Công ty Ants Innovate ở Singapore đang phát triển thịt heo bằng công nghệ nuôi cấy tế bào của heo. Công ty này muốn phát triển các tế bào cơ của heo và sau đó đặt các tế bào nào vào ‘giá đỡ tế bào’ để có thể sản xuất nguyên miếng thịt heo từ thịt vai cho đến thịt sườn, thay vì chỉ sản xuất thịt bằm. |
Tetrick nói: “Cơ quan quản lý của Singapore đã xem thịt gà nuôi trong phòng thí nghiệm của Eat Just như là thực phẩm, mở đường cho sản phẩm này sớm tới tay người tiêu dùng thông qua các nhà hàng”. Về lâu dài, sản phẩm này có thể được cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm ở Singapore.
Ông nói Eat Just đang xin cấp phép cho thịt nuôi tròng phòng thí nghiệm ở nhiều nước bao gồm Mỹ và Singapore là nước đầu tiên cho phép East Just bán thịt gà sản xuất từ phòng thí nghiệm.
Tetrick cho biết vào thời gian ban đầu, các miếng thịt gà sản xuất trong phòng thí nghiệm có thể có giá bán ngang bằng thịt gà cao cấp bán ở các nhà hàng. Nhưng ông dự báo giá bán sẽ giảm khi quy mô sản xuất được mở rộng.
Ông lưu ý rằng chi phí sản xuất thịt gà trong phòng thí nghiệm đã giảm 1/3 so với cách đây một năm. “Chúng tôi cần phải giảm chi phí sản xuất thịt gà trong phòng thí nghiệm về dưới mức chi phí sản xuất gà truyền thống và chúng tôi kỳ vọng đạt được mục tiêu này trong những năm tới”, ông nói.
Giống như quy trình sản xuất bia
Josh Tetrick nói rằng mọi người có thể thấy ấn tượng với thịt gà có thể sản xuất trong phòng thí nghiệm. Ông giải thích: “Thịt gà của chúng tôi được tạo ra trong các lò phản ứng sinh học hoặc lò nuôi trồng lớn giống như lò ủ bia hay các kiểu lò tương tự được sử dụng để sản xuất các thực phẩm nuôi trồng”.
Bà Elaine Siu, Giám đốc Viện thực phẩm tốt châu Á-Thái Bình Dương cho biết, cuộc đua di chuyển sản xuất thịt khỏi ngành chăn nuôi truyền thống đang diễn ra và những nước đi theo sự tiên phong của Singapore có thể gặt hái các lợi ích khi toàn bộ thế giới chuyển sang cách sản xuất mới và an toàn hơn.
Andrew Noyes, Giám đốc truyền thông toàn cầu Eat Just, cho hay họ không cần phải giết mổ bất cứ con gà nào để lấy các dòng tế bào phục vụ cho sản xuất thịt gà trong phòng thí nghiệm.
Thay vào đó, quy trình sản xuất sẽ bắt đầu với việc phân lập tế bào ở gà bằng các phương pháp như sinh thiết. Sau khi được nuôi cấy, các tế bào này sẽ được chuyển sang một lò phản ứng sinh học, nơi được cung cấp một hỗn hợp protein, acid amin, khoáng chất, đường, muối và các chất dinh dưỡng khác.
Thịt gà sẽ được thu hoạch sau khi chúng đạt được đủ độ dày. Just Eat đang sử dụng các lò phản ứng sinh học có dung tích 1.000 lít để nuôi tế bào thịt gà. Theo Josh Tetrick, trong thời gian tới, công ty ông sẽ dần nâng dung tích của lò phản ứng sinh học này lên 5.000, 10.000 và 20.000 lít để nâng cao công suất sản xuất thịt gà.
Chính phủ Singapore đang nỗ lực cắt giảm sự phụ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu thông qua sáng kiến có tên gọi ‘30 by 30’, tức tự sản xuất 30% nhu cầu thực phẩm trong nước vào năm 2030.
Hiện nay, Sinagpore nhập khẩu hơn 90% nhu cầu thực phẩm, khiến nước này dễ bị tổn thương trước các lệnh cấm xuất khẩu hay tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng như đã xảy ra trong đại dịch Covid-19.
SFA và Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu thuộc Bộ Công thương Singapore đã cam kết tài trợ 144 triệu đô la Singapore cho các dự án nghiên cứu và sản xuất giúp nâng cao nguồn cung thực phẩm sản xuất trong nước.
Thịt nuôi được tạo ra như thế nào?
Theo bà Elaine Siu, thịt nuôi trong phòng thí nghiệm an toàn, sạch và hiệu quả hơn so với việc nuôi gia súc, gia cầm ở nông trại. Bà giải thích: “Thay vì phát triển tế bào cơ bên trong động vật sống, các nhà sản xuất thịt trong phòng thí nghiệm chỉ chiết xuất một vài tế bào động vật và sử dụng một hỗn hợp chất dinh dưỡng để nuôi và phát triển các tế bào này thành miếng thịt. Nhờ vậy, chúng ta sẽ nhận được sản phẩm thịt sạch vì quá trình sản xuất không đòi hỏi các chất kháng sinh, giết mổ và ít bị rủi ro lây nhiễm các vi khuẩn như E.coli, salmonella hay các vi khuẩn khác”. |
Theo Straits Times, Tech Crunch