Thứ bảy, 4/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tăng tốc trong cuộc đua giành quyền thống trị ‘không gian mới’

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong vài năm qua, thế giới đã chứng kiến các cuộc chiến thương mại và cuộc chiến quân sự, và năm nay “cuộc chiến giữa các vì sao” nóng lên khi không gian, được xem là “biên giới kinh tế cuối cùng”, trở thành trọng tâm của cuộc chạy đua giành quyền thống trị giữa tổ chức nhà nước lẫn tư nhân trên toàn cầu.

Thế giới đang tăng tốc cuộc đua giành quyền thống trị không gian mới, bao gồm lĩnh vực du lịch vũ trụ, khai thác khoáng sản trên các tiểu hành tinh. Ảnh: cxocontent

Các ty công nghệ hàng không vũ trụ và dịch vụ vệ tinh hàng đầu như SpaceX của tỉ phú Elon Musk, Blue Origin của tỉ phú Jeff Bezos cũng như Orbital ATK, ViaSat, SES, OneWeb cùng hơn 10.000 công ty vũ trụ thương mại khác đã phát triển trong hai thập niên qua thành một lĩnh vực đang phát triển được gọi là “không gian mới”.

“Không gian mới” ám chỉ đến nỗ lực tiếp cận không gian của khu vực tư nhân và trạm vũ trụ phục vụ cho các hoạt động của vệ tinh, công nghệ quốc phòng, phân tích dữ liệu và thậm chí nhiều lĩnh vực mang tính đầu cơ hơn như du lịch vũ trụ, khai thác khoáng sản trên các tiểu hành tinh.

SpaceX, công ty không gian mới được biết đến nhiều nhất, đã phóng hàng nghìn vệ tinh cho cả mục đích công lẫn tư nhân. Dịch vụ internet vệ tinh Starlink của SpaceX đã giúp duy trì kết nối internet ở Ukraine ngay cả khi các lực lượng Nga làm sụp đổ các dịch vụ viễn thông khác. Nhưng Starlink cũng có thể là mục tiêu triệt hạ tiềm năng của quân đội Nga, ngay đúng lúc tỉ phú ElonMusk mặc cả với Lầu Năm Góc về chi phí giúp người dân Ukraine duy trì kết nối mạng internet.

Thực tế này đã gây chú ý đến cuộc tranh luận ngày càng gay gắt về việc ai sẽ kiểm soát nền kinh tế vũ trụ trị giá 469 tỉ đô la Mỹ vào năm 2021, theo ước tính của tổ chức phi lợi nhuận Space Foundation. Ngân hàng Bank of America (Mỹ) dự báo ngành công nghiệp không gian sẽ đạt trị giá 1.400 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030.

Doanh thu trong lĩnh vực vũ trụ thương mại tăng 6,4% so với năm 2020, theo Báo cáo Không gian 2022 của Space Foundation. Phần lớn mức tăng trưởng là nhờ chi tiêu của các chính chính phủ cho các chương trình vũ trụ dân sự và quân sự tăng 19%, với chi tiêu của Ấn Độ tăng 36%, tiếp theo là Trung Quốc và Mỹ, với mức tăng lần lượt 23% và 18%.

Thám hiểm không gian từng là chương trình do nhà nước hậu thuẫn, tập trung vào an ninh quốc gia, niềm tự hào dân tộc và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, Mỹ bắt đầu rút lại quyền kiểm soát tập trung của chính phủ đối với không gian sau hai vụ nổ tàu con thoi của Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (Nasa), khiến tổng cộng 14 phi hành gia thiệt mạng (tàu Challenger vào năm 1986 và tàu Columbia vào năm 2003).

Năm 2004, một ủy ban tổng thống về chính sách khám phá không gian của Mỹ kết luận rằng: “Vai trò của Nasa nên giới hạn ở những khu vực có bằng chứng không thể chối cãi rằng chỉ chính phủ mới có thể thực hiện các hoạt động được đề xuất”.

Mặc dù các chương trình phóng vệ tinh hợp tác công-tư đã tồn tại từ thập niên 1960, nhưng phải đến khi chương trình tàu con thoi của Mỹ bị hủy bỏ vào năm 2011, một nhóm mới của các công ty vũ trụ thương mại mới thực sự cất cánh.

Quốc hội Mỹ đã thiết lập một chính sách mới, có tên gọi Chương trình Dịch vụ vận chuyển quỹ đạo thương mại, để khuyến khích tư nhân hóa chương trình phóng vệ tinh. Nasa và các cơ quan chính phủ khác trở thành khách hàng của các công ty không gian tư nhân, chứ không còn là những bên phát minh và thậm chí là bên giám sát các công nghệ không gian mới.

Tư nhân hóa sẽ giúp giảm chi phí và tăng cường đổi mới trong lĩnh vực khám phá không gian. Dữ liệu của Nasa từ năm 2014 cho thấy các tên lửa của SpaceX có thể vận chuyển 1kg hàng hóa lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) với chi phí chỉ bằng một phần ba so với tàu con thoi. Hiện nay, các chuyến bay do tư nhân thực hiện đảm nhận phần lớn các nhiệm vụ tiếp tế cho ISS và thậm chí vận chuyển một số phi hành gia.

Nhưng như giáo sư Matthew Weinzierl của Trường Kinh doanh Harvard, đã chỉ ra, trong khi chi phí giảm và sự đổi mới trong việc tái sử dụng vật liệu và thiết bị phóng tăng lên, thì sức mạnh độc quyền của các công ty tư nhân cũng tăng theo.

Một số ít các công ty vũ trụ mới có thể sử dụng các công nghệ mà Nasa đã mất nhiều thập niên để phát triển nhưng các công ty trước đây đã hỗ trợ xây dựng chúng lại trở thành người thua cuộc. Những người dân đóng thuế đã tài trợ cho các nghiên cứu cơ bản về công nghệ không gian không có cổ phần trong khối tài sản được tạo ra bởi các tỉ phú sở hữu các công ty không gian hàng đầu hiện nay.

Cuộc đua vào không gian mới có nhiều yếu tố phức tạp vì quy mô rộng lớn và những thiệt hại tiềm tàng. Rác vũ trụ, bao gồm các vệ tinh không còn hoạt động, các bộ phận của tàu vũ trụ và mảnh vỡ do va chạm giữa chúng tạo ra, đang trở thành một yếu tố rủi ro chính trong cuộc đua không gian mới. Nhưng cho đến nay, chưa có bất kỳ sự đồng thuận nào về việc ai sẽ trả chi phí dọn dẹp rác vũ trụ hoặc phân xử hậu quả do các vụ va chạm tàu vũ trụ và vệ tinh.

Luật chính điều chỉnh các tài sản chung trong không gian vẫn là Hiệp ước Không gian vũ trụ năm 1967, mà cho đến nay đã có 112 nước tham gia. Tuy nhiên, hiệp ước hầu như không đề cập đến các công nghệ vũ trụ hiện đại. Nội dung của nó chỉ đơn giản là cấm đưa vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác vào không gian.

Những người lạc quan sẽ lập luận rằng lợi nhuận tiềm năng từ việc thương mại hóa không gian sẽ nhiều hơn chi phí dọn dẹp rác vũ trụ. Họ cũng cho rằng quy định quản lý không gian chặt chẽ hơn sẽ xuất hiện như là điều tất yếu cùng với sự đổi mới công nghệ không gian.

Nhưng thật quá dễ dàng để hình dụng ra bất kỳ thảm họa không gian  nào theo phong cách khoa học viễn tưởng, từ việc tạo ra các thuộc địa bên ngoài Trái đất, nơi những người giàu có thể tìm đến sinh sống để thoát khỏi các vấn đề của hành tinh này, cho đến những tỉ phú tham lam tích trữ khoáng sản đất hiếm trong không gian.

Để giải quyết vô số vấn đề do thương mại hóa không gian đặt ra sẽ đòi hỏi loại hình hợp tác toàn cầu hiện đang còn thiếu trên Trái đất.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới